CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:09

Thời cơ hiện thực hóa khát vọng hùng cường

Dân tộc Việt Nam suốt chiều dài lịch sử đã khẳng định ý chí quật cường, bản lĩnh vươn lên mạnh mẽ, không khuất phục trước bất cứ khó khăn nào. Ngay sau khi giành được độc lập, nhân ngày khai trường, Bác Hồ đã gửi gắm khát vọng của Người cho thế hệ trẻ Việt Nam: Bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu.  Khi phải đi xa Bác cũng để lại điều mong mỏi: "Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh". Khát vọng đất nước hùng cường, thịnh vượng của Bác Hồ được các thế hệ người Việt Nam giữ gìn nuôi dưỡng trở thành động lực và hành động, thôi thúc chúng ta trăn trở suy nghĩ để hiện thực hóa ước mơ xây dựng đất nước cường thịnh.

Từ ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam (2/9/1945), chưa bao giờ đất nước lại đàng hoàng, to đẹp như ngày hôm nay. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2019 phát triển khá nhanh: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 7,02%; văn hóa, xã hội, thể thao cũng có những bước phát triển khá. Cuộc đấu tranh làm trong sạch nội bộ Đảng và hệ thống chính trị có bước chuyển biến tích cực. Bản lĩnh Việt Nam, trí tuệ Việt Nam với quốc tế được khẳng định qua cuộc bỏ phiếu bầu Việt Nam vào ghế không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đạt số phiếu tín nhiệm kỷ lục gần tuyệt đối…

Thời cơ hiện thực hóa khát vọng hùng cường - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan triển lãm kỹ năng nghề trong khuôn khổ Diễn đàn “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam”.

Bước vào năm 2020, dịch bệnh do Covid-19 gây ra đã và đang để lại cho nhân loại một cuộc khủng hoảng trầm trọng trên tất cả các lĩnh vực. Cả thế giới chạy đua với thời gian để chống "giặc" Covid-19 cứu người và cứu nền kinh tế. Việt Nam, với quan hệ đa phương rộng mở nên nền kinh tế cũng không nằm trong cuộc khủng hoảng đó. Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 chỉ đạt 2,7%.  

Với quyết tâm "chống dịch như chống giặc", thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: "Toàn thể dân tộc Việt Nam ta hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch Covid-19!". Kết thúc làn sóng lây nhiễm đợt 1 đến ngày 17/4/2020 Việt Nam chỉ có 286 ca bị nhiễm bệnh, trong đó có 224 người đã được chữa khỏi, không có ca tử vong. Việt Nam thực sự đã ngăn chặn được dịch bệnh Covid-19 với quyết tâm chính trị cao nhất của Đảng, Nhà nước, kỷ luật và sự đoàn kết của toàn dân. Đấy là sự đánh giá của các cơ quan chức năng của thế giới, đấy là sự ngưỡng mộ của bạn bè quốc tế.

Thắng lợi trong chống dịch tạo điều kiện cho kinh tế quý I/2020 đạt tăng trưởng 3,82%, so với cùng kỳ 2019, là nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của từng khu vực kinh tế. Đó là điều kỳ diệu trong khi các nền kinh tế lớn và một số nước lân cận kinh tế đều không tăng trưởng hoặc tăng trưởng âm.

Việt Nam đã đảm nhiệm tốt vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA và Chủ tịch luân phiên ASEAN trong 6 tháng đầy ắp sự kiện, góp phần nâng cao vị thế, tạo dựng môi trường quốc tế và khu vực, thuận lợi cho công cuộc phát triển, hội nhập của đất nước, đồng thời tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị với các nước vì mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Thực hiện nghiêm chỉnh quy định phòng dịch, tranh thủ mọi điều kiện có thể tập trung, để tổ chức Đại hội Đảng các cấp. Đến nay đã hoàn tất đại hội cấp cơ sở và phần lớn cấp trên trực tiếp cơ sở. Kết quả đó có ý nghĩa rất quan trọng. Trước hết nó thể hiện sự sinh động của một cuộc sinh hoạt chính trị rộng rãi trong toàn dân. Thành công của Đại hội cấp cơ sở tạo tiền đề cho những đột phá ở đại hội cấp trên cơ sở. Tuy là thành công bước đầu, nhưng khẳng định chủ trương xây dựng cấp dưới thật cứng, thật vững, để cấp trên phát triển củng cố bền chắc, vững tin tiến tới Đại hội XIII của Đảng.   

Chúng ta đang đứng trong một thế giới biến đổi với gia tốc lớn, diễn biến phức tạp. Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ ở giai đoạn mới mà thể hiện ở làn sóng đổi mới công nghệ đang tổ chức lại một cách cơ bản đời sống xã hội con người về mọi mặt từ kinh tế đến văn hóa. Thông tin và tri thức trở thành yếu tố đầu vào của hệ thống sản xuất, quản lý, đó là công cụ để sáng tạo của cải, là chìa khóa của quyền lực và an ninh kinh tế, xã hội. Sự phát triển đó đang bị ngưng trệ bởi làn sóng dịch bệnh Covid-19, có thể làm thay đổi bộ mặt của thế giới. Một hệ thống quy tắc và trật tự mới có thể xuất hiện, hoặc hệ thống hiện tại có thể được sửa đổi vì hậu quả trực tiếp hay gián tiếp của dịch bệnh.

Ngày nay thế và lực của nước ta dù đã mạnh hơn trước nhưng nội tại của nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, như  năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, khả năng làm chủ công nghệ hạn chế; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, năng lực cạnh tranh quốc tế của nền kinh tế nói chung và nhiều ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu chưa mạnh. Các vấn đề xã hội, môi trường còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Nguy cơ mắc bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu của nền kinh tế còn đang hiện hữu. Để chúng ta bắt kịp tiến độ cùng các quốc gia khác trong tiến trình phát triển, đòi hỏi chúng ta phải nắm lấy thời cơ, vượt qua thách thức, nếu không sẽ không bắt kịp sự phát triển của thời đại.

Để đất nước bứt phá, vượt lên, hơn lúc nào hết mỗi người dân và cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam cần chung ý chí vươn lên, đổi mới sáng tạo. Những cải cách của Nhà nước cần phải được gia tốc, kiên trì gỡ bỏ những rào cản về thủ tục hành chính đang gây phiền hà cho người dân, cho doanh nghiệp, kịp tiếp sức cho công cuộc khởi nghiệp của toàn dân. Thiết lập một thể chế phù hợp, bền vững, có khả năng giải phóng sức lao động và năng lực sáng tạo của mỗi cá nhân, huy động được mọi nguồn lực, phát huy tối đa tiềm năng, sức mạnh chung của cả dân tộc. Xây dựng một cấu trúc xã hội bền vững, đoàn kết và đồng thuận, tự nguyện trên cơ sở kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trước hết để hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung giải quyết 3 điểm nghẽn về thể chế, nguồn lực và hạ tầng để chuyển hóa thành 3 đột phá chiến lược thực sự phục vụ cho yêu cầu phát triển. Đồng thời trong kỷ nguyên này, phải nhấn mạnh hai yếu tố coi trọng như những mũi đột phá trong thời gian tới đó là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát huy giá trị văn hóa tinh thần, khơi dậy ý chí khát vọng, tự hào của mỗi con người Việt Nam. Ba đột phá chiến lược và hai yếu tố quan trọng nói trên là năm yếu tố giúp chúng ta vượt qua thách thức để lập nên những kỳ tích mới. Giấc mơ Việt Nam  thịnh vượng,  hùng cường "sánh vai với các cường quốc năm châu" như Bác Hồ kính yêu của chúng ta hằng mong muốn sẽ thành sự thật. Giấc mơ đó có cơ sở khoa học và thực tiễn.

Trần Công Huyền

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh