CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:17

Thơ và nước mắt ở nghĩa trang hài nhi

 

Xây “chung cư” vì hết đất

Chỉ mới khoảng 5 năm, Nghĩa trang giáo xứ Thánh Tâm đã thu nhận và chôn cất gần 10.000 hài cốt thai nhi, trong đó có khoảng 8.000 hài nhi mồ côi. Hài nhi từ Đắk Nông, Lâm Đồng và các huyện vùng sâu, vùng xa của Đắk Lắk mang về nghĩa trang ngày một nhiều trong những năm gần đây. Dẫn chúng tôi đi vòng những ngôi mộ, người quản trang Nguyễn Lê Trung cho biết, trước đây người mang hài nhi đến đây còn lén lút nhưng bây giờ thì công khai và thản nhiên như ném rác vậy. Đứng trước hàng mộ chạy dài thẳng tắp, nghe tiếng gió thì thào, ông nhớ lại, trước đây ông từng chứng kiến có những người phụ nữ đem con mình vứt đi mà gương mặt không một chút cảm xúc. Cảm giác thật đau xót, nhưng ông cho rằng, mỗi người mỗi cảnh, bế tắc lắm người mẹ ấy mới đem thi hài con mình ra đây và những gì họ làm họ sẽ phải chịu, không ở kiếp này thì cũng là những kiếp sau. Đến nay quỹ đất của nghĩa trang đã trở nên quá tải trong khi số lượng hài nhi vứt bỏ ngày một tăng. Hơn hai ngàn bé không còn đất chôn đành phải nằm chung tại hai bể xi măng sâu 3 mét được phủ kín bằng cát. Trước tình trạng đó, Ban quản lý nghĩa trang đã có đề án xây “chung cư” nhiều tầng cho các em. “Nhưng với số lượng hài nhi ngày một tăng thế này, “chung cư” đến một ngày nào đó cũng quá tải”. Ông Trung không giấu được nỗi lo.

 

Làm một cái nghề mà chỉ mong mình... thất nghiệp nhưng mỗi ngày thức dậy, ông Trung luôn thở dài thất vọng. Chẳng có ngày nào chiếc bàn thờ ngoài cổng trống trải, kể cả những ngày lễ, Tết. Ông kể, Tết năm ngoái, ngày mồng một ông tới nghĩa trang thật sớm, trong lòng khấp khởi vì không có chiếc bọc đen nào trên bàn thờ. Nhưng sang ngày mồng hai, vừa mở cổng đã thấy hai cái bọc nằm trên kệ thờ. Đó là hai hài nhi nạo, phá. Thai nhi chưa thành hình hài, vẫn là những “hòn máu” đỏ. Ngày nào cũng đi qua các em, những vần thơ chua xót như ngấm vào da thịt người quản trang. Ông nhớ rõ, buổi chiều mây vần vũ cách đây vài tháng, có người đàn bà chạy vào nghĩa trang đưa cho ông tờ giấy nhàu nhĩ. Bà ấy lập cập bảo ông hãy khắc bài thơ này lên phần mộ hài nhi vừa được chôn sáng nay.“…Cha mẹ sợ sanh con vất vả/ Sợ con làm cản trở tương lai/ Cha mẹ vì tiền và danh vọng/ Của phù vân gió thoải mây bay/ Hận cuộc đời để rồi rũ bỏ luôn con/ Con nằm đây nguyện cầu cho cha mẹ/ Cha mẹ ơi xin đừng phạm tội nữa...” Ông không hỏi người phụ nữ ấy là ai, nhưng lời thơ ai oán như vết dao cứa nát trái tim ông.

Ngày mồng một, mồng hai tháng 11 hàng năm, nghĩa trang làm lễ Cát đẳng linh hồn cầu nguyện cho hài nhi. Đây là cơ hội để những người cha người mẹ của hài nhi một lần được xám hối trước vong linh các con của họ. Theo quan sát của ông Trung, những người tìm đến nghĩa trang thường là những cô gái còn rất trẻ. Họ vội vã đi vào khu vực chôn cất hài nhi, đốt một bó nhang rồi thắp lên các phần mộ. Họ khấn vái lầm rầm gì đó. Có người ngồi thẫn thờ hàng giờ ở đó, có người ôm mặt khóc rưng rức. Nhưng cũng có người vào chỉ để đặt một bó hoa rồi lao nhanh ra ngoài. Ông Trung không hỏi họ là ai, đến đây tìm mộ nào? Bằng linh cảm, ông Trung có thể nhìn thấu nỗi đau và sự ray rứt của họ. Trong số đó, có không ít những người mẹ đã một lần từ bỏ con, hoặc hơn thế nữa. Họ đến nghĩa trang, cắm nén nhang giữa mênh mông hàng mộ, chẳng biết con của mình đang nằm ở nơi nào. Ông Trung sẵn sàng giúp họ tìm phần mộ của con nếu cung cấp đúng thời gian, ngày tháng họ mang đến nghĩa trang bỏ. Và không bao giờ hỏi nguyên nhân vì sao lại từ bỏ con. Trên mỗi ngôi mộ đều ghi chi tiết ngày, giờ, giới tính của hài nhi, luôn để ngỏ “cánh cửa” cho những bậc cha mẹ tìm lại con. Nhưng chẳng có ai đến hỏi ông Trung thông tin về con.

Những ngôi mộ hài nhi luôn được chăm sóc, sưởi ấm của cộng đồng.

 

90% hài nhi là nữ

 “Xin đừng vứt bỏ, vùi lấp chúng con. Hãy cho chúng con có nơi yên nghỉ. Xin đặt chúng con ở đây để các cô, chú, bác biết và giúp đỡ chúng con”. Đó là những dòng thơ được khắc trên bệ thờ tiếp nhận hài nhi đặt ngay lối vào nghĩa trang mà bất cứ ai vào cũng phải đọc. Thế nhưng có người đàng hoàng tử tế thì gói con vào tấm vải sạch, ghi vài dòng cảm ơn, có người để con vào bọc nilon dơ dáy, mang tới vứt ở cổng nghĩa trang hay treo trên cành cây mặc cho ruồi, kiến bu bám rồi lạnh lùng quay gót. Tiếp nhận các hài nhi, nếu chưa thành hình ông Trung để vào hũ tiểu, dán silicon cẩn thận mới mang đi chôn. Nếu các bé thành hình hài rồi, ông tắm rửa sạch sẽ, cuốn vào tấm khăn trắng cho ấm áp. Trước khi chôn, ông luôn nguyện cầu cho các linh hồn được bình an. Ông Trung khẳng định: “ Các em ở đây không bị cô đơn, lạnh giá mà luôn được quan tâm, chia sẻ của cộng đồng. Rất nhiều người tìm đến thắp hương, quét dọn và cầu nguyện cho các em”. Khi hỏi ông về cảm giác về việc ngày nào cũng phải nhặt xác hài nhi rồi chôn cất, ông Trung cười: “Tôi chỉ ám ảnh bởi sự nhẫn tâm của những người làm cha làm mẹ đã vứt con mình. Tôi ám ảnh bởi tự tay chôn cất hàng nhìn hài nhi mang giới tính nữ. Trên 90% các con bị bỏ đi là phận nữ. Tôi không hiểu tại sao trong thời đại này vẫn còn tồn tại tư tưởng trọng nam khinh nữ?”. Thậm chí có những hài nhi nữ hoàn toàn khỏe mạnh, chỉ còn ít ngày nữa là chào đời nhưng cũng bị tước đi sự sống.Có thai nhi được bọc lùng nhùng trong một cái túi nilon, khi mở ra đó là những bộ phận của một em bé. Chẳng hiểu sao bị cắt ra từng miếng, bị phanh thây xẻ thịt khi còn trong bụng mẹ. Nó ám ảnh ông Trung đến tận xương tủy. Lần theo chân ông, tôi đến một nấm mồ của một thai nhi khắc trên đó những dòng thơ đầy uất hận: “Con mở mắt để được nhìn cha mẹ/ Sao cha mẹ nỡ lòng nào vứt bỏ con đi/ Cha mẹ vì tiền vì danh vọng/ Nỡ đem con cho đồ tể phân thây/ Thân xác con cắt ra từng trăm mảnh/ Cổ lìa đầu đau lắm mẹ cha ơi/ Tiếng khóc con sâu từ lòng đất lạnh/ Nỗi đau này ai thấu hiểu được đâu? Cha mẹ ơi sao cha mẹ không sợ tội/ Danh vọng tiền tài đánh mất cả lương tâm…”

Một bài thơ khắc trên mộ.

 

 Đây là những dòng thơ này hoàn toàn ngẫu nhiên, do những người tới viếng cảm tác. Có thể cảnh tượng quá thương tâm đã nhập vào tâm hồn họ. Nếu nghĩ tâm linh một chút, thì đó chính là nỗi oan khiêng của những linh hồn đã hóa thành thơ. Ông Trung tâm niệm: “Làm cái việc này, nếu không có tình yêu thương con trẻ, không có cái tâm thì không bao giờ làm được. Tôi làm việc bằng trái tim, bằng nỗi đau thế thái nhân tình. Nghĩa trang này chỉ là một phần nhỏ của xã hội và chúng tôi cũng chỉ thực hiện trong vòng 5 năm trở lại đây. Mới 5 năm mà số lượng đã lên tới hàng nghìn. Vậy thì còn biết bao hài nhi bị bỏ rơi ở khắp nơi trên đất nước này, liệu các em có được sưởi ấm hay bị vứt ở ngoài đường, trong thùng rác. Đó là tiếng chuông cần được gióng lên để thức tỉnh con người”.

 “Chín tháng tuổi con mong được sống/ Sống làm người nhưng cha mẹ không cho/ Cha mẹ đừng nghĩ con chẳng biết gì/ Khi biết được cha mẹ sắp bỏ con/ Trong bụng mẹ, con rơi nước mắt/ Khóc van xin nhưng cha mẹ không tha/ Cuối cùng rồi con giã từ cha mẹ/ Con ra đi và ra đi mãi mãi/ Nỗi đau này cha mẹ mãi không quên…” Rời bước khỏi Nghĩa trang giáo xứ Thánh Tâm, trong tôi còn nguyên nỗi ám ảnh bởi những hàng mộ chạy dài, và sẽ còn dài nữa theo thời gian bởi tội lỗi của con người chưa được thức tỉnh. 

Đinh Hoa

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh