Thông tin chi phí quản lý Bảo hiểm xã hội tăng mạnh là không chính xác
- Bài thuốc hay
- 02:54 - 12/03/2017
Ông Phạm Lương Sơn cho biết, thông tin chi phí quản lý của Bảo hiểm xã hội Việt Nam năm 2015 tăng 75,8% so với năm 2014 là không chính xác. Không có chuyện tăng chi quản lý, đặc biệt là chi phí hành chính. Chi phí quản lý đã được Chính phủ phê duyệt thông qua những quy trình chặt chẽ và thận trọng.
Trước đó, theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước vừa công bố, việc lập dự toán chi phí quản lý của BHXH Việt Nam năm 2015 tăng 75,8%, tức tăng khoảng 3.193 tỷ đồng so với năm 2014. Bên cạnh đó, tổng số chi trả các chế độ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) hàng năm đều vượt tổng số thu. Trước thông tin này, nhiều chuyên gia đã đưa ra nhận định, đây là nguy cơ mất cân đối quỹ BHXH khi chi phí quản lý quá lớn và từ chính những nguy cơ này nên BHXH đã phải tính đến giải pháp tăng tuổi nghỉ hưu để bảo đảm an toàn cho quỹ.
Giải thích về vấn đề này, ông Phạm Lương Sơn cho biết, theo dự toán thu chi cho BHXH năm 2015 thì dự toán về kinh phí quản lý được giao 6.560 tỷ, tăng khoảng 59%, số tăng tuyệt đối hơn 2.400 tỷ để phục vụ cho những nhiệm vụ cần thiết, cấp bách của hệ thống BHXH mà năm 2014 và các năm trước đó BHXH Việt Nam chưa được bố trí kinh phí hoặc được bố trí với mức độ thấp. Cụ thể là chi cho công tác tuyên truyền phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, cải cách hành chính và thực hiện giao dịch điện tử; chi phục vụ trực tiếp đối tượng tham gia, thụ hưởng, phát triển đối tượng.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn tại buổi tọa đàm.
Năm 2015, số đối tượng tham gia, số đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đều tăng. Do đó, các khoản chi thù lao Đại lý thu bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế của một số đối tượng và chi UBND xã lập danh sách tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, phục vụ công tác thu; chi phí chi trả lương hưu, giám định bảo hiểm y tế... cũng tăng theo. Một nhiệm vụ nữa là để chi cho quản lý. Tổng chi cho quản lý năm 2015 chỉ tăng 6% so với năm 2014, chủ yếu do nâng lương cơ bản cho hệ thống gần 22.000 cán bộ, công chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, còn chi quản lý hành chính không tăng.
Liên quan về thông tin số thu và số chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp những năm qua có sự mất cân đối, chi vượt thu, ông Phạm Lương Sơn cho hay, năm 2015, các nguồn thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đều có kết dư, số chi thấp hơn số thu. Quỹ bảo hiểm y tế luôn phải đối chọi với nguồn chi lớn do phát triển công nghệ, do tăng cơ học nhưng năm 2015 vẫn dư 5.000 tỷ đồng. Chi từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp chỉ chiếm 50,3% số thu. Đây là cơ sở để Bộ LĐ-TB&XH đề nghị với Quốc hội giảm tỷ lệ đóng của những người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động. Ông Phạm Lương Sơn cũng khẳng định, chi phí quản lý của Bảo hiểm xã hội Việt Nam không lấy từ nguồn thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu vừa đảm bảo tương quan giữa đóng và hưởng, vừa giải quyết việc thiếu hụt lao động khi tỷ lệ người trong độ tuổi lao động so với người nghỉ hưu ngày càng giảm đi do mức sinh giảm. Đây là một trong các giải pháp để bảo đảm an toàn lâu dài cho quỹ hưu trí và tử tuất. Giải pháp tăng tuổi nghỉ hưu không liên quan đến vấn đề chi phí bộ máy của cơ quan Bảo hiểm xã hội.
Cũng về vấn đề này,Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, người dân thấy chi phí hành chính tăng lên của năm sau so với năm trước thì họ băn khoăn, suy nghĩ là đúng. Vấn đề quan trọng là giải thích để người dân biết rằng việc tăng đó có hợp lý không, có đáp ứng được yêu cầu quản lý không, có thất thoát không? Ông Lợi cũng khẳng định, chi phí quản lý BHXH Việt Nam đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết và giao chi phí không quá 2,3% so với tổng số thu và chi, được lấy trong đầu tư tăng trưởng quỹ, không phải lấy trong quỹ BHXH. “Việc tăng là dễ hiểu bởi đối tượng tham gia BHXH, BHYT tăng thêm, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, đặc biệt là đẩy mạnh công nghệ thông tin... Uỷ ban thường vụ Quốc hội và cơ quan giám sát luôn giám sát chắc, kỹ, minh bạch chi phí quản lý của BHXH Việt Nam và chúng tôi yêu cầu không tăng thêm biên chế nhưng phải tăng điều kiện làm việc và chất lượng để công tác BHXH được công khai minh bạch.... Chúng tôi cũng lưu ý BHXH Việt Nam phải hết sức tiết kiệm vì đây là tiền của người lao động, phải chi có mục tiêu, mục đích” – ông Lợi nhấn mạnh.
Về vấn đề chậm đóng, nợ đóng và trốn đóng, ông Phạm Lương Sơn cho biết, tính đến ngày 31/12/2016, dư nợ BHXH, BHYT, BHTN của BHXH các tỉnh, thành phố là 7.580 tỷ đồng, bằng 3,22% kế hoạch thu. Theo ông, tình trạng nợ đọng, trốn đóng của các doanh nghiệp do tính tuân thủ pháp luật của một số doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ còn chưa tốt. Để giải quyết vấn đề này, ông Sơn cho biết, BHXH Việt Nam đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là khi Quốc hội giao BHXH Việt Nam chức năng thanh tra thu trong lĩnh vực BHXH, BHYT. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng kiến nghị với Chính phủ các giải pháp, cơ chế cả về mặt tài chính, pháp lý mạnh hơn, hiệu quả hơn để dẹp được tình trạng nợ đọng kéo dài. Đặc biệt, từ năm 2016, 2017 BHXH Việt Nam sẽ công bố công khai danh sách các đơn vị nợ đọng, đặc biệt là kéo dài trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cũng cho rằng, ngoài việc chủ sử dụng lao động cố tình không đóng thì còn nhiều nguyên nhân khác như: việc quản lý lao động không chặt chẽ, lực lượng thanh tra rất mỏng, chế tài xử phạt còn khá nhẹ nhàng, chưa đủ răn đe, những thông tin về đóng BHXH chưa được phổ biến đến người lao động... “Hiện nay các ngành chức năng đang thực hiện một số giải pháp như: sửa chế tài xử phạt với tình trạng nợ đóng, chốn, chậm đóng; Quốc hội đã giao BHXH hiện đại hóa hệ thống, ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng sổ BHXH điện tử để người lao động có thể cập nhật bất kỳ lúc nào tình hình đóng của mình, tăng cương công tác thanh tra, tuyên truyền, phổ biến… Hi vọng, trong những năm tới, tình trạng nợ đọng, nợ đóng và trốn đóng sẽ giảm tích cực”. – Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh.