THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:10

Thời tiết giao mùa: Trẻ nhập viện tăng mạnh

Gần 60% trẻ mắc bệnh hô hấp

Tại Khoa Nhi (BV Bạch Mai), số bệnh nhân đến khám tăng gấp 1,5 lần so với các tháng trước, khoảng 250 - 300 trẻ đến khám mỗi ngày. Tương tự, tại Khoa Khám nhi (BV đa khoa Xanh Pôn), trung bình mỗi ngày có hơn 300 trẻ đến khám bệnh, chủ yếu là các trường hợp mắc viêm mũi họng, phế quản, viêm phổi. Trong đó những trường hợp nặng phải điều trị nội trú chiếm 5 - 10%.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương số lượng bệnh nhi đến khám cũng gia tăng  gấp rưỡi. Bệnh nhi nhập viện chủ yếu cũng liên quan tới các bệnh về đường hô hấp, sốt, viêm phổi, tiêu chảy, sốt xuất huyết.

Bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Trưởng khoa Nhi  (BV Bạch Mai), cho biết, số bệnh nhân nhập viện do bệnh đường hô hấp: Viêm phế quản, viêm phổi chiếm đến 50 - 60% các trường hợp nhập viện. Theo bác sĩ Nam, đáng lưu ý gần đây ghi nhận nhiều trẻ viêm phổi nhập viện còn rất nhỏ 3 - 4 tháng tuổi, thậm chí 2 tháng tuổi, trong khi trước đây chủ yếu là trên 6 tháng tuổi. “Bệnh ở trẻ thường diễn biến nhanh, có khi trở nặng chỉ trong một vài giờ. Do đó, cha mẹ cần theo sát diễn biến sức khỏe của trẻ. Các triệu chứng ban đầu thường chỉ ho, chảy nước mũi nhưng khi thấy trẻ mệt, nhịp thở nhanh cần đưa đến BV đề phòng biến chứng viêm phế quản, viêm phổi”, bác sĩ Nam khuyến cáo. Ngoài ra, với các trẻ nhỏ sốt cao, thóp phồng cần khẩn trương đưa đến cơ sở y tế bởi đó là các ca nghi ngờ viêm não/màng não.

Trẻ chờ khám tại BV Nhi Trung ương.


Chủ động phòng bệnh cho trẻ

Theo các bác sĩ chuyên khoa, hiện nay thời tiết diễn biến bất thường tạo điều kiện thích nghi cho các vi khuẩn gây bệnh phát triển mạnh. Đối với trẻ gặp nhiều vấn đề sức khỏe do hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn chỉnh dễ bị vi khuẩn xâm nhập gây bệnh. Vì vậy, trước hết, để phòng bệnh cách tốt nhất là nên đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch theo khuyến cáo của ngành y tế.

Ăn uống cân bằng: Trong bữa ăn hàng ngày cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất đặc biệt là vitamin C để hỗ trợ tăng cường sức đề kháng toàn diện cho cơ thể. Thực phẩm chứa nhiều vitamin C bao gồm: Cam, quýt, lê, bưởi, dâu tây, rau cần, ớt xanh,... Ngoài ra, các thực phẩm cần tăng cường là tôm, cua, hàu, thịt nạc, gan lợn, các loại cá, lòng đỏ trứng... chứa kẽm có thể trực tiếp khống chế sự sinh sôi nảy nở của virut cảm, đồng thời tăng cường khả năng đề kháng cho cơ thể. Ngoài ra, các loại gia vị nhất là tỏi cũng rất tốt cho sức khỏe.

Tăng cường các hoạt động thể lực có lợi cho sức khỏe: Cụ thể, ngủ đúng giờ, đủ giấc giúp nâng cao sức khỏe. Ngoài ra, cần tạo thói quen vệ sinh cá nhân tốt, chăm sóc răng miệng để ngăn ngừa vi khuẩn lây bệnh. Rửa tay sạch sẽ - đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và chơi đùa cũng sẽ giúp trẻ loại bỏ hiệu quả những tác nhân gây bệnh nguy hiểm từ chính đôi bàn tay của mình.

Khi ra đường cha mẹ cần mặc quần áo ấm cho trẻ. Do chênh lệch thời tiết trong ngày, thời điểm nhiệt độ lên cao vào ban trưa, đầu giờ chiều cần lưu ý bỏ bớt áo, khăn, lau mồ hôi ngực, lưng để tránh bị nhiễm lạnh.

Ngoài ra, cần hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người, nơi gió lùa mạnh, đi đường cần mang khẩu trang để tránh tác động xấu tới đường hô hấp khi hít phải không khí ô nhiễm. Các bệnh về đường hô hấp và truyền nhiễm rất dễ lây qua tiếp xúc, trong gia đình khi có người nhiễm bệnh cần có ý thức phòng tránh bằng cách sử dụng các vật dụng cá nhân riêng cho người bệnh, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang khi tiếp xúc gần... để không lây bệnh sang các thành viên khác.

Hiện một số trẻ phải điều trị tại bệnh viện kéo dài do các bậc phụ huynh tự ý mua thuốc kháng sinh cho trẻ uống dẫn tới phản ứng nhờn thuốc. Nhiều phụ huynh cho trẻ dùng kháng sinh corticoid gây hiện tượng che lấp triệu chứng gây khó khăn trong việc điều trị và phát hiện bệnh. Vì vậy, tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Khi có biểu hiện bất thường cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị.

THÁI AN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh