THỨ NĂM, NGÀY 14 THÁNG 11 NĂM 2024 11:10

Khám chữa bệnh bằng BHYT: “Thông tuyến sớm ngày nào, tốt cho dân ngày đó”

 

Thông tuyến là động lực, thúc đẩy phát triển BHYT

Báo cáo tại phiên họp của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Tổng Giám đốc Bảo hiểm Việt Nam Nguyễn Thị Minh đều khẳng định, thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, có tác động tích cực đối với cả người bệnh, các cơ sở y tế và tạo động lực góp phần thúc đẩy phát triển, hoàn thiện chính sách bảo hiểm y tế ở nước ta. Việc thông tuyến tạo ra nhiều thuận lợi cho người có thẻ bảo hiểm y tế trong việc tiếp cận với các dịch vụ khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế.

Đặc biệt, thuận lợi đối với các trường hợp người lao động khi phải di chuyển công việc từ địa phương này sang địa phương khác hoặc người về hưu thay đổi nơi cư trú; Người dân sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; sống ở xã đảo, huyện đảo được khám chữa bệnh nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương mà không cần giấy chuyển viện, được hưởng các dịch vụ khám, chữa bệnh tốt hơn nhờ sự cạch tranh về chất lượng giữa các cơ sở khám chữa bệnh để thu hút người bệnh.

Số liệu thống kê cho thấy, tần suất KCB/thẻ BHYT tại các cơ sở y tế tuyến huyện năm 2016 đã tăng lên gần 20% so với năm 2015. Số lượt bệnh nhân khám thông tuyến giữa các trạm y tế xã cũng tăng 1,6 triệu lượt so với năm 2015. Người bệnh cũng được hưởng các dịch vụ khám, chữa bệnh tốt hơn nhờ sự cạch tranh về chất lượng giữa các cơ sở KCB để thu hút người bệnh...

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh vấn đề thông tuyến KCB

 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu một số bất cập khi thực hiện cơ chế thông tuyến, như không kiểm soát được người có thẻ BHYT tự ý đi khám chữa bệnh ở cơ sở khác. Hay như tình trạng chưa kiểm soát được tình trạng người tham gia BHYT lợi dụng chính sách thông tuyến để đi khám chữa bệnh nhiều lần, nhiều nơi mà không phải vì nhu cầu khám chữa bệnh. Một số bệnh viện tư nhân có xu hướng xin xuống hạng  để được xếp tương đương với bệnh viện huyện để được áp dụng cơ chế thông tuyến…

 Bộ trưởng Bộ Y tế cũng kiến nghị Quốc hội cho phép thí điểm thông tuyến đối với các cơ sở khám chữa bệnh Y học cổ truyền tuyến tỉnh từ năm 2017; Chính phủ nghiên cứu điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế để đáp ứng nhu cầu KCB, phù hợp với lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh cũng thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế khi thực hiện quy định thông tuyến, trong đó, có sự ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến xã. Một số cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng khi có số lượng lớn bệnh nhân đến khám chữa bệnh…Bên cạnh đó, có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh của các cơ sở khám chữa bênh, nhất là các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân như khuyến mại, thu hút người bệnh bằng quà tặng, chỉ định nhiều dịch vụ kỹ thuật... tạo nhu cầu khám, chữa bệnh tăng “ảo” làm gia tăng chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

 

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh dẫn chứng một số tồn tại, hạn chế khi thực hiện thông tuyến

Đặc biệt, có tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT gia tăng từ phía cơ sở KCB như tăng chỉ định số lượng xét nghiệm cận lâm sàng, chụp X quang, thuốc...; người bệnh BHYT đi khám chữa bệnh nhiều lần trong ngày, tuần, tháng để “lấy” thuốc.Số liệu thống kê cho thấy “nhiều trường hợp không bình thường” vì từ tháng 7/2016 đến tháng 2/2017, có trên 1,2 triệu người tham gia BHYT đi khám, chữa bệnh từ 2 lần trở lên mỗi tháng; 3 triệu lượt khám nhiều lần trong cùng ngày, nhiều lần trong tháng. Thậm chí, có trường hợp đi khám, lấy thuốc đến... 308 lần ở 23 nơi trong 8 tháng (ở TPHCM), 197 lần ở 5 nơi (TPHCM, Bình Dương), hay có người trong quý IV/2016 đi KCB đi khám 160 lần tại 20 cơ sở khác nhau.

"Lỗi chính ở quản lý, không phải do người bệnh"

Tại phiên họp,  TS. Nguyễn Văn Tiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng thông tuyến là một trong những chính sách được hoan nghênh nhất năm qua. Còn việc tăng chi quỹ BHYT vừa qua, tình trạng lạm dụng BHYT chủ yếu là do kết quả áp dụng giá dịch vụ y tế sau khi đã điều chỉnh. Ông Nguyễn Văn Tiên đề nghị: “Cần sửa luật bảo hiểm y tế về quy định về giám định bảo hiểm y tế và xử lý các hình thức theo kiểu khuyến mại khi đi khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế”.

Nhấn mạnh lỗi chính ở quản lý chứ không phải do người mua bảo hiểm, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết vừa qua rất nhiều ý kiến cử tri hỏi về bảo hiểm y tế và đề nghị đẩy mạnh thông tuyến nhanh nhất, vì quyện lợi của người dân là được khám ở nơi có dịch vụ tốt nhất.

Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan cũng đặt vấn đề căn bản tránh sự "thủng" quỹ BHYT là phải sửa luật BHYT. Quy chế, cách làm cần đặt quyền lợi người dân lên trên hết. Không vì một số người trục lợi làm nản lòng người bệnh số đông không có niềm tin vào BHYT.

Đại biểu Quốc hội Đặng Thuần Phong đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cần làm rõ hơn những giải pháp để khắc phục những hạn chế, tồn tại hiện nay, nhất là việc đa số tuyến khám cấp xã “ngồi chơi xơi nước”, “đắp chiếu” trong khi tuyến huyện ngày càng quá tải.

 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu những giải pháp để đẩy mạnh việc thông tuyến 

 

Trả lời câu hỏi của các đại biểu về các giải pháp để đẩy mạnh việc thông tuyến và hạn chế những tiêu cực , Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, giải pháp đột phá chính là tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở. Vấn đề này dù được đặt ra trước đây nhưng vẫn chung chung thì hiện nay Bộ đang quyết tâm đổi mới phương thức hoạt động, cơ chế tài chính, đầu tư cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực. “Có ý kiến đề nghị đẩy mạnh thông tuyến để người dân được tiếp cận với những nơi có dịch vụ tốt nhất. Đây là yêu cầu chính tuy nhiên để thực hiện được cần có lộ trình”- Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định.

Phát biểu tại phiên làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Thông tuyến là chủ trương đúng đắn vì quyền lợi của người dân. Lần đầu chúng ta thực hiện nên có không ít khó khăn, thậm chí tiêu cực. Nhưng không vì thế mà làm lùi quyết tâm thông tuyến mà cần phải thông tuyến sớm ngày nào tốt hơn ngày đó cho người dân”.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Y tế cần phải hoàn thiện sớm các văn bản hướng dẫn và phải ban hành ngay gói dịch vụ y tế cơ bản trong năm 2017, để việc chi trả chi phí khám chữa bệnh  của cả ngân sách nhà nước và tiền túi của người dân sao cho tiết kiệm nhất.  Ngoài ra, phải đẩy mạnh tin học hóa việc quản lý cùa các bệnh viện.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, không vì thông tin có hiện tượng khám vượt tuyến nhiều mà đặt vấn đề ngược lại. Bởi khi thực hiện thông tuyến, người dân được hưởng lợi và tạo ra nhiều chuyển biến tích cực. Do đó, Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh vấn đề này.

THÁI AN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh