Thú chơi và thưởng thức đồ cổ ngày Tết
- Văn hóa - Giải trí
- 15:56 - 17/02/2018
Theo lệ thường, hàng năm cứ vào dịp Tết âm lịch, thị trường đồ cổ lại trở nên sôi động. Để có được món đồ độc mà mình ưng ý, nhiều nhà sưu tầm đã không ngại bỏ ra những khoản tiền lớn nhưng không phải lúc nào họ cũng được ưng ý.
Kỷ lục gia Đinh Công Tường và những chiếc lộc bình cổ quý hiếm
Người xưa bảo “Quý vật tìm quý nhân” ngoài hàm ý rằng chỉ trong tay người am hiểu, người biết nâng niu, trân trọng quý vật mới tỏa sáng, mới thể hiện hết chân giá trị của mình. Nhưng cũng còn một ý khác, người và vật đến được với nhau là do duyên, hình như vật tìm đến người chứ người sao có thể tìm được vật.
Về thú chơi và thưởng thức đồ cổ ngày tết cũng có sự khác biệt so với ngày thường. Ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng như nhiều nơi trong cả nước, ngày thường có rất nhiều chợ hay quán cà phê có mở thêm gian hàng bán, trao đổi đồ cổ, đồ cũ thường được gọi với các cái tên như cà phê ve chai, cà phê lạc son, cà phề đồ cũ... Tại đây, người ta có thể mua, bán trao đổi đủ loại đồ, cổ cũng có mà cũ thì nhiều hơn như đồng hồ, bật lửa, bút, bàn ủi, tượng, tranh... Còn đồ cổ trong dịp Tết thường là đồ cúng, đồ trang trí quý hiếm và đắt tiền như bát hương, lư đồng, độc bình, hoành phi, đĩa, ghè, tượng...
Những chiếc nậm cổ quý
Đến quận 12 - Thành phố Hồ Chí Minh, hỏi nhà anh Đinh Công Tường trên đường Nguyễn Ảnh Thủ thì rất nhiều người biết. Đơn giản là vì anh Tường đang có trong tay rất nhiều kỷ lục như người có nhiều độc bình cổ nhất, nhiều đĩa cổ nhất, nhà sưu tầm có số lượng cổ vật nhiều ở Đông Nam Á... Nhưng ít ai biết, để có được những món cổ vật giá trị, nhất là những thứ thể hiện, lưu giữ bản sắc văn hóa Việt Nam kỷ lục gia Đinh Công Tường đã phải tốn không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức và cả cái duyên kỳ ngộ với cổ vật nữa.
Đinh Công Tường đang giữ được một bộ đồ thờ bằng đồng trúc, cổ và quý hiếm bậc nhất Việt Nam. Bộ đồ thờ này gồm ba món gồm 02 lộc bình, 02 đài đựng nhang nến và lư hương, tất cả đều được chạm khắc cực kỳ tinh xảo và được đúc bằng loại đồng quý hiếm sau nhiều năm không cần đánh bóng nhưng chỉ cần lau qua là lại sáng như mới. Đây là món đồ cổ gia bảo của một gia đình ở Huế thời Chúa Nguyễn, sau nhiều lần đổi chủ, lúc sắp nguy cơ bị mang bán ra nước ngoài thì được anh Tường mua lại và giữ gìn cho đến nay.
Ghè cổ gốm
Kho đồ cổ của Đinh Công Tường hiện đã lên đến trên 100 ngàn cổ vật, với đủ chủng loại, chất liệu, nhưng nhiều nhất vẫn là đồ gốm sứ. Đây là thứ mà người Việt Nam rất ưa chuộng, coi như của gia bảo trong nhà, chỉ những dịp lễ tết mới đem ra trưng, ra khoe như thể hiện đẳng cấp chịu chơi, sự sang trọng của mình. Mà đúng vậy, ngày đầu năm mới, đến một gia đình nào đó thấy bên chiếc sập gụ là đôi độc bình cổ, bức tượng độc thì còn gì sang trọng hơn. Còn với đồng bào Tây Nguyên thì món đồ giá trị mà họ không thể không khoe trong dịp tết phải là bộ chiêng quý hay những chiếc ghè bằng gốm Quảng Đức, với đồng bào Chămpa phải là những chiếc bình đất từ thế kỷ thứ 7, những chiếc ghè có vòi ở thế kỷ thứ 12...
Vì lẽ đó, để giữ lại những cố vật quý không bị mai một theo thời gian, nhất là tránh bị buôn bán trái phép ra nước ngoài là chuyện không dễ.
Với tài năng bẩm sinh, sự thiên phú trong việc nhận biết và sự đam mê đến ma mị về cổ vật, Đinh Công Tường luôn nhận ra giá trị thật của cổ vật cả khi nó xuất hiện dưới tư cách là những vật dụng bình thường. Nhưng anh chưa bao giờ vì thế mà anh mua rẻ đồ của người khác. Thông thường anh sẽ chỉ cho chủ nhân của cổ vật giá trị thật của nó sau đó sẽ đề nghị mua lại nhằm mục đích bảo tồn, lưu giữ cho các thế hệ mai sau. Hiểu được điều đó, cảm nhận được sự chân tình và cái tâm của nhà sưu tầm, nhiều người đã đồng ý nhường lại món đồ cho anh, thậm chí có người còn tặng không, với mong muốn món đồ sẽ được nhiều người thưởng thức và được gìn giữ lâu dài.
Hiện nay, ngoài những món đồ cổ thuộc loại độc nhất vô nhị như tại Việt Nam như Tượng người đội đèn bằng đồng thế kỷ thứ 17, Tượng đá Sa Huỳnh thế kỷ thứ 4, Bình đất Chămpa thế kỷ thứ 7... có lẽ anh Tường là người duy nhất đang có những chiếc ghè bằng gốm Quảng Đức. Đây là loại gốm đã thất truyền ở miền Trung nước ta. Do cách nung độc đáo nên gốm Quảng Đức khác hẳn gốm Gò Sành và các loại gốm khác như Bàu Trúc, Bát Tràng hay Sa Huỳnh.
Gốm Quảng Đức nhìn chung thô mộc, không cầu kỳ nhưng màu sắc rất khác lạ thâm chí là bí ẩn đến độ huyền bí. Gốm Quảng Đức được nung trong lò có nhiệt độ lên đến trên 500 độ C, từ loại củi cây bằng lăng, kết hợp với thứ vỏ sò huyết chỉ có ở vùng đầm Ô Loan tỉnh Phú Yên và thứ đất sét xanh, đất sét vàng ở xã An Định. Vỏ sò huyết gặp nhiệt độ cao tan chảy, quyện vào đất sét tạo ra thứ men độc đáo không nơi nào có được. Đất sét xanh để làm các loại gốm thông thường còn đất sét vàng để chế tác các sản phẩm gốm cao cấp.
Sản phẩm gốm Quảng Đức theo kỷ lục gia Đinh Công Tường thì rất đa dạng. Bao gồm ghè đựng rượu cần cho người dân tộc thiểu số trên Tây Nguyên, lọ đựng nước, chén, nồi, bình trà, nậm rượu đến trã kho cá, lu đựng nước, chậu...
Hiện tại số cổ vật thuộc dòng gốm Quảng Đức còn lại rất ít, nhất là các sản phẩm gốm có chất men màu xanh ngọc, màu đỏ huyết. Chỉ những nhà sưu tầm tâm huyết và có nghề mới tìm được - nhưng cũng không nhiều, những món đồ thuộc loại độc nhất vô nhị này. Trong bộ sưu tập hàng vạn món đồ cổ về gốm sứ của Đinh Công Tường, số đồ cổ thuộc làng gốm Quảng Đức cũng chỉ có khoảng vài chục món và anh luôn rất quý trọng gìn giữ. Ngoài chiếc ghè màu huyết độc đáo và quý hiếm, Đinh Công Tường còn có chiếc ghè cổ trang trí hoa văn, họa tiết tinh tế và sang trọng và cả những chiếc lọ trơn rất giản dị, mộc mạc nhưng đẹp kỳ lạ.
Chơi và thưởng thức đồ cổ trước đây chỉ dành cho những người đam mê và nhiều tiền. Giờ đây, cuộc sống đã sung túc hơn, nhiều người bình thường cũng muốn sở hữu những món đồ cổ giá trị để trưng trong dịp tết, hay coi đó như một thứ tài sản để dành. Đây cũng là một nét đẹp trong văn hóa tết của người Việt, nó không chỉ mang lại sự đa dạng trong đời sống mà còn góp phần gìn giữ những giá trị tinh thần cho những thế hệ mai sau.