CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:09

Thời tàn của các đồ tể mổ chó ở Hà Nội

 

Làng giết chó lớn nhất Việt Nam

Nhắc đến giết mổ thịt chó, người dân Thủ đô nghĩ ngay đến làng Cao Hạ (xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, Hà Nội). Không ai rõ làng Cao Hạ có nghề thịt chó từ bao giờ, chỉ biết rằng, đó là nghề gia truyền. Cha ông người Cao Hạ làm nghề giết mổ thịt chó, giờ con cháu vẫn theo nghề sát sinh này. Theo VTC News, ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, nghề mổ chó ở Cao Hạ đã nhộn nhịp lắm. Tối đến, cả làng tập trung giết chó. Sáng ra, người Cao Hạ đạp xe chở chó đi khắp Hà Nội, cung cấp cho các chợ lớn. Ngày đó, 90% quán thịt chó ở Thủ đô và vùng lân cận là do người Cao Hạ cung cấp.

Trong làng có mấy chục lò mổ. Mỗi đêm, làng Cao Hạ giết tới 4-5 tấn chó, tức là có khoảng 300-400 con chó bị hóa kiếp. Những ngày cao điểm, đặc biệt dịp cuối tháng, có tới cả chục tấn chó bị giết ở ngôi làng này.
Làng Cao Hạ giết mổ chó cực kỳ chuyên nghiệp. Họ có cả đội quân thu mua chó khắp Việt Nam. Không chỉ thu mua chó khắp các tỉnh trong nước, người Cao Hạ còn sang tận Lào, Campuchia, Thái Lan thu mua hàng xe tải chó sống về thịt dần.

Một thời hoạt động rầm rộ là thế nhưng giờ đây việc giết mổ, kinh doanh chó của làng cũng đang co hẹp lại dần, nhiều người dân đã chuyển qua làm nghề khác.

 

Cao Hạ là làng giết chó lớn nhất Việt Nam

Làng buôn chó xuyên quốc gia 

Trước đây, làng Sơn Đông (xã Thành Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) là nơi thu gom và phân phối cầy tơ lớn nhất nước, thị phần chiếm đến 60% toàn miền Bắc. Ở đây, rất nhiều hộ sống bằng nghề buôn chó.

Một chủ buôn chó ở làng Sơn Đông, cho biết trên báo Người Lao Động, nghề buôn chó ở đây có từ lâu. Ngày trước, người Sơn Đông gom hàng để xuất sang Trung Quốc, mỗi ngày hàng chục tấn. Sau khi phía Trung Quốc không tiêu thụ nữa, dân làng này chuyển về thị trường nội địa, không chỉ cung cấp hàng cho Hà Nội mà còn đến tận Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, rồi ngược lên Vĩnh Phúc, Phú Thọ, thậm chí cả Lạng Sơn, Hòa Bình. 

“Mỗi ngày, Sơn Đông cung cấp cho thị trường miền Bắc khoảng 40 tấn hàng. Thị trường thịt chó miền Bắc đắt hay rẻ đều do ở đây điều phối.”, một ông chủ khác tiết lộ trên báo này.
Làng Sơn Đông có hơn 20 hộ buôn chó quy mô lớn, hộ nào cũng có xe tải để làm ăn. Ngày trước, dân làng này sang tận Thái Lan để gom hàng thông qua trạm trung chuyển ở Lào. Nhưng mấy năm lại đây, các nước Lào, Thái Lan cấm xuất khẩu chó nên mọi hoạt động buôn bán bị ngưng trệ. 

 

Một điểm thu mua chó ở Nghệ An để đưa ra Thanh Hóa tiêu thụ.

Phố thịt chó Nhật Tân biến mất 

Nhật Tân vốn nổi tiếng bởi trên con phố này có hàng loạt quán thịt chó mà dân Hà Thành đã gọi nôm na là “liên hiệp thịt chó”. Vào thời kỳ làm ăn phát đạt nhất của “liên hiệp” này, mỗi ngày phải có đến 20 đến 30 con chó bị thui.

Theo VTC News, thịt chó Trần Mục chính là quán đầu tiên của phố Nhật Tân. Vào khoảng đầu những năm 90 của thế kỷ trước, mỗi ngày quán Trần Mục đón 600 – 1.000 thực khách. Ông Mục phải thuê tới 50 nhân viên, làm việc từ 4h sáng đến 23 giờ đêm để phục vụ khách. Để có thể đáp ứng nhu cầu thực khách, mỗi ngày quán giết mổ từ 100 đến 150 con chó.

Thấy nhà hàng Trần Mục quá đông khách, kiếm bộn tiền, hàng loạt nhà hàng thịt chó dọc con đê mọc lên. Thời cao điểm, vào năm 1995 đến 2005, khu vực ngoài đê Nhật Tân có tới 50 quán thịt chó tấp nập khách nhậu ngày đêm. Cứ chiều xuống, con phố lại chìm trong làn khói mờ ảo của những lò thui chó, những xiên chả nướng chó.

Nhưng giờ con phố này chỉ còn duy nhất một nhà hàng hoạt động cầm chừng vì vắng khách. Nói về nguyên nhân những quán thịt chó ở Nhật Tân lần lượt biến mất, một chị bán nước ở đây cho biết trên VTC News: "Mấy chục quán thịt chó ở đây đều phá sản hết. Dù họ giàu có cỡ nào, nhưng làm công việc sát sinh, mà lại giết hại con vật nuôi yêu quý của con người, nên đều không có kết cục tốt”.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh