THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:04

Thu Độc lập: Cảm hứng cho những khúc ca bất hủ

“Biên niên sử” về những ngày thu tháng Tám

Trong biên niên sử bằng âm thanh của dòng âm nhạc cách mạng lấp lánh nhiều ca khúc của nhiều thế hệ đã trực tiếp hoặc gián tiếp ca ngợi cách mạng, ca ngợi chính quyền nhân dân như những tiếng kèn xung trận.

Ca khúc “19 tháng 8”  của nhạc sĩ Xuân Oanh đã ăn sâu vào lớp lớp thế hệ người Việt Nam  và được xem là một dấu mốc về ngày khởi nghĩa của dân tộc. Ra đời đúng ngày khởi nghĩa 19/8/1945 nên cảm xúc trong mỗi ca từ và âm hưởng của “19 tháng 8” tràn đầy sức sống, là ký ức của những ngày thu rạng ngời niềm vui kỷ niệm chiến thắng Cách mạng tháng Tám lịch sử. Sau này, nhắc lại những kỷ niệm khi sáng tác, cố nhạc sĩ Xuân Oanh kể: Khi đó ông vừa đi vừa viết trên những mảnh báo cũ và vỏ bao thuốc lá. Viết được dòng nào, ông hát lên cho mọi người cùng hát theo và đến chiều cùng ngày bài hát được in lại và phổ biến rộng rãi. Nhắc đến ca khúc bất hủ của mình, cố nhạc sĩ cho rằng, “19 tháng 8” chính là hành khúc do toàn dân giúp ông có những cảm xúc, khiến âm nhạc và lời ca xuất hiện trong đầu và bật ra một cách kỳ lạ...

Trong số những ca khúc vang lên trong những ngày tháng Tám lịch sử còn phải kể đến hai hành khúc của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước: “Lên đàng” và “Tiếng gọi thanh niên”. Ca khúc như lời thúc giục, sục sôi dành cho thế hệ thanh niên thời bấy giờ và cho đến nay vẫn là ca khúc bất hủ dành cho thanh niên, sinh viên Việt Nam. Sau này, “Lên đàng” trở thành ca khúc chính thức của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. “Lên đàng” và “Tiếng gọi thanh niên” đã đưa Lưu Hữu Phước trở thành một trong những nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên sử dụng thể loại hành khúc, tiền đề cho những ca khúc trong kháng chiến chống Pháp, thức tỉnh và thúc đẩy thanh niên tham gia phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc.

 

Tiến Quân ca- Bài hát ra đời trong những ngày thu tháng 8 lịch sử đã trở thành Quốc ca


Một bài hát khác không thể không nhắc tới  là “Tiến quân ca”  của cố nhạc sĩ Văn Cao. Cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam đã  viết bài hát đó tại căn gác số 45 Nguyễn Thượng Hiền năm 1944. Khi còn sống, Văn Cao từng kể lại kỷ niệm khi lần đầu tiên trong cuộc mít tinh của công chức Hà Nội (17/8/1945), khi đó “Tiến quân ca” được hàng ngàn người hòa nhịp cất cao tiếng hát trước Quảng trường Nhà hát Lớn. “Bài “Tiến quân ca” đã nổ như một trái bom. Nước mắt tôi trào ra. Chung quanh tôi hàng ngàn giọng hát vang lên theo những đoạn sôi nổi,...Trong một lúc, những tờ bướm in “Tiến quân ca” được phát cho từng người trong hàng ngũ các công chức dự mít tinh. Tôi đứng cùng đám đông quần chúng trước cửa Nhà hát Lớn...”. Sau đó “Tiến quân ca” đã được cất lên ngay trong buổi chiều 2/9/1945 trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trở thành Quốc ca và  từ đó đến nay  “Tiến quân ca” luôn giữ một vị trí đặc biệt trong nền âm nhạc  dân tộc .Ra đời sau 2 năm thời điểm diễn ra cuộc Cách mạng tháng Tám và ngày thành lập nước 2/9 nhưng bài  hát “Ba Đình nắng” của Bùi Công Kỳ và Vũ Hoàng Địch đã phản ánh sinh động bối cảnh, không khí ngày Quốc khánh của dân tộc. 2 câu mở đầu bài hát là một tiếng reo vui với hình tượng lá cờ đỏ sao vàng của dân tộc đang phấp phới bay trên kỳ đài: “Gió vút lên! Ngọn cờ trên kỳ đài phấp phới. Gió vút lên! Đây bao nguồn sống mới dạt dào”. Chủ đề xuyên suốt đó luôn được tái hiện qua hình tượng lá cờ đỏ sao vàng hiện ra: “Tôi về đây lắng nghe bao tiếng gọi của mùa thu Cách mạng vàng sao. Tôi về đây trong nắng nhớ thu nào. Sao vàng mọc, muôn sao vàng tung cánh”. Đây cũng  là ca khúc duy nhất đưa được câu Bác nói với biển người tại Quảng trường Ba Đình trước lúc đọc bản Tuyên ngôn độc lập: “Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?”

“Đoàn Vệ quốc quân” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu  ra đời vào thời điểm cả nước đang quyết liệt bảo vệ nền độc lập trước nguy cơ Pháp tái chiếm. Như lời thề của thế hệ thanh niên lên đường ra trận: “Ra đi ra đi bảo tồn sông núi, ra đi ra đi thà chết không lui”... Ca khúc được cất lên lần đầu tiên trên đoàn tàu chở những đoàn quân Nam tiến, đội văn nghệ tuyên truyền Việt Minh, trong đó có tác giả đã ca vang giai điệu đầy quyết tâm của những thanh niên đang lên đường cứu nước...

 Chủ tịch Hồ Chí Minh - niềm cảm hứng vô tận

Vào những ngày thu, khi toàn dân tưng bừng kỷ niệm ngày Quốc khánh cũng là lúc những ca khúc về người Cha già vĩ đại, vị lãnh tụ mà ý chí đã trở thành hệ tư tưởng để nhiều thế hệ noi theo lại được vang lên. Nhớ về Bác trong những ngày thu lịch sử ấy, các nhạc sĩ đã cống hiến cho đời, cho nghệ thuật rất nhiều ca khúc hay, sống mãi với thời gian, như: “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”, "Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người", "Lời ca dâng Bác", "Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó", “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh”, "Đôi dép Bác Hồ", “Miền Trung nhớ Bác”, “ Đêm Trường Sơn nhớ Bác”, “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”, “Trông cây lại nhớ đến Người”, “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”, “Bác Hồ một tình yêu bao la”...

Trong các nhạc sĩ đương đại, Thuận Yến là người có nhiều ca khúc hay về Bác Hồ như:  “Miền Trung nhớ Bác”, “Bác Hồ một tình yêu bao la”, “Vầng trăng Ba Đình”... Tuy nhiên, theo nhạc sĩ kể lại thì những ca khúc đầu tiên do ông sáng tác về Bác không gây được ấn tượng đáng kể với khán thính giả. Chỉ khi trong ông nảy ra mấy câu thơ của Tố Hữu: "Người là cha, là Bác, là Anh/ Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ", thì cái tứ của ca khúc “Bác Hồ một tình yêu bao la” mới hình thành. Những câu hát "Bác thương các cụ già xuân về gửi biếu lụa/ Bác yêu đàn cháu nhỏ Trung thu gửi cho quà/ Bác thương đoàn dân công đêm nay ngủ ngoài rừng/ Bác thương người chiến sĩ đứng gác ngoài biên cương"… khiến người nghe nhớ tới nhiều câu thơ hay viết về Bác trong những bài thơ nổi tiếng.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh- nguồn cảm hứng bất tận của nhiều nhạc sĩ


“Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”- của nhạc sĩ Trần Kiết Tường được bắt đầu bằng một điệu hò đặc trưng miền Đồng Tháp Mười như một ngụ ý của nhạc sĩ:  bao nhiêu năm bôn ba xứ người tìm đường cứu nước cho đến khi cả dải đất hình chữ S được thống nhất dưới tên gọi Việt Nam, Bác vẫn luôn canh cánh trong lòng hình ảnh miền Nam thân thương, vẫn hằng mong mỏi một ngày vào thăm đồng bào ở đây. Và bài hát như thay lời người miền Nam thổ lộ tâm tình với vị lãnh tụ vĩ đại của cả dân tộc. Qua giọng hát say mê, nhiệt tình của ca sĩ Quốc Hương, bài hát được đông đảo các tầng lớp nhân dân đặc biệt yêu thích và đã bay xa khắp hai miền Nam - Bắc, bằng những giai điệu hiền hòa, dạt dào tha thiết, rất đỗi thiêng liêng.

Không chỉ nhạc sĩ Việt Nam, Hồ Chí Minh là một cái tên Việt Nam khắc sâu trong lòng bạn bè thế giới. Những người yêu hòa bình trên khắp thế giới đều dành cho Bác sự ngưỡng mộ và  một tình cảm đặc biệt. “Bài ca Hồ Chí Minh - The ballad of Ho Chi Minh” là ca khúc đặc biệt nhất vì nguyên bản không được viết bởi người Việt và đương nhiên không phải lời Việt. Tác giả ca khúc, Ewan MacColl là một ca sĩ, nhạc sĩ, nhà thơ, nhà soạn kịch người Anh gốc Scotland đã viết “The ballad of Ho Chi Minh” bằng những cảm tác của mình sau khi đọc được một quyển sách quý của nước ngoài viết về Người. Và ông đã lý giải về nhịp điệu bài hát chính là làn điệu dân ca cổ Saxon được sử dụng để nói lên tình cảm của người Anh dành cho Bác. Bài hát sau này đã nhanh chóng được lưu truyền khắp Việt Nam, Pháp và các tầng lớp phản chiến khác. Ca khúc sau đó đã  được dịch ra nhiều thứ tiếng và phổ biến khắp thế giới.

Ca sĩ Quang Hưng là người đầu tiên dịch và giới thiệu “Bài ca Hồ Chí Minh” với điệp khúc "Hồ... Hồ... Hồ Chí Minh" nổi tiếng tại Việt Nam sau khi được chính Ewan MacColl dạy hát tiếng Anh. Ông  tâm sự: “Tôi xúc động đến trào nước mắt khi nghe bài hát ca ngợi Bác Hồ của một nhạc sĩ nước ngoài sống cách xa ta nửa vòng trái đất. Hàng ngàn thính giả đã lặng đi khi nghe MacColl hát đến đoạn..."Hồ Chí Minh - mùa xuân, chứa chan muôn niềm tin, người từ chân lý sinh ra, vì thế giới hòa bình, người hiến dâng đời mình. Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh"...

BẢO CHÂU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh