Thơ mộng du ngoạn miệt vườn Nam bộ
- Văn hóa - Giải trí
- 01:04 - 08/09/2016
Từ khi quốc lộ 1A được nâng cấp và cây cầu công trình thế kỉ Mỹ Thuận nôi đôi bờ sông sông Tiền, giao thông không còn cách trở phà ngang, thì người Sài Gòn (và cả du khách đến Sài Gòn), đã thực sự mặn mà với những tuor du lịch sinh thái miệt vườn ĐBSCL và điểm dừng chân đầu tiên là Vĩnh Long. Cách Sài Gòn 130 km, từ lâu VL được xem là cửa ngõ đi vào vùng châu thổ “chín rồng” và là nhịp cầu nối hai trung tâm kinh tế lớn là TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL. Đồng thời với vùng đất mang đậm dấu ấn của nền văn hóa miệt vườn, mênh mang sông nước, cùng nhịp sống, cách sinh hoạt phóng khoáng, chân chất, mến khách của con người Vĩnh Long, đây thực là điểm hẹn, nơi dừng chân lý tưởng để du khách khám phá về du lịch sinh thái và văn hóa khu vực ĐBSCL.
Đến với Vĩnh Long du khách sẽ được ngồi thuyền du ngoạn trên dòng Mê Kông, với hai nhánh sông Tiền và sông Hậu, như hai cánh tay vươn dài, mát rượi ôm lất thị xã Vĩnh Long và cù lao An Bình, Bình Hòa Phước… Thú vị nhất là ngồi là ngồi thuyền đi trên các kênh rạch ngang dọc, len lỏi giữa những khu vườn cây ăn trái như đi vào mê cung của sông nước và vườn tược. Tôi đã may mắn có một ngày du ngoạn đầy lý thú và lãng mạn như thế để khám phá cù lao An Bình. Nhìn trên bản đồ thì An Bình giống như một ốc đảo xanh, được bao quanh bởi sông nước mênh manh và chằnh chịt những kênh rạch.
Ngồi thuyền len lỏi theo hệ thống kênh rạch ngang dọc qua những vườn cây ăn trái là những trải nghiệm vô cùng thú vị đối với du khách
Nằm giữa hai sông lớn là sông Tiền và Cổ Chiên, cù lao An Bình với diện tích 6000 ha, được chuyên canh về cây ăn trái đủ loại: chôm chôm, cam, quýt, xoài, nhãn, sầu riêng…Cứ mùa nào trái nấy du khách tham quan cứ vô tư mà lựa chọn thưởng thức ngay tại vườn. Tự leo chèo cây hái trái cũng có cái thú vị của nó. Trên cù lao An Bình có khoảng 60 kênh rạch lớn, nhỏ đan xen giữa các khu vườn quanh năm xanh mát, tạo nên một không gian sinh thái thật yên tĩnh, thanh bình, thơ mộng hữu tình…Cô hướng dẫn viên, cho tối biết: “Du khách nước ngoài rất thích du ngoạn trên những con thuyền bằng tay chèo, để len lỏi ngang dọc các khu vườn. thú du ngoạn ấy, không chỉ đưa du khách về gần gụi với thiên nhiên, mà còn khiến lòng ta được thanh thản, nhẹ nhõm như thoát mọi tục lụy ưu phiền…"
Chủ nhân của những khu vườn thơ mộng, với lối đi đã được xi măng hóa, sạch đẹp là những lão nông Nam bộ chân chất, cả đời chỉ chuyên tâm vào cây trái, hoa kiểng (nhiều chủ vườn là cha truyền con nối). Những cái tên mộc mạc như: Tám Tiền, Ba Lình, Mười Đầy, Tám Hổ, Cai Cường, Sáu Giáo, Mười Hưởng, Ba Hùng…là chủ những khu vườn được du khách biết đến từ nhiều năm qua. Đó là những khu vườn nằm trong danh sách của tuor du lịch trên cù lao An Bình, được xã hội hóa một cách có hiệu quả trong việc khai thác tiềm năng thế mạnh về du lịch sinh thái vườn ở Vĩnh Long.
Được sống những phút giây thật thanh thản trong không gian của những khu vườn vào mùa trái cây đang chín sẽ khiến cho lòng du khách như thoát mọi tục lụy ưu phiền
Vùng ĐBSCL nói chung và Vĩnh Long nói riêng không chỉ trù phú về lúa gạo, cây trái mà cò rất dồi dào về nguồn thực phẩm từ: cá, tôm, cua, rùa, rắn, ba ba, le le, khúm núm…Qua tay khéo léo, giàu kinh trong chế biến theo truyền thống và “cải biên” của những tay đầu bếp miệt vườn, tất cả đều trở thành những món ăn đặc sản rất đặc trưng của phương Nam. Suốt chuyến du lịch chắc chắn du khách sẽ được thưởng thức thật ngon miệng, thật bổ dưỡng cho sức khỏe.
Những bữa ăn tại nhà vườn thoáng đãng, mát mẻ, thực đơn chủ yếu và khoái khẩu hơn cả vẫn là các món ăn chế biết từ cá, tôm. Nào cá nướng mọi, cá kho tộ, cá nấu canh chua, cá hấp, tôm nướng, tôm rim thịt, tôm hấp…Có hàng chục những món ăn mang tính truyền thống dân dã vùng sông nước mà tôi không thể kể hết. Nhưng nếu bạn là dân nhậu thích lai rai, thì món cá nướng các loại, bằng lửa rơm, đã có từ thuở khẩn hoang mở đất phương Nam. Hấp dẫn nhất là những con cá lóc, cá trê tươi được nướng thơm nức mũi, nóng hổi, cuốn với bánh tráng, kèm theo các loại rau thơm, chuối xanh, khế xanh, đều là thứ cây nhà lá vườn, rồi lai rai với loại rượu áp xanh thơm nồng hương vị quế, hồi thì thật là tuyệt vời. Thật là miếng ngon nhớ đời! Ấy là những món dân dã, còn “qúy tộc” hơn một chút, nhưng vẫn mang tính truyền thống, với gía cả cũng “mềm” hơn Sài Gòn nhiều lần, đó là các món được chế biến từ rùa, rắn, ba ba…Thực ra những món này mới trở thành “của hiếm” vài năm trở lại đây thôi.
Giữa khu vườn trái cây rợp bóng mát du khách sẽ được thỏa mãn với những món ẩm thực đặc sản vùng sông nước và thưởng thức đàn ca đờn ca tài tử Nam bộ
Theo các lão nông cho biết cách nay vài thập niên, thì nó cũng là những món dân dã cả. Hồi đó, rùa, rắn ở xứ này tuy không nhiều như vùng rừng U Minh xứ Cà Mau, nhưng cứ vào mùa nước nổi cũng lũ lượt kéo lên cù lao nhiều vô kể, bắt ăn mệt nghỉ. Người dân Nam bộ truyền khẩu câu ca rằng: “Thương anh nấu cháo le le”. Le le thực ra là loại vịt trời, giống như con sâm cầm xứ Bắc, hay sống ở vùng hồ Tây. Loại này nấu canh măng chua hay nấu cháo đậu xanh thì cực kỳ bổ dưỡng. Không rõ sự bổ dưỡng món cháo le le thế nào, nhưng cứ theo câu ca xưa mà suy thì chắc “công hiệu” của nó không kém gì món “tái dê…tương gừng?!”.
Những món tôi vừa sơ sơ liệt kê ra, thì hiện nay đều có trong bất cứ nhà hàng đặc sản nào ở chốn thị thành suốt từ trong Nam ra ngoài Bắc, miễn là có tiền. Nhưng, được ngồi đánh chén lai rai và nghe các cô thôn nữ mặc áo bà ba ca những bản vọng cổ, cùng ban nhạc tài tử ở những khu vườn “xanh như ngọc” ở cù lao An Bình, tôi mới cảm được, cái ngon, cái của văn hóa ẩm thực, cũng như nghệ thuật đàn ca của vùng đất phương Nam thật đằm thắm và đầy ngẫu hứng, hào sảng…Phải chăng, đó cũng chính là yếu tố làm nên sự hấp dẫn, lôi cuốn du khách cả ta lẫn Tây ngày càng say mê tìm đến du ngoạn, khám phá văn minh, văn hóa miệt vườn vùng ĐBSCL nói chung và Vĩnh Long nói riêng đông đảo hơn…//