Việc ta đánh Buôn Mê Thuột là đòn điểm huyệt, làm rung động thế bố trí của toàn quân đội Sài Gòn ở Tây Nguyên. Không bao giờ nghĩ chúng ta dám đánh thị xã lớn nhất Tây Nguyên, nên khi bị đánh chiếm xong Buôn Mê Thuột, quân đội Sài Gòn có phản kích, tái chiếm mấy lần nhưng không được. Lúc này, Nguyễn Văn Thiệu và tướng lĩnh ngụy quyền Sài Gòn đã phạm sai lầm lớn về chiến lược, đó là rút bỏ khỏi Tây Nguyên để lui về cố thủ giữ Sài Gòn và các tỉnh duyên hải miền Trung. Sai lầm này của Nguyễn Văn Thiệu đã dẫn đến sự sụp đổ của ngụy quyền Sài Gòn, đồng thời tạo ra thời cơ chiến lược rất lớn cho ta.
Việc ngụy quyền Sài Gòn rút chạy khỏi Tây Nguyên là tình huống chiến lược ngay cả Quân ủy TƯ và Đảng ta cũng không lường tới. Không ngờ được là ta chỉ đánh mỗi trận Buôn Mê Thuột mà lại chiếm được cả Tây Nguyên. Chính vì ta không lường được việc quân Sài Gòn rút chạy, nên chúng ta cũng không có phương án chặn đánh khi địch rút chạy. Đây là một thực tế, bởi theo kế hoạch, ta đánh Buôn Mê Thuột và các địa bàn trên Tây Nguyên, dần dần theo tình hình mới tập trung đánh nơi khác và đến năm 1976 mới mở cuộc tổng tiến công.
Tuy nhiên, sau khi đánh chiếm Buôn Mê Thuột, các trinh sát ta phát hiện
máy bay lên xuống liên tục, các
gia đình chính quyền Sài Gòn vội vàng mua vé máy bay rời khỏi đó hết, nên các trinh sát phán đoán có lẽ địch sẽ rút chạy. Lúc này, các đơn vị của Nguyễn Văn Thiệu ở Tây Nguyên đã lặng lẽ theo một số đường đi xuống duyên hải miền Trung. Các đơn vị của ta phát hiện, báo lên Bộ Chỉ huy chiến dịch và đồng chí Văn Tiến Dũng. Do không chuẩn bị phương án chặn đánh từ trước, nên Bộ chỉ huy và đồng chí Văn Tiến Dũng lệnh cho các đơn vị vừa truy kích, bám theo và chặn đánh quân đội Sài Gòn.
Khi các đơn vị của chúng ta đang bám theo quân đội Sài Gòn trên đường chạy xuống các tỉnh duyên hải miền trung, Đại tướng Văn Tiến Dũng nhận được lệnh từ Bộ Chính trị điện về, yêu cầu dừng truy kích, quay trở lại phát triển dọc Tây Nguyên. Khi nhận được bức điện, Đại tướng Văn Tiến Dũng rất ngạc nhiên, không hiểu sao Hà Nội lại có chỉ đạo như vậy. Ông không trả lời, cứ để anh em tiếp tục bám theo truy kích và đánh địch. Sau đó, ông lại nhận được một bức điện thứ 2, có nội dung kiên quyết hơn, nội dung đại ý yêu cầu quân ta dừng truy kích, quay ngay trở lại phát triển dọc Tây Nguyên và đánh từ Tây Nguyên xuống Tây Ninh sau đó vào Sài Gòn.
Nhận được bức điện thứ 2, Đại tướng Văn Tiến Dũng không thể không trả lời, ông trăn trở rồi quyết định thảo một bức điện gửi về Bộ Chính trị, nội dung bức điện đại ý: Mọi việc trong này, anh Năm Công (tức đồng chí Võ Chí Công - khi đó là bí thư Liên khu 5) sẽ ra báo cáo các anh, còn xin đề nghị cho chúng tôi tùy tình hình trong này để triển khai… Và đại tướng Văn Tiến Dũng tiếp tục chỉ huy các lực lượng quân ta bám đánh quân đội Sài Gòn theo các con đường 7, 5, 19, 21 xuống duyên hải miền Trung.
Về tình huống này, qua nghiên cứu, PGS - TS Nguyễn Mạnh Hà, Viện trưởng Viện lịch sử Đảng cho rằng, nếu khi đó Bộ chỉ huy Chiến dịch Tây Nguyên và Đại tướng Văn Tiến Dũng chấp hành lệnh của Bộ Chính trị, dừng truy kích và quay trở lại phát triển dọc Tây Nguyên, thì chưa biết cuộc tổng tiến công của chúng ta sẽ kéo dài đến khi nào. Vì khi ta truy kích quân địch xuống duyên hải miền Trung, vô hình trung chúng ta đã cô lập được quân khu 1 của địch. Đây là điều về mặt chiến lược mà Bộ chỉ huy quân sự Tây Nguyên thấy rất rõ, nên Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lệnh cho Đại tướng Lê Trọng Tấn, trong vòng 3 ngày phải giải phóng Huế và Đà Nẵng để khớp được kế hoạch tiến công. Ngày 26/3, ta giải phóng Huế và ngày 29/3, ta giải phóng Đà Nẵng.
Khi giải phóng được Huế và Đà Nẵng, ta đã hoàn thành một nửa chặng đường của chiến dịch. Nhưng quan trọng nhất lúc này, là thời cơ chiến lược xuất hiện ngày càng rõ. Nếu như khi ta chiếm được Tây Nguyên, Bộ Chính trị xác định, trong suốt 20 năm chiến tranh giải phóng, chưa bao giờ có thời cơ thuận lợi như lúc này, và bắt đầu chuyển sang kế hoạch thời cơ, tức là cố gắng giải gắng giải phóng miền Nam trước mùa mưa (mà không dùng kế hoạch 2 năm nữa). Đến khi giải phóng Huế, Đà Nẵng xong, Bộ Chính trị xác định, cố gắng giải phóng miền Nam trong tháng 4.
Sau khi giải phóng Đà Nẵng, giải phóng các tỉnh duyên hải miền Trung, việc đánh vào Sài Gòn trở nên đơn giản hơn nhiều. Quân ta chỉ vấp phải phòng tuyến vòng ngoài cùng là Phan Rang. Sau khi đánh Phan Rang, phá vỡ cánh cửa thép Xuân Lộc, ngày 19/4 đến 21/4, Nguyễn Văn Thiệu lên đài truyền hình tuyên bố từ chức. Ngày 26/4, ta bắt đầu mở chiến dịch Hồ Chí Minh với lực lượng áp đảo, gấp 3 lần lực lượng quân đội Sài Gòn. Ta tập trung khoảng 15 vạn quân đánh vào Sài Gòn. Đây là chiến dịch lực lượng mạnh nhất, tập trung đông nhất, chiến dịch diễn ra ngắn ngày nhất (chỉ trong 4 ngày).
Từ những diễn biến dẫn đến thời cơ thuận lợi nhất cho cuộc chiến cho thấy, trong chỉ đạo chiến lược, nếu chúng ta chỉ cần có quyết định khác một chút, tình thế sẽ khác hẳn. Và rất may mắn là chúng ta có những quyết định chính xác, đúng đắn cho cuộc tổng tiến công. Góp phần vào chiến thắng to lớn, nhanh chóng cho chúng ta trong cuộc tổng tiến công năm 1975.