THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:08

Thịt lợn nhập ngoại đắt hàng vì giá "mềm"

Nguồn tin từ báo Đại Đoàn Kết, theo khảo sát tại Hà Nội, với thịt lợn nhập khẩu, mặt hàng sườn cánh buồm giá dao động từ 89.000 - 125.000 đồng/kg tuỳ xuất xứ; chân giò trước nguyên cái 60.000 đồng/kg, chân giò cắt lát 51.000 đồng/kg, thịt xay 64.000 đồng/kg, đùi 93.000 đồng/kg, sườn sụn 84.000 đồng/kg, cốt lết 78.000 đồng/kg, xương ống lợn Ba Lan 33.000 đồng/kg... sườn sụn lợn đông lạnh cũng chỉ bán giá 50.000 đồng/kg, ba chỉ 99.000 đồng/kg, bắp giò nạc 66.000 đồng/kg, nạc xay 65.000 đồng/kg…

Thịt nội đắt mãi, thịt lợn nhập ngoại đắt hàng vì giá mềm - Ảnh 1.

Người tiêu dùng thêm cơ hội lựa chọn khi thịt lợn nhập khẩu bày bán nhiều trong siêu thị

Như vậy, giá thịt lợn nhập cao nhất cũng dưới 100.000 đồng/kg. Tuy nhiên, cá biệt, theo một số nhà nhập khẩu, giá có thể cao nhất lên 125.000 đồng/kg với các thị trường có thuế nhập khẩu cao như Ba Lan (15% thuế nhập khẩu), Canada (9% thuế nhập). Trong khi đó, thịt lợn trong nước được gọi là thịt "nóng" đang bán cao gấp đôi, hoặc gấp 1,5 lần với cùng một sản phẩm.

Chị Nguyễn Ngọc Anh, quận Cầu Giấy cho biết: Với giá rẻ hơn khá nhiều so với thịt lợn nội địa, là hàng nhập khẩu chính hãng có cơ quan chức năng kiểm soát chất lượng nên các mặt hàng thịt lợn ngoại dịp này được gia đình tôi yên tâm mua về ăn. Về chất lượng cũng không khác nhau nhiều so với thịt lợn trong nước, vì ngoài giao hàng tận nhà, người bán hàng còn hướng dẫn cách rã đông hợp lý để thịt giữ được độ tươi ngon nhất. Ngoài ra, người bán còn cung cấp rõ xuất xứ và hạn sử dụng của sản phẩm.

Tuy nhiên, trước các sản phẩm thịt ngoại, cũng không ít người phân vân "nâng lên đặt xuống" do tâm lý quen tiêu dùng thịt "nóng", dù thịt "nóng" thời điểm này vẫn neo ở mức cao với giá dao động từ 160 – 250.000 đồng/kg, ngoài chợ truyền thống có giá thấp hơn khoảng 20%. Chia sẻ về thói quen tiêu dùng, một DN nhập khẩu thịt lợn phân tích: Muốn nhập thịt đông lạnh để bình ổn giá thịt lợn trong nước thì chính người tiêu dùng cần thay đổi thói quen tiêu dùng chứ không phải nhà bán lẻ hay nhà nhập khẩu. Tại sao cũng là người tiêu dùng đó, khi họ đi ăn nhà hàng lại rất dễ dàng chấp nhận trả tiền cho món thịt ba chỉ đông lạnh nướng hay món sườn đông lạnh nướng với giá cao gấp 5 lần giá mua ngoài thị trường. Nhưng khi đi siêu thị, họ lại ngần ngại không muốn mua hàng đông lạnh để sử dụng?

Thịt nội đắt mãi, thịt lợn nhập ngoại đắt hàng vì giá mềm - Ảnh 2.

Thịt lợn tại chợ và siêu thị neo giá cao bất chấp giá lợn hơi xuất chuồng giảm mạnh những ngày gần đây

Lưu ý người dân khi mua hàng nhập khẩu, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM cho rằng: Người dân khi mua bất kỳ sản phẩm nào trên mạng, kể cả hàng nhập khẩu, người tiêu dùng đều phải yêu cầu được xem các giấy chứng nhận, hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ trước khi quyết định mua. "Không phải cứ ăn cá tươi, thịt nóng là đảm bảo, bởi nguy cơ nhiễm vi sinh vẫn có thể xảy ra. Trong khi hàng đông lạnh nếu cấp đông đúng cách sẽ an toàn hơn. Cần có những thay đổi nhận thức để đảm bảo an toàn thực phẩm"- bà Phong Lan nói.

Để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, nhập khẩu thịt lợn đã tăng trên 300%. Thông tin từ Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), từ ngày 28/1 đến nay, Tập đoàn Miratorg (Nga) đã làm thủ tục xuất khẩu hơn 3.465 tấn thịt lợn thông qua 15 DN của Việt Nam. Các lô hàng đã về đến Việt Nam qua các cảng Cát Lái, Phước Long - TP HCM và cảng Hải Phòng vào ngày 18/3, đang cung cấp ra thị trường. Cũng theo Cục Thú y, tính đến ngày 27/3, Việt Nam đã nhập 39.191 tấn thịt lợn, tăng 312% so cùng kỳ năm 2019. Các nguồn chính cung cấp thịt lợn cho Việt Nam là: Canada 25,81%, Đức 20,59%, Ba Lan 13,77%, Brazil 9,68%, Mỹ 7,65%, Nga 2,62%. Trước đó, trong năm 2019, Việt Nam đã nhập 67.131 tấn thịt lợn và sản phẩm chế biến từ thịt lợn, tăng 63% so với năm 2018.

Trong khi thịt lợn nhập về ồ ạt, giá rẻ hơn so với thịt trong nước, nhiều chuyên gia lĩnh vực nông nghiệp tỏ ra quan ngại nếu giá thịt trên thị trường cố thủ ở mức cao, người tiêu dùng sẽ quay lưng. Như vậy dễ dẫn đến nguy cơ mất thị trường ngay trên sân nhà. Nếu không sớm giảm giá thịt lợn thành phẩm thì người tiêu dùng sẽ quay lưng với mặt hàng này. Khi đó, người chăn nuôi, thương lái và tiểu thương sẽ là bên thua thiệt.

 Chị Phùng Thu Giang ở Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng cho biết, khoảng 1 tuần nay, nhà chị bắt đầu chuyển sang ăn thịt lợn nhập khẩu do giá rẻ hơn thịt bán ở chợ và siêu thị rất nhiều.

Theo chị Giang, gia đình chị không quá quan trọng thịt nóng hay thịt đông lạnh vì trước giờ công việc bận rộn, cả tuần chị cũng chỉ đi chợ được đôi lần rồi mua thịt cấp đông, đến bữa bỏ ra ăn dần. Dịp này thịt nhập khẩu rẻ, lại được nhập chính ngạch nên chị yên tâm mua về ăn.

"Giá rẻ hơn thịt lợn nội địa, là hàng nhập khẩu chính hãng có cơ quan chức năng kiểm soát chất lượng nên các mặt hàng thịt lợn ngoại dịp này được người tiêu dùng chuộng mua về ăn", chị Lê Thị Xuân, chủ một cửa hàng bán các loại thịt nhập khẩu tại Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay.

Hơn 3 năm nay, cửa hàng của chị Xuân chỉ bán thịt bò nhập khẩu từ Mỹ, Úc. Nửa tháng nay, chị nhập thêm mặt hàng thịt ba chỉ lợn và sườn lợn về bán kèm.

Thời gian đầu lượng người mua chưa nhiều, nhưng khoảng một tuần trở lại đây, khách mua tăng vọt. Trong đó, mặt hàng sườn cánh buồm được khách đặt mua nhiều nhất vì giá rẻ bằng nửa giá ngoài chợ.

"Sườn này khách có thể mua nguyên tảng (trọng lượng từ 1,4-2 kg/tảng) hoặc mua theo cân tuỳ nhu cầu. Trung bình khoảng 1 tuần nay, mỗi ngày cửa hàng của tôi tiêu thụ hết trên 1 tạ sườn. Còn thịt ba chỉ mới dừng ở mức 40-50 kg/ngày, lượng người mua đang có xu hướng tăng theo từng ngày", chị Xuân tiết lộ.

Một đầu mối chuyên đổ sỉ thịt lợn nhập khẩu ở Hoài Đức (Hà Nội), cũng thừa nhận, do giá rẻ hơn thịt lợn trong nước sản xuất nên mặt hàng thịt lợn nhập khẩu đang được các đầu mối lấy sỉ rất chuộng mua.

Trước kia thịt lợn nhập về đa phần để phục vụ các công ty sản xuất ra các mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn, hay các bếp ăn tập thể ở khu công nghiệp. Từ đầu năm đến nay, thịt lợn ngoại nhập về ồ ạt với số lượng lớn nên ngoài đổ buôn cho các bếp ăn, tụi tôi còn bán sỉ cho các đầu mối nhỏ lẻ khác. Phần lớn các mối lấy buôn thịt lợn bây giờ là về bán lẻ cho khách. Trung bình cứ 2-3 ngày họ nhập một lần với số lượng đầu tạ, các cửa hàng có kho lạnh thì nhập theo đầu tấn. Lấy theo số lượng lớn giá sẽ rẻ hơn.

LÊ NHUẬN (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh