Thoái vốn tại 10 “ông lớn”: Tránh làm ồ ạt, bội thực thị trường!
- Huyệt vị
- 17:49 - 23/10/2015
Bên lề phiên họp tổ ngày 22/10, ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban tài chính ngân sách của Quốc hội đã có cuộc trao đổi với báo chí về việc thoái vốn nhà nước tại 10 doanh nghiệp, trong đó có những “ông lớn” như Vinamilk, Bảo Minh, FPT…
Thưa ông, mới đây Chính phủ vừa có quyết định yêu cầu Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái vốn Nhà nước tại 10 doanh nghiệp. Theo ông, kế hoạch này liệu sẽ gặp những khó khăn nào?
Việc thoái vốn hiện nay tôi cho rằng đang gặp khó khăn. Nhà đầu tư trong nước tiềm lực tài chính cũng có hạn. Nếu chỉ khoanh lại nhà đầu tư trong nước thì giá chỉ ở mức độ nào đó còn nếu cho phép mở rộng đối tượng mua thì phải xem xét lại mức giá đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Cổ phiếu nhà nước cần bán tăng lên thì giá cả nhà nước bán được mới tăng lên, khi đó mới bảo đảm hiệu quả việc thu hồi vốn nhà nước sát thị trường.
Ông có đánh giá như thế nào về quyết định này đặt giữa bối cảnh ngân sách đang căng thẳng hiện nay?
Chủ trương thoái vốn của nhà nước vào các doanh nghiệp tôi cho rằng là cần thiết và căn cứ vào Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thì Chính phủ đã trình và Quốc hội đã chấp thuận, trong đó có nội dung đồng ý thoái vốn trong các doanh nghiệp.
Thứ hai, Luật quản lý nợ công quy định nhà nước chỉ đầu tư một số lĩnh vực chứ không trực tiếp đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Các quy định này là hợp lý vì phù hợp với bản chất chức năng của nhà nước và nhà nước chỉ đầu tư vào những lĩnh vực nào mà các thành phần kinh tế không đầu tư. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, chứ không làm thay doanh nghiệp các thành phần kinh tế.
Tôi cho rằng, thoái vốn là phù hợp. Vấn đề là thoái vốn như thế nào đang là vấn đề đặt ra.
Theo tôi, cần rà soát lại các khoản nợ để có lộ trình thoái vốn phù hợp, nếu chúng ta làm ồ ạt luôn một lúc thì dẫn đến bội thực thị trường và dẫn đến thiệt hại của nhà nước, do vậy thời điểm thoái vốn, phương pháp, lộ trình, mức độ thoái vốn… cần phải có kế hoạch cụ thể.
Về nguyên tắc, các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán thì phải minh bạch, công khai. Đối với doanh nghiệp chưa niêm yết cần phải công khai, tức là nên duy trì đấu giá vốn góp của nhà nước trên thị trường để bảo đảm minh bạch, công bằng, lợi ích của nhà nước không làm thất thoát vốn nhà nước.
Sau khi thoái vốn, thương hiệu doanh nghiệp có thể mất
Hiện vẫn có những ý kiến lo ngại làm thế nào để doanh nghiệp giữ được thương hiệu của mình sau khi nhà nước thoái vốn. Ông suy nghĩ sao về điều này?
Trong kinh tế thị trường, thương hiệu có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, đây là tài sản vô hình của doanh nghiệp. Vừa qua, giá trị doanh nghiệp trước khi thoái vốn đã tính đến giá trị thương hiệu của doanh nghiệp đó, nếu bán công khai cạnh tranh trên thị trường chứng khoán hoặc đấu giá rộng rãi thì phần vốn của doanh nghiệp đã được tính đến giá trị tài sản cũng như giá trị thương hiệu.
Còn sau khi bán cổ phần của nhà nước cho các thành phần kinh tế thì tính đến việc duy trì thương hiệu đó thế nào. Tôi cho đó là sức sống của thương hiệu phụ thuộc vào chính chất lượng hoạt động của doanh nghiệp đó, sức cạnh tranh hàng hóa của doanh nghiệp đó cung ứng trên thị trường.
Một doanh nghiệp có thương hiệu lớn, nổi tiếng nhưng sau một thời gian chất lượng hàng hóa không đảm bảo được thì thương hiệu, uy tín cũng mai một, cho nên việc duy trì thương hiệu, duy trì uy tín của hàng hóa, dịch vụ của doah nghiệp đối với xã hội, thị trường phục thuộc vào chính hiệu quả hoạt động, phụ thuộc vào chính chất lượng cũng như chi phí sản xuất của doanh nghiệp, phụ thuộc vào chủ sở hữu của doanh nghiệp, trong đó có các thành phần kinh tế nắm giữ phần vốn của doanh nghiệp đó.
Vậy, trong trường hợp các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài muốn thay đổi thương hiệu thì các doanh nghiệp thoái vốn có giữ được thương hiệu của mình không?
Trước hết, thương hiệu phụ thuộc vào chủ sở hữu. Trong điều kiện niêm yết trên thị trường và đã bán cho các chủ thể thì phụ thuộc vào Đại hội cổ đông và Đại hội cổ đông biểu quyết thay đổi bổ sung thêm thương hiệu… thì đó là thẩm quyền của họ.
Về phía nhà nước thì tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp Việt Nam có thương hiệu. Và trong giới hạn cho phép thì quảng bá thương hiệu đó để đưa hàng hóa Việt Nam vào thị trường thế giới cũng như phổ biến thị trường trong nước, để thúc đẩy xuất khẩu, không bị thua trên sân nhà.
Xin cảm ơn ông!