Thời cơ cho người lao động khi bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
- Tây Y
- 02:54 - 26/09/2018
Chia sẻ các ý kiến, tham luận về cách mạng công nghiệp 4.0 tại “Đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với các đại biểu dự Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam điểm lại các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây và khẳng định những cơ hội, thách thức luôn đặt ra trong mỗi cuộc cách mạng công nghiệp, “ai chủ động thì sẽ được lợi, ngược lại sẽ bị thua thiệt”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi đối thoại.
Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất với sự xuất hiện của động cơ hơi nước, ai cũng lo lắng rằng thợ dệt sẽ mất việc nhưng đến nay số người làm việc trong ngành này gấp hàng nghìn lần trước đây. Tương tự đối với cách mạng công nghiệp 4.0, sẽ có những nghề nghiệp bị mất đi, những nghề nghiệp mới hình thành.
Đơn cử như mấy chục năm trước có lẽ không ai nghĩ sẽ có những nghề liên quan đến trí thông minh nhân tạo, robot, thực tế ảo… Tuy nhiên, cùng với cơ hội cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đã có những cảnh báo về sự phụ thuộc của con người vào máy móc, công nghệ, thậm chí bị trí thông minh nhân tạo khống chế.
Để tận dụng được những cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0 để tăng năng suất, theo Phó Thủ tướng, quan trọng nhất là phải chuyển dịch cơ cấu lao động.
Hiện nay, 38% lực lượng lao động của Việt Nam vẫn ở trong khu vực nông nghiệp, trong khi các nước phát triển thì chỉ có một vài phần trăm. Nếu chuyển lao động sang làm dệt may thì năng suất cũng đã cao hơn làm nông nghiệp, chưa nói trong công nghiệp thì làm phần mềm cao hơn nhiều so với dệt may. Sau đó mới tính đến là làm cùng một việc thì phải làm bằng công nghệ nào; rồi vấn đề làm cùng một việc, cùng công nghệ thì năng lực của người lao động như thế nào, trình độ ra sao và cuối cùng là công tác quản lý, quản trị…
“Để chuyển dịch lao động nông nghiệp, chúng ta phải cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thu hút thêm các nhà đầu tư, xây thêm nhiều nhà máy, mở rộng thị trường… Chúng ta chỉ làm được điều này nếu giữ được môi trường ổn định, hoà bình. Tiếp đến là đầu tư khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực, đổi mới cơ chế tiền lương, chế độ bảo hiểm và xây dựng văn hoá doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng nói.
Nói thêm về những thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dẫn lại nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về 100 quốc gia, nền kinh tế (chiếm 96% GDP toàn cầu), theo đó, Việt Nam hiện nằm trong nhóm thứ 4 gồm 58 nước chưa sẵn sàng “bước lên chuyến tàu 4.0”. Đáng chú ý nhiều chỉ tiêu về tính sẵn sàng chuyển đổi của nền kinh tế như thương mại quốc tế, thể chế, nguồn lực cho phát triển bền vững, thị trường… Việt Nam đứng ở khoảng giữa, trong đó chỉ tiêu về đào tạo nhân lực chất lượng cao, công nghệ lại đang ở nhóm cuối.
Để thay đổi, Phó Thủ tướng cho rằng đầu tiên phải có quyết tâm rất lớn của Chính phủ với vai trò định hướng thông qua xây dựng thể chế luật pháp để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ phát triển, khuyến khích DN đầu tư cho đào tạo, nghiên cứu, phát triển. Quy định, thúc đẩy DN sử dụng công nghệ cao trong sản xuất. Các DN cần chủ động mở rộng quy mô, phạm vi đào tạo không chỉ đáp ứng nhu cầu của mình mà còn góp phần cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế.
Quan trọng nhất là chúng ta phải tạo điều kiện thuận lợi để người lao động có cơ hội học tập liên tục, trau dồi, nâng cao năng lực, kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng với những sự thay đổi, yêu cầu mới, thậm chí tự tạo cơ hội việc làm cho mình. Trong rất nhiều nhà máy, xí nghiệp do điều kiện sống và lao động nên nhiều người chưa có điều kiện học tập thì tới đây bằng lợi thế của công nghệ thông tin chúng ta phải làm cuộc cách mạng về sự học, không chỉ giáo dục trong nhà trường mà cả ngoài xã hội.