THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:32

Thịt ngoại không nhãn mác, không hạn sử dụng bán tràn lan

 

Thịt nhập khẩu ngày càng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Nắm lấy cơ hội này, giới kinh doanh phục vụ người dân từ diêu thị, chợ dân sinh và thậm chí bán hàng online sẵn sàng ship hàng đến tận nhà nếu khách có yêu cầu. Điều đáng nói, sản phẩm thịt nhập khẩu theo dạng rã đông hoặc pha lóc đóng gói lại cũng không có thông tin chi tiết về nguồn gốc sản phẩm để người tiêu dùng nắm rõ.

 

Người tiêu dùng khó truy tìm nguồn gốc, thông tin về thịt nhập khẩu.

 

Người tiêu dùng mua lẻ khó kiểm soát nguồn gốc thịt hơn do không thể mua hàng "nguyên đai nguyên kiện" mà đã qua pha lóc, đóng gói lại. Rất nhiều điểm bán lẻ thịt ngoại không bảo đảm điều kiện bảo quản như nhà sản xuất yêu cầu.

Điều đáng nói, các sản phẩm thịt sản xuất trong nước muốn vào siêu thị phải có đầy đủ thông tin minh bạch từ trại nuôi đến giết mổ, hạn sử dụng nhưng thịt nhập khẩu thì "vô tư" bán dạng hàng xá, nguồn gốc chung chung. "Gần đây là gà dai đông lạnh nước ngoài nhập khẩu về bán đầy đường, bán cả vào siêu thị, không bao bì, nhãn mác nhưng không bị kiểm tra và xử lý. Dân mình thấy bán công khai thì mua về ăn mà không biết có nguy hại cho sức khỏe hay không", ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ, cho hay.

Theo Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm từ các nước nhập về Việt Nam đã được kiểm soát chặt chẽ theo chuỗi, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nguồn thịt nhập khẩu đều từ các nước có nền chăn nuôi phát triển như: Mỹ, Ấn Độ, Úc, Ba Lan, Hàn Quốc, Tây Ban Nha… Nhà máy sản xuất thịt của các nước cũng phải được cơ quan có thẩm quyền Việt Nam thẩm định, đánh giá từng cơ sở. Nếu đạt yêu cầu thì mới được đưa vào danh sách các nhà máy được phép xuất khẩu vào Việt Nam.

Theo quy định hiện hành, các lô thịt đông lạnh nhập khẩu đều phải lấy mẫu 100% để xét nghiệm chỉ tiêu lý hóa, cảm quan, vi sinh vật gây ô nhiễm thực phẩm và gây bệnh theo quy định của Bộ Y tế. Trường hợp kết quả xét nghiệm bảo đảm yêu cầu mới được phép làm thủ tục nhập khẩu để tiêu thụ nội địa. Nếu xét nghiệm không đạt, chủ lô hàng phải chịu phạt hành chính, lô hàng bị buộc tái xuất, tiêu hủy hoặc chuyển mục đích sử dụng. Như vậy, về lý thuyết, thịt nhập khẩu được kiểm soát khá chặt nhưng thực tế sản phẩm đến tay người tiêu dùng lại không được như vậy do quá trình bảo quản, phân phối.

VÂN KHÁNH (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh