THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 03:31

Thơ về những người con trung hiếu

 

Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi trong một lần đến thăm trạm quân y chứng kiến cảnh những thương binh bị tâm thần, ông đã xúc động viết:

“Có người không nhớ cả tên mình nữa / Có đôi mắt đục ngầu mê hoảng

Có khi mặt lạnh bằng tượng đá / Có người đang cười, nấc lên khóc”

Nhưng khi bệnh lui, các anh trở về với con người thật của mình, con người bình thường với bản chất và tâm hồn tuyệt vời cao đẹp.

“Sau những cơn tâm thần quằn quại / Tỉnh rồi, mắt anh nào cũng xanh

Lại say sưa chuyện giữ chốt, đánh tăng / Nguyên vẹn trăng rằm

Tâm hồn dũng sĩ”

Những cán bộ quân y vò xé tim gan khi nhìn các anh đau, đã hết lòng chăm sóc chữa chạy cho các anh. Một chị hộ lý, 6 năm liền là chiến sĩ thi đua, khi tác giả hỏi về thành tích bản thân, đã nói:

“Đừng viết gì về tôi mà tôi xấu hổ

Anh hãy viết về những thương binh của ta như những  anh hùng”

(Ở một trạm quân y, Tuyển tập thơ Nguyễn Bùi Vợi - NXB Văn học 2002 trang 86)

 

 

Những chiến sĩ bị chất độc da cam, không được chính thức gọi là thương binh, khi chết cũng không có bằng Tổ quốc ghi công, nhưng sự hy sinh của các anh thật to lớn, nó kéo dài với nỗi đau vò xé tinh thần và thể xác trong cái chết đến dần dần từng năm, từng tháng, từng ngày.

“Ta chết giữa tuổi thanh xuân / Vì một nguyên tử hơi độc da cam

Mười năm / Tạm gọi yên hàn / Nhưng nhà làm lại chưa xong

Vợ học chưa xong / Con học chưa xong

Nhiều cái chưa xong / Cả cái chết cũng không đành lòng nhắm mắt…”

Nhưng anh đã bình tĩnh vĩnh biệt cuộc sống và hướng về thế hệ tương lai là thế hệ có thể không phải biết đến chiến tranh và những chất hủy diệt.

“Hôm nay, đúng là tuổi, là ngày ta đi về tiên tổ

… Ta chết đây.

Xin chúc những người cùng sinh giờ này” (Ta chết đây)

Nhà thơ quân đội Phùng Khắc Bắc dường như đã viết về chính mình. Tập thơ Một chấm xanh của ông được NXB QĐND in năm 1992 ngay sau khi ông mất, đã được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam.

Là những người đã góp một phần xương máu để làm nên chiến thắng nên trong ngày kỷ niệm chiến thắng của toàn dân, thương binh là những người xúc động nhất. Chính Hữu đã viết về người thương binh trong giờ phút vẻ vang, long trọng trong bài “Duyệt binh”, bài thơ mang phong cách thơ hàm súc, có sức khái quát và ngân vọng:

“Đồng chí thương binh / Trên đôi nạng gỗ / Xem mười lăm năm lịch sử

đang xếp thành đội ngũ / đi đều

Đồng chí thương binh / tưởng nghe tiếng bước chân mình

tiếng bước của bàn chân đã mất…”

Những câu thơ không chỉ nói về thương binh mà còn nói với chúng ta, những người lành lặn đang sống, để biết yêu thêm đất nước, quý thêm hòa bình, vinh quang, hạnh phúc và cả con đường phía trước:

“Có gặp những con người / đã để lại một phần thân thể

gửi làm hoa lá cỏ cây / trên mảnh đất này

mới hiểu được tâm hồn tiếng trống hôm nay”

Hòa bình rồi những người thương binh lại trở về đời thường. Người thầy giáo lại bước lên bục giảng. Những vết nạng anh để lại trên sân trường đã làm cho cậu bé học trò Trần Đăng Khoa xúc động và có ý nghĩ lớn hơn cả tuổi cậu.

“Ôi bàn chân / In trên cổng trường những chiều giá buốt

In lên cổng trường những đêm mưa dầm / Dấu nạng hai bên như hai hàng lỗ đáo /

Chúng em nhận ra bàn chân thầy giáo / Như nhận ra cái chưa hoàn hảo

Của cả cuộc đời mình”.

(Bàn chân thầy giáo - Góc sân và khoảng trời)

 

 

Có thương binh trở về, cũng như mọi người, anh phải lo kiếm sống để nuôi mình, nuôi con. Và anh đã chọn một nghề nguy hiểm nhưng lương thiện, trong sạch - nghề bắt và bán rắn. Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha đã có những tứ thơ độc đáo và sâu sắc trong bài “Người bán rắn ở Văn Miếu”

“Lặng im anh thương binh ngồi / Như hồi nào phục kích

Chỉ có khác súng thì bắn giặc / Còn rắn thì để bán thế thôi

… Có gì giống nhau giữa khẩu súng và con rắn

Trong tay anh cầm / Nó đều giúp anh giữ mình nguyên vẹn

Giữa bao nhiêu giằng xé mất còn”.

(Thời máu xanh - NXB Hội Nhà văn 1999)

Bài thơ trên, nhất là hai câu cuối nói với chúng ta rất nhiều. Những người con trung hiếu ở chiến trường, khi trở về đời thường, một đời sống phức tạp và không kém khó khăn, vẫn nguyên vẹn phẩm cách và tấm lòng trung hiếu.

Có một nhà thơ,  hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, bản thân là thương binh. Anh đã để lại một chân ở chiến trường Trị Thiên bởi bom B52 năm 1969 - đó là Hoàng Cát. Nhưng điều mà anh nhớ nhất không phải là cái chân mất mà là những đồng đội, những người đã chết cho anh sống như đ/c Linh ở Yên Thành, Nghệ Tĩnh: “Trái tim tôi là một nấm mồ / Tôi chôn cất, ấp ủ người em tình nghĩa / Tôi cụt chân, Linh cáng cứu tôi / Địch xả liên thanh. Linh nát người / Tôi đã chôn cất biết bao bè bạn, giữa trái tim tôi, giữa tuổi trẻ đời tôi”

 (Trái tim tôi là một nấm mồ).

Tới đây, tôi muốn kết bài viết ngắn này bằng cách nhắc lại câu viết về bài thơ Người bán rắn ở Văn Miếu của Nguyễn Thụy Kha: “Những người con trung hiếu ở chiến trường, khi trở về với đời thường, một đời sống phức tạp và không kém khó khăn, vẫn nguyên vẹn phẩm cách và tấm lòng trung hiếu”, chỉ xin thêm mấy câu: “Những phẩm cách và tấm lòng đã được thử thách và tôi luyện trong máu lửa, trong sống chết và mất mát lớn lao. Thêm một lí do để ta cảm phục và biết ơn những thương binh, những người con trung hiếu”.

ĐẶNG HIỂN. Ảnh minh họa: HT

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh