CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:58

Kỳ nhân có biệt tài đoán thời tiết bằng... tai

 

Đảo Móng Tay (xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương, Kiên Giang) nằm "cô đơn" trên một nhánh riêng rẽ của biển Tây Nam bộ, rất ít tàu bè đi lại qua đây nên nó trở thành hòn đảo “cô đơn” theo đúng nghĩa. Anh Năm Kiên, cháu rể "chúa đảo" Vương Ân đưa chúng tôi tới đảo Móng Tay bằng thuyền máy. Mùa này biển động dữ dội, sóng cao 2 -3 mét đánh ào ào vào mạn thuyền.

 

Đảo Móng Tay .


 Thuyền chồm lên hụp xuống đấu vật với những con sóng bạc đầu chỉ trực nuốt chửng cả thuyền lẫn con người bé nhỏ. Khoảng hơn một tiếng đồng hồ chúng tôi mới tới được đảo "cô đơn", vậy mà theo tiết lộ của anh Năm Kiên thì với khoảng cách mà chúng tôi vật lộn trên biển như thế, lão "chúa đảo" thường bơi "chay" vào bờ. Lão bơi chỉ với bàn tay và đôi mắt mù lòa.

 Đảo Móng Tay hiện ra, trong xanh bát ngát. Những rặng dừa ngả nghiêng chắn gió, che chở cho căn nhà lá liêu xiêu núp dưới tán cây Móng Tay cổ thụ. Đúng là đôi mắt của lão "chúa đảo" đã mù tịt, nhưng không hiểu sao lão đoán trúng phóc nơi con thuyền chở chúng tôi sẽ cập bến. Vì vướng ghềnh đá nên thuyền không vào được tận bờ, lập tức, anh Năm Kiên chụp tay vào miệng hú một tiếng rất to. Lát sau, lão mình trần, chân đất lao xuống biển thả dây, kéo chiếc bè tự tạo bằng mút xốp đưa khách vào bờ. Nghe giọng chúng tôi, lão cười rất tươi. Nụ cười đôn hậu, mặn trắng muối biển.

Vương Ân sinh ra bên một làng chài nghèo của huyện Kiên Lương. Ba đời nhà lão sống và chết đều gắn với biển. Không chỉ giỏi nghề, lão còn là một kình ngư phi thường trên biển cả. Lão có khả năng lặn sâu xuống đáy biển, bơi từ đảo vào đất liền. Thế nhưng cuộc đời của lão, là chuỗi dài đắng cay, mặn chát máu và nước mắt. 6 tuổi, Vương Ân bị dịch sốt ban đỏ, người mẹ ôm con đi bệnh viện chữa chạy. Khi cơn sốt qua đi, thì đôi mắt đứa trẻ bị mù lòa. Bóng tối đã bao trùm tuổi thơ tươi đẹp của cậu bé Ân, biển trong lão mãi mãi chỉ có màu đen.

Bị mù, Vương Ân khép lại con đường đến trường, 8 tuổi theo cha lên tàu ra biển đánh cá. Sóng gió biển khơi trở thành người bạn thân quen của Ân. Vị mặn của biển bồi đắp cho Ân sức đề kháng dẻo dai và khỏe khoắn. Những chuyến ra khơi dài ngày kể cả mùa biển động, Ân luôn là thuyền viên nhí có sức cưỡng với sóng gió phi thường nhất. Mùa biển động, luôn là nỗi ám ảnh khủng khiếp nhất với những người đi biển, bởi những cơn say sóng "thừa chết thiếu sống". Nhưng, Ân chưa bao giờ có cảm giác say sóng là gì.

 Một biến cố khủng khiếp đã xảy ra với gia đình Vương Ân trong một trận cuồng phong giận dữ của biển cả, gia đình 9 người chỉ còn Ân, một chị gái và một em gái sống sót. Với một đứa trẻ chưa tròn 10 tuổi như Ân, sự mất mát là một điều gì đó quá khủng khiếp. Ba chị em Ân bơ vơ, lạc lõng rồi trôi dạt mỗi đứa một nơi. Ân mù lòa chẳng biết làm gì trên đất liền, may được một chủ tàu thương cho theo đi biển.

Ân lênh đênh khắp các vùng biển Tây Nam, nơi nào nhiều cá, nơi nào hiểm nguy Ân nắm trong lòng bàn tay. Đi biển, Ân làm giàu cho chủ tàu với những khoang cá ăm ắp. Đổi lại, biển cho Ân được thỏa thê vùng vẫy, được "trộn mình" vào sóng gió bất tận. Ân trở thành một ngư phủ tinh thông các luồng cá, có khả năng đón bắt được thời tiết cho tàu chủ động tránh bão.

 Dân đi biển dày dạn kinh nghiệm nhất cũng phải ngả mũ chào thua lão ngư mù. Hơn 30 năm, lão sống ở biển nhiều hơn ở nhà. Không có tình yêu nam nữ, cũng chẳng có những rung động đầu đời, cuộc đời lão chỉ rung động trước biển mà thôi. Một ngày như mọi ngày giữa biển cả, lão cởi trần nhảy từ trên tàu xuống biển nghe luồng cá, khi ngoi lên, lão thấy da mình lạnh tím, người run bần bật. Lão hiểu rằng, thời gian đã mài mòn sức lực của con người, muối mặn đã "ăn sét" sức kháng của làn da. Lão nhận ra mình đã già, không còn "vật lộn" với biển được nữa. Đó cũng là chuyến đi biển cuối cùng của lão.

 

Giờ lão không cô đơn nữa, vì có tiếng cười con trẻ.


Năm 2000, lão lên bờ, sắm một con ghe cũ làm nghề bắt ghẹ. Ở ngoài biển, lão sử dụng đôi tai là chính, đôi tai giúp lão nghe luồng cá, biết được đâu là đàn cá lớn đâu là cá nhỏ. Trên bờ, đôi tai của lão chẳng giúp gì nhiều, chỉ nghe gió thôi, mà gió thì làm sao bắt được ghẹ. Cuộc sống khó khăn, có ngày lão dong thuyền đi rồi lại còng lưng chèo về mà giỏ vẫn rỗng thếch. Lão nghĩ, kiểu này thì chết đói. Mà chết đói không bằng nhớ biển, lão nghiện mùi biển từ bao giờ không biết.

Lão quyết định chèo thuyền ra đảo Móng Tay. Nơi này, ngày xưa cha mẹ lão từng đến và có thời gian sinh sống trước ngày xảy ra biến cố. Đảo Móng Tay không một bóng người, chỉ toàn cây cối hoang dại. Nhưng, có biển bao quanh và tiếng sóng vỗ rì rào, chỉ cần hai cái đó thôi đã níu chân lão ở lại. Lão chặt cây dựng được túp lều nho nhỏ nép mình giữa bốn cây cổ thụ để tránh gió bão. Lão đi bắt tôm, cua rồi mang ra đất liền đổi gạo, mắm, muối. Những hôm thuyền bị thủng, không thể chèo vào bờ được, lão quyết định ôm mớ tôm, ghẹ bơi vào đất liền. Đoạn đường từ đảo vào đất liền khoảng hơn 3 hải lý (tức gần 4km), lão bơi như người ta đi chợ.

 

Mỗi ngày, lão dầm mình 12 tiếng ngoài biển.


Từ ngày về sống trên đảo hoang, lão thấy đời đáng yêu biết bao, lão không còn nỗi nhớ biển nữa. Lão bắt đầu trồng trái cây xung quanh đảo, mở rộng diện tích túp lều và nuôi chó, gà, vịt. Ba năm sau, đảo Móng Tay được sưởi ấm bởi rặng dừa sum suê trái. Một số bạn đi biển năm xưa biết lão mù đang ở đảo thường ghé thăm, xem lão sống chết thế nào. Từ đó, lão có hơi ấm con người, lão được cười nói thỏa thích những câu chuyện về biển.

Lão vào bờ đón vợ chồng con cái người em gái ra ở cùng. Chồng cô em theo tàu lớn đi đánh cá ngoài khơi vài tháng mới về, lão chịu trách nhiệm nuôi mấy mẹ con. Cua, ghẹ xung quanh đảo vẫn còn nhiều, không bao giờ sợ chết đói. Ba ngày một chuyến, lão oằn lưng chèo thuyền vào bờ bán "chiến lợi phẩm" từ biển, đổi nước ngọt và mua các nhu yếu phẩm. Ở trên đảo được vài tháng, em gái lão buồn chán quá ôm con quay trở vào bờ. Lão không ngăn cản, bởi lão hiểu, không phải ai cũng có tình yêu biển như lão.

Em gái gửi lại lão đứa con gái 18 tuổi, ngày ngày giúp lão cơm nước và là “đôi mắt” trên đảo cho lão. Hai năm sau, có anh ngư phủ vào đảo Móng Tay xin nước, gặp cháu gái của lão đã nhanh chóng phải lòng. Lão đồng ý đứng ra tác hợp cho hai đứa, một mâm cơm cúng trời và biển toàn bằng cua, ghẹ, tôm. Vậy là xong đám cưới. Lão bảo hai vợ chồng cứ ở đây, lão nuôi được hết. Bây giờ, thì đảo "cô đơn" không còn cô đơn nữa. Từ ngày lão tổ chức "đám cưới", đảo hoang không ngừng tăng dân số. Trên đảo đã có tiếng cười con trẻ và lão đã lên chức cụ.

Hơn 10 năm sống trên đảo, dường như biển đã ngấm vào máu của lão rồi. Mới đây, người ở đất liền nhắn cho lão biết, chính quyền địa phương đã xây cho lão căn nhà tình thương để đón lão về ở, hưởng hơi ấm đất liền những ngày cuối đời. Lão từ chối ngay, lão tuyên bố: "Tôi không đi đâu cả, tôi sẽ sống ở đây và chết ở đây".

 Nhấp chén rượu ngâm rễ cây thuốc lão tự trồng trên đảo, hơi men chuếnh choáng, lão ngẫu ngứng ca một câu vọng cổ dài tưởng đứt hơi. Rồi lại ngẫu hứng, lão đọc cho chúng tôi nghe những câu thơ do lão tự sáng tác: "Ngủ đi em giấc mơ nồng trên biển/ Mộng bên bờ có sóng vỗ triền miên/ Ngày yêu em anh đợi gió Đông về/ Cho hương tóc len vào trong giấc ngủ/ Tóc em thơm giấc mơ tình ái/ Nghe mơ hồ như dạ lý nhà ai…"

 Hỏi lão đây là thơ tình phải không? Lão chỉ cười buồn rồi quay mặt ra biển. Qua tâm sự của cô cháu gái, chúng tôi biết được sâu xa trong những lời thơ não nề ấy. Lão đã từng lỡ hẹn với một người con gái trên đảo Hải Tặc thời lão theo tàu đi đánh cá. Gia đình cô gái rất thương chàng ngư phủ mù lòa, họ có ý gả con gái cho lão nhưng với điều kiện lão không được đi biển nữa. Họ lo, biển dữ dội và khôn lường, người mắt sáng đi còn nguy hiểm huống hồ lão là người mù lòa. Lòng tự trọng nổi lên, lão chối phăng. Ngày tàu rời đảo, lão gửi lại cô gái bài thơ với lời nhắn: "Tôi yêu em và yêu cả biển. Nhưng tôi không thể từ bỏ biển được".

 Khi gió Tây Nam ào ạt xô thuyền, đẩy mái chèo của lão nặng trĩu, những con sóng hung dữ táp vào ghềnh đá gội sạch rong rêu, là lúc Tết về. Lão đón Tết bằng một nồi ghẹ luộc nóng hổi, một mình lão và ba con chó lai Phú Quốc ăn. Sáng mồng một Tết năm nào cũng vậy, lão làm nhiệm vụ thiêng liêng của người ngư phủ. Mang rổ tôm, cua luộc đỏ au lên thuyền cúng biển. Xong, lão bơi thuyền ra xa, thực hiện thao tác quăng chài đầu năm. Được con cá, con tôm nào, lão phóng sinh hết.

theo cstc.cand.com.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh