THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 11:18

Thông tin Hà Nội ô nhiễm bụi PM2.5 thứ hai Đông Nam Á là không chính xác

 

ảnh minh họa

Gần đây một số bài báo đề cập, trích nguồn từ báo cáo của Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) và cho rằng “Hà Nội là thành phố ô nhiễm bụi PM2.5 đứng thứ hai Đông Nam Á”, nhưng theo Tổng cục Môi trường thông tin này thiếu chính xác.

Cụ thể, trong Báo cáo về hiện trạng chất lượng không khí toàn cầu so sánh giá trị bụi PM2.5 tại một số thành phố trong khu vực Đông Nam Á, GreenID cho rằng, Hà Nội đứng thứ 2 sau Jakarta (Indonesia) về mức độ ô nhiễm bụi PM2.5 trong khu vực Đông Nam Á. Nhận định này là chưa chính xác, vì trong bảng thống kê, GreenID chỉ có dữ liệu của 20 thành phố thuộc 4 quốc gia: Thái Lan (14 thành phố), Indonesia (1); Philippines (3), Việt Nam (2), không có đủ số liệu của 11 quốc gia Đông Nam Á để có thể đánh giá, xếp hạng theo như nhận định đã nêu.

Qua so sánh với một số thành phố khác của châu Á cho thấy, mức độ ô nhiễm của Hà Nội và TPHCM thấp hơn rất nhiều. Giá trị bụi PM2.5 trung bình năm 2018 tại Hà Nội là 40,8 µg/m3, tại TPHCM là 26,9 µg/m3, trong khi đó Dhaka (Bangladesh) là 97,1 µg/m3, Dehli (Ấn Độ) là 113,5 µg/m3; các thành phố của Trung Quốc như Hòa Điền, Hà Bắc, Từ Châu, Trịnh Châu… dao động từ 65,5-116 µg/m3...

Cũng theo Tổng cục Môi trường, cho đến nay, ở Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng, ô nhiễm không khí chỉ tập trung chủ yếu là ô nhiễm bụi do hoạt động giao thông, xây dựng và một số nguồn vận chuyển từ xa đến. Các chất khí khác (NOx, SO2, CO...) đều có giá trị trung bình thấp hơn rất nhiều giới hạn quy chuẩn cho phép. Một số khu vực có xảy ra ô nhiễm NO2 hoặc SO2 nhưng chỉ mang tính cục bộ ở một số thời điểm.

Trong khi đó, ở Trung Quốc, Ấn Độ và một số quốc gia khác, ngoài ô nhiễm bụi còn xảy ra tình trạng ô nhiễm NO2, SO2 (do sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các ngành công nghiệp nặng, đun nước nóng, sửa ấm trong mùa đông...) với mức độ khá cao.

Tổng cục Môi trường cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2019, phần lớn thời gian chất lượng không khí của Hà Nội ở mức trung bình.

Tại các khu vực ngoại vi hoặc các khu vực có không gian thoáng, nhiều cây xanh… số lượng ngày có chất lượng không khí ở mức tốt và mức trung bình chiếm tỷ lệ khá cao. Một số khu vực như Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu, Minh Khai, số ngày có chất lượng không khí ở mức kém và xấu cao hơn. Đây là những khu vực có mật độ phương tiện giao thông cao, cộng với các công trình xây dựng, nâng cấp hạ tầng đô thị đang diễn ra làm phát sinh một lượng bụi lớn vào môi trường.

Theo dõi diễn biến nồng độ bụi PM2.5 qua các giờ trong ngày cho thấy, nồng độ bụi PM2.5 dao động từ 40-80 µg/m3, thường tăng cao vào các giờ cao điểm, khi mật độ giao thông lớn. Tuy nhiên, nồng độ bụi PM2.5 cũng tăng cao vào nửa đêm và rạng sáng một số ngày gió mùa Đông Bắc tràn về Hà Nội.

Trong thời gian tới, tại Hà Nội vẫn tiếp tục duy trì trạng thái thời tiết thay đổi bất thường: Những ngày nóng xen kẽ những ngày giảm nhiệt độ do không khí lạnh tràn về, độ ẩm trong không khí cũng thay đổi bất thường… sẽ khiến cho tình trạng ô nhiễm bụi PM2.5 tiếp tục diễn ra. Hiện tượng này sẽ giảm dần khi thời tiết chuyển dần sang mùa hè.

Bụi PM2.5 là loại bụi siêu nhỏ trong khí quyển, với đường kính động học ≤2,5µm, có khả năng đi sâu vào phế nang phổi có thể gây viêm nhiễm đường hô hấp và làm tăng nguy cơ tử vong của những người mắc bệnh ung thư phổi, bệnh tim…

PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh