CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:55

Thổi làn gió mát lành cho ĐBSCL

Từ vùng đất của dân di cư

Năm 2020, khu vực ĐBSCL chiếm 3 trong số 4 địa phương có chi phí sinh hoạt rẻ nhất nước. Các tỉnh khu vực này cũng có tới 1,3 triệu người di dân, khiến dân số của vùng giảm 0,3% trong 2 năm gần đây, là do thiếu việc làm, thu nhập thấp.

Dân số miền Tây chiếm gần 20% dân số cả nước và có mật độ cao nhất so với các vùng trên toàn quốc. Thời gian dài, cư dân miền Tây sống ổn định theo tập tính, tập quán... Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX miền Tây đóng góp xuất khẩu lớn nhất cho cả nước. Thời điểm này miền Tây góp 28% tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước. Thế nhưng do những thay đổi trong cơ cấu kinh tế và một số nguyên nhân khác, thời gian sau đó những lợi thế sẵn có của khu vực giảm dần, hiện đóng góp GDP còn khoảng 18 - 19%.

Thổi làn gió mát lành cho ĐBSCL  - Ảnh 1.

Nông nghiệp vốn là thế mạnh truyền thống của vùng ĐBSCL.

Khoảng hai thập niên gần đây, miền Tây phát triển chậm dần. Nguyên nhân có nhiều, trong đó đáng kể là hạn chế về hạ tầng cơ sở, nhất là giao thông, cảng biển, dịch vụ logistics... ở miền Tây yếu kém khiến chi phí sản xuất ở đây gia tăng, khó khăn trong thu hút đầu tư nước ngoài, chỉ chiếm 5 - 6% cả nước. Doanh nghiệp ở nơi khác cũng ít đầu tư vào miền Tây. Trong khi đó các doanh nghiệp trong vùng, chủ yếu thuộc ngành gạo và thủy sản, vốn đã ít lại phát triển "tới ngưỡng" nên hạn chế mở rộng, không tạo được nhiều việc làm cho người dân địa phương.

Một nguyên nhân nữa là quá trình đô thị hóa ở miền Tây hiện đang thấp nhất cả nước khi 10 năm chỉ tăng nhẹ từ gần 23% lên 25%, trong khi cả nước tăng từ gần 30% lên hơn 34%. Kết quả là khoảng cách về dân số đô thị của vùng ĐBSCL so với cả nước ngày một cách xa.

Biến đổi khí hậu cũng là một nguyên nhân gây ảnh hưởng  ngày càng nghiêm trọng và nặng nề, nhất là ở khu vực nông thôn. Trong nhiều năm gần đây, hàng loạt diện tích lúa, vườn cây ăn trái, vùng nuôi thủy sản nước ngọt thiệt hại nặng do bị hạn mặn, phải treo ao hoặc bỏ trống...

Thổi làn gió mát lành cho ĐBSCL  - Ảnh 2.

Những dự án phát triển hạ tầng, mở thêm nhiều tuyến cao tốc được cho là sẽ tạo nên sự bứt phá ngoạn mục cho kinh tế ĐBSCL thời gian tới.

Thiếu việc làm, nhiều người từ khu vực nông thôn, trong độ tuổi lao động phải tìm đến những nơi khác có điều kiện tốt hơn như TP.HCM, các tỉnh Đông Nam bộ, với hy vọng có nguồn thu nhập tốt hơn. Trong số 1,3 triệu người miền Tây di dân đến các trung tâm công nghiệp - dịch vụ miền Đông Nam bộ, đông đảo nhất là người dân ở An Giang, với khoảng 400.000 người, Cà Mau hơn 200.000 người. Cần Thơ và Long An là hai địa phương có số dân di cư thấp nhất vì đó là những nơi có tốc độ đô thị hóa khá tốt và có nhiều khu công nghiệp.

Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, về lâu dài nếu không có hướng giải quyết hiệu quả tình trạng di dân ở miền Tây, xã hội sẽ bất ổn. Nhiều gia đình ở vùng nông thôn hiện chỉ còn người già và trẻ em; nhiều trẻ thiếu thốn tình cảm, thiếu sự dạy dỗ, chăm sóc và quản lý, đối diện nguy cơ bỏ học, hư hỏng hoặc không được đào tạo tới nơi tới chốn. Thực tế, tỷ lệ học sinh bỏ học từ cấp 2 ở miền Tây đến 25%, đa số ở vùng nông thôn.

Sau thời gian những người di dân sẽ quay về vì lớn tuổi, không có được công việc sẽ là áp lực và gánh nặng hơn cho khu vực. Trong khi đó những người có trình độ, được đào tạo, khả năng làm việc tốt ở lại các vùng miền khác phát triển hơn, khiến miền Tây mất nguồn lao động chất lượng cao...

Gió đổi chiều?

Để ĐBSCL phát triển, thu hút những doanh nghiệp lớn đến đầu tư, vấn đề mấu chốt là giao thông, cũng như cần có chính sách ưu đãi đặc biệt, giữa tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó đáng chú ý là chỉ đạo ưu tiên nguồn lực của Nhà nước để đầu tư cơ sở hạ tầng nhiều hơn nữa cho khu vực này; đẩy nhanh việc triển khai và thực hiện các dự án đã được quy hoạch; phát triển cả hàng không, đường bộ, đường thủy và đường sắt, biến khu vực này đến năm 2050 trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, có trình độ tổ chức xã hội tiên tiến; thu nhập bình quân đầu người cao hơn trung bình cả nước, sinh kế của người dân được bảo đảm; tỷ trọng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm hơn 80%...

Thổi làn gió mát lành cho ĐBSCL  - Ảnh 3.

Hạn chế về cơ sở hạ tầng là một trong những "điểm nghẽn" khiến kinh tế vùng ĐBSCL chậm phát triển.

Xác định phát triển bền vững ĐBSCL là nhiệm vụ cấp bách, rất khó khăn, cần có nguồn lực, nguồn vốn với các giải pháp đồng bộ, trước mắt và lâu dài, Thủ tướng nhất trí về nguyên tắc cho việc vay nguồn vốn quốc tế với tổng số khoảng 2 tỷ USD (của World Bank, Đức, Pháp) cho mục tiêu phát triển khu vực này.

Nhìn nhận nguồn nhân lực là "điểm yếu kinh niên" nhiều thập niên qua ở ĐBSCL, một số chuyên gia cho biết, "yếu điểm" này liên quan tới đào tạo và sử dụng nhân lực. Mặt bằng giáo dục ở khu vực cần phải có sự bứt phá mạnh mẽ để vượt lên, cùng với đó là hệ thống đào tạo cần được phát triển theo hướng đa dạng hóa, với nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia. cùng với đó phải có cơ chế sử dụng nhân lực một cách hợp lý. Bởi nếu đào tạo tốt mà kinh tế không tốt thì lao động cũng dời đi. Thực tế hiện nay, nguồn lực đào tạo có chất lượng đều di chuyển đến những trung tâm kinh tế lớn. Nếu khu vực ĐBSCL thu hút được nhà đầu tư, phát triển kinh tế mạnh hơn thì cũng có thể giữ chân được lao động và thu hút được nguồn lực khác.

Hiện có hàng trăm nghìn lao động vùng ĐBSCL đã và đang làm việc trong những môi trường công nghiệp trình độ cao. Trong tương lai khi quê hương có những doanh nghiệp mới được đầu tư, họ sẽ trở về, là những nhân tố quan trọng để hình thành một lực lượng lao động mới - những "công nhân miệt vườn" chất lượng cao, không chỉ thành thạo về chuyên môn mà còn có tác phong công nghiệp và khả năng thích ứng nhanh nhạy với cái mới.

Thổi làn gió mát lành cho ĐBSCL  - Ảnh 4.

Các địa phương trong khu vực cần tìm cách tháo gỡ khó khăn bằng cách thiết kế chính sách tạo động cơ đi học, khắc phục tình trạng học sinh bỏ học sớm. nên chú trọng việc khởi nghiệp để tạo thêm việc làm cho người lao động. Hiện miền Tây có nhiều trường dạy nghề nhưng khó chiêu sinh do người được đào tạo không tìm được việc. Trước mắt, để góp phần xây dựng nguồn nhân lực mới đáp ứng yêu cầu phát triển, chính quyền các địa phương, đoàn thể và cơ quan cần đặc biệt quan tâm hỗ trợ cho lao động, giúp họ xây dựng tinh thần, thái độ làm việc tích cực. Một khi "nút thắt" hạ tầng đã được cải thiện cơ bản, tạo được sức bật về đầu tư với nhu cầu lao động tăng cao, thì lực lượng "công nhân miệt vườn" sẽ tìm được nhiều cơ hội sinh sống, lập nghiệp và phát triển ngay trên chính quê hương của mình...

Thổi làn gió mát lành cho ĐBSCL  - Ảnh 5.

Những "điểm nghẽn" được khai thông sẽ rộng đường cho các tỉnh miền Tây thu hút đầu tư, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người lao động địa phương.

 

BẢO KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh