Thói quen bẻ khớp cổ và những hệ lụy
- Chia sẻ
- 06:34 - 10/11/2023
Chị Lê Thị Phượng ngụ TP. Đà Nẵng phải làm việc trong trạng thái đứng liên tục và cúi cổ xuống, khiến cho chị bị mỏi cổ. Những lúc như vậy, chị thường có thói quen bẻ khớp cổ, cảm giác đau mỏi nhẹ hẳn đi và mang lại cảm giác thoải mái nhất thời. Không chỉ dừng lại ở thói quen, nhiều người còn bị thu hút bởi âm thanh ‘rắc rắc’ phát ra khi bẻ khớp cổ. Tâm lý chung của nhiều người khi nghe tiếng kêu này mang lại cho họ cảm giác thoải mái, thư giãn.
Ở giai đoạn đầu, các biểu hiện và triệu chứng bệnh lý từ thói quen bẻ khớp cổ sai cách thường không rõ ràng, rất bình thường như đau đầu, mỏi cổ nên người bệnh dễ chủ quan và bỏ qua việc thăm khám. Lâu dần thói quen bẻ khớp cổ không đúng cách này có thể dẫn đến những biến chứng vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
BS CKII Vũ Tam Trực (Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM) cho biết: “Không ít trường hợp sau khi bẻ khớp cổ xong gây ra triệu chứng cứng đơ, xuất hiện triệu chứng tê, yếu một hoặc thậm chí là hai tay. Khi bẻ cổ hoặc vặn cổ có thể xuất hiện những triệu chứng thiếu máu não đột ngột thoáng qua hoặc có thể lâu dài. Khi cột sống cổ thoái hóa, việc bẻ khớp cổ có thể dẫn đến những gai xương đè lên các dây thần kinh, tủy sống… dẫn đến việc liệt tứ chi hoặc thiếu máu não cấp tính gây ra liệt nửa người, thậm chí là hội chứng khóa trong là liệt từ cặp mắt trở xuống”.
Do vậy, mọi người cần tránh thói quen bẻ khớp cổ, thay thế bằng việc duy trì thói quen vận động, tập thể dục thể thao kết hợp những bài tập xoay trở cổ một cách nhẹ nhàng.