THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:33

Thủ đoạn ăn gian tiền tỷ ở 2 cây xăng Hà Nội

 

Cơ quan cảnh sát điều tra công an Hà Nội vừa hoàn tất hồ sơ, đề nghị truy tố 16 bị can trong đó có hai trưởng ca Trần Thanh Trình (36 tuổi), Nguyễn Mạnh Hà (33 tuổi), cửa hàng trưởng Nguyễn Thị Hồng Hạnh (50 tuổi) trong vụ cửa hàng xăng dầu số 436 Trần Khát Chân gian lận, lắp chip điện tử để “móc túi” khách hàng. Các bị can cùng bị truy tố về hành vi lừa dối khách hàng.

Khoảng tháng 4/2014, Trình và Hà gặp bà Hạnh để xin ý kiến về việc lắp chip điện tử gian lận vào các cột bơm ở cây xăng 436 Trần Khát Chân, nhằm chiếm đoạt xăng dầu của khách mua, bù đắp vào lượng xăng dầu hao hụt trong quá trình bán, lưu trữ và tăng thù lao cho nhân viên. Được bà Hạnh đồng ý, Trình và Hà thu tiền góp của các nhân viên tại cửa hàng được 70 triệu đồng để mua chip điện tử.

Biết Hồ Trọng Tuấn (43 tuổi) - Trưởng phòng thị trường Công ty cổ phần xăng dầu chất đốt Hà Nội có nhiều mối quan hệ trong lĩnh vực xăng dầu, nên hai bị can trên đã nhờ tìm người gắn chip điện tử gian lận vào các cột bơm xăng. Vài ngày sau, Tuấn báo cho Trình đã tìm được người và hẹn buổi tối, khi cửa hàng đã đóng sẽ đưa người này đến.

Chip điện tử 500 nghìn sang tay giá 25 triệu

Được Tuấn nhờ, Lê Đức Phong (40 tuổi) giới thiệu Ngô Đức Toàn (37 tuổi) người có nguồn chip điện tử. Mỗi con chip sẽ gian lận từ 1% đến 6% lượng xăng dầu bán ra cho khách hàng. Toàn mua với giá 500.000 đồng/chip, bán lại cho Phong với giá 1,5 triệu đồng/chip và hướng dẫn cách lắp đặt.

Các con chip này qua Phong được “báo giá” cho Tuấn lên 7-8 triệu đồng/chip. Tuy nhiên lúc gặp, Tuấn dặn Phong báo giá “chốt” mỗi con chip là 25 triệu đồng để ăn tiền chênh lệch. Chờ đến tối muộn, để tránh bị phát hiện, Tuấn đưa Phong đến lắp 2 con chip gian lận vào cột bơm số 2 và số 4. Tổng số tiền Trình đưa cho Tuấn và Phong là 75 triệu đồng.

Cây xăng gian lận móc tiền tỷ của khách mua hàng.

Thấy cửa hàng sử dụng công tắc tắt bật để khởi động chip dễ bị phát hiện, Trình và Hà thay bằng hệ thống điều khiển từ xa cho 3 con chip với giá 21 triệu đồng. 3 bộ điều khiển được để trong hòm đựng tiền để các nhân viên thay nhau điều khiển. 8 nhân viên cửa hàng xăng đều biết việc lắp chip và được hướng dẫn sử dụng.

Trung bình mỗi ca bán hàng, trưởng ca và nhân viên được chia từ 400.000 đến 600.000 đồng/người (tùy theo doanh số). Bà Hạnh nhận trung bình 10-15 triệu đồng/tháng, Tuấn cũng được chung chia từ việc gian lận xăng dầu bán cho khách hàng.

Tháng 5/2015, Trình được điều động về làm cửa hàng trưởng cửa hàng xăng dầu Yên Viên nên đặt vấn đề nhờ Ngô Tuấn Anh đến nghiên cứu, lắp chip điện tử gian lận cho cây xăng mới này. Tuấn Anh mang 3 con chip đến lắp đặt vào 3 cột bơm xăng của cửa hàng xăng dầu Yên Viên, đồng thời cải tiến thêm bộ điều khiển từ xa. Mỗi chip điện tử gian lận 5% tổng lượng xăng dầu bán ra.

Để tiêu thụ lượng xăng dầu gian lận, Trình nhờ lái xe của Công ty cổ phần xăng dầu chất đốt Hà Nội bán cho cửa hàng xăng dầu Vân Dương (địa chỉ quốc lộ 18 phường Vân Dương, TP Bắc Ninh) với giá thấp hơn giá thị trường khoảng 2.200 đồng/lít.

Ngày 24/12/2015, hành vi của Trình và các bị can bị phát hiện. Cơ quan chức năng xác định, chip điện tử gian lận làm thiếu hụt 5% lượng xăng dầu bán ra cho khách hàng. Việc lắp các chip điện tử này, Hạnh được hưởng lợi 200 triệu đồng, Trình 191 triệu đồng (ở cả 2 cây xăng Trần Khát Chân và Yên Viên), Hà 152 triệu đồng. Số nhân viên bán hàng tại cây xăng 436 Trần Khát Chân, người được chia nhiều nhất khoảng 150 triệu đồng, số còn lại nhận 3-5 triệu đồng/tháng.

Riêng về cây xăng ở Yên Viên, tổng số tiền gian lận khoảng 120 triệu đồng và hiện còn 2.000 lít dầu gian lận tồn kho. Về hành vi này của Trình, cơ quan điều tra tách riêng xử lý sau.

Trước khi bị đề nghị truy tố, 16 bị can đã tự nguyện nộp tổng số tiền hơn 1,6 tỷ đồng hưởng lợi bất chính từ việc lắp chip gian lận.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh