Phố thịt chó Nhật Tân: Một thời "thịnh vượng"
- Văn hóa - Giải trí
- 22:18 - 19/02/2018
Cả làng theo nghề “thịt chó”...
Những năm 80 của thế kỷ trước, con phố thịt chó bất kể ngày thường hay ngày lễ vẫn luôn nhộn nhịp tiếng “hai ba zô”, rồi tiếng cụng ly leng keng, cười nói rôm rả của dân nhậu. Khi nhắc đến Nhật Tân là người ta thường nghĩ ngay đến đào tết. Ấy thế mà khi những quán thịt chó thi nhau mọc lên, lấn át cả nghề trồng đào.
Cả làng thịt chó Nhật Tân ngày ấy giờ chỉ còn lại quán thịt chó Anh Tú Béo
Ngày ấy, ngoài đào tết thì Nhật Tân cũng không có gì nổi bật lắm so với các phố phường Hà Nội, nếu như không có các hàng quán thịt chó. Cả dãy phố Âu Cơ dọc theo con đê Hữu Hồng ngày trước còn là đường đất. Người đầu tiên mở quán thịt chó ở cái làng Nhật Tân phải kể đến ông Khương Văn Bình, Chu Văn Tú, Trần Mục, A Trang, Hồ Kiểm… đây được xem là những quán nức tiếng.
Là người sinh ra và lớn lên trên đất Nhật Tân, hơn ai hết, ông Nguyễn Xuân Trường, Phó chủ tịch phường Nhật Tân nắm khá rõ về lịch sử thăng trầm của “đại bản doanh thịt chó” lúc bấy giờ. Theo ông Trường, ngày ấy dọc tuyến đê Hữu Hồng đang toàn đường đất, ven đê mặt bằng rất rộng. Lúc đầu có một vài quán, nhưng chỉ trong vòng vài năm, thấy quán nào cũng ăn nên làm ra nên nhà nào có đất mặt đê cũng mở theo. Cả dãy có khoảng 50 quán, nhưng nhà nào cũng đông khách nườm nượp ngày đêm.
Bên trong quán thịt chó Anh Tú Béo
Nhiều người không hiểu vì sao mà ngày ấy, thịt chó Nhật Tân lại “thịnh vượng” đến như vậy. Có người cho rằng do gặp thời, do có bí kíp chế biến riêng mà thịt chó ở đây ngon hơn nơi khác. Nhiều người đã từng lý gải điều này, nhưng có lẽ chuyện phố thịt chó phát triển mạnh mẽ, và biến mất một cách khó hiểu đến lạ lùng cũng đủ khiến người ta tò mò về những bước thăng trầm ở các làng này.
Tuy nhiên, đó chỉ là câu chuyện của hơn chục năm về trước, còn bây giờ, cái tên phố thịt chó Nhật Tân đã dần trở thành dĩ vãng với nhiều người Hà Nội. Với sự biến mất nhanh chóng của một con phố bán thịt chó sầm uất bậc nhất thủ đô, đã có không ít thông tin trái chiều, nhiều lời đồn đại về sự suy tàn nhanh chóng này.
Giờ đây, vào những ngày cuối tháng, nhưng quán thịt chó Anh Tú Béo vẫn vắng khách
Ông Thành, một người dân ở đây kể lại, hồi đó làng Nhật Tân mỗi ngày tiêu thụ hàng tấn thịt chó. Từ sáng cho tới tận đêm khuya không khi nào là không nghe tiếng kêu, rít của những chú chó bị giết thịt. Có cả trăm con chó bị giết mỗi ngày. Thường người ta làm tại chỗ nên những con chó chứng kiến đồng loại bị giết thì cứ đêm đêm, chúng lại kêu lên rất thảm thiết như ai oán. Không biết thực hư thế nào, thế nhưng một ngày người ta giật mình không hiểu vì sao làng thịt chó Nhật Tân lại biến mất một cách khó hiểu. Nhiều lời đồn là do bị “báo ứng” vì sát sinh loài vật thân thiết với con người. Dần dần, các chủ quán thịt chó ở đây không ai dám tự tay giết chó nữa, mà sai nhân viên làm, còn về sau này thì họ đi mua chó làm sẵn chứ không dám ‘sát sinh”. Sau này nhà nào làm ăn khá giả, có đủ vốn, là họ đóng cửa quán đi làm nghề khác.
Ngay cả ông Trường, Phó Chủ tịch phường Nhật Tân cũng thừa nhận, việc những lời đồn thổi về việc những gia đình làm nghề thịt chó trước đây gặp tai ương là có thật. Đó là chuyện năm 2000, con trai của một chủ quán thị chó nức tiếng lúc đó là anh N.V.B trong quá trình giết mổ đã bị chó cắn. Việc bị chó cắn ở làng mổ chó này như cơm bữa, thế nên anh này cũng vì thế mà chủ quan không đi tiêm phòng. Thế nhưng không may con chó đó lại là chó dại. Không lâu sau đó, anh này lên cơn co giật, sùi bọt mép. Mặc dù gia đình đưa sang tận Singapore để chữa trị vẫn không qua khỏi. Thời gian không lâu sau đó, vợ chủ quán này đột nhiên bị tai biến, nằm liệt giường.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Chủ tịch phường Nhật Tân tin rằng những lời đồn, rồi chuyện những người làm nghề sát sinh chó gặp tai ương là có thật
Nhiều người không mê tín, nhưng chuyện đóng cửa quán, bỏ nghề cũng có phần lớn là vì nỗi sợ hãi vô hình này. Ngay cả những quán đang ăn nên làm ra lúc bấy giờ như quán chó Trần Mục nổi tiếng nhất Hà Nội, vẫn quyết định đóng cửa cách đây đã 4 năm. Những gia đình khác hầu như trong cuộc sống đều gặp nhựng chuyện chẳng lành, không về bệnh tật thì dính đến pháp luật. Bên cạnh đó, một nguyên nhân khiến làng thịt chó Nhật Tân biến mất là do sau này, từ khi đê Hữu Hồng được mở rộng, đổ bê tông thì những quán thịt chó phải lùi sâu vào bên trong nhường đường cho giao thông qua lại, cũng từ đó mà vắng khách hẳn - Ông Trường cho hay.
... Rồi theo nhau bỏ nghề
Chia sẽ với chúng tôi, bà Minh, chủ nhà hàng thịt chó Anh Tú Béo, một trong những nhà hàng nổi tiếng ở Nhật Tân trước đây còn lại duy nhất đến tận bây giờ cho hay, một nguyên nhân khác khiến cho công việc kinh doanh của phố thịt chó Nhật Tân trở nên sa sút là vì vào thời điểm cơn sốt đất ở Hà Nội những năm 2008 lên cao, nhiều gia đình đã bỏ quán bán đất, có tiền rồi chẳng ai muốn theo nghề nữa, thương hiệu thịt chó Nhật Tân cũng vì thế mà phai mờ dần rồi mất hẳn, gia đình tôi không bán đất nên mới tiếp tục kinh doanh đến giờ.
Còn những thông tin về việc làm nghề này sẽ có báo ứng, bà Minh cho rằng, nó chỉ là những tin đồn thổi thêu dệt. Đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên khi nhiều gia đình gặp vận đen đủi khiến họ không còn mặn mà với nghề này nữa. Công việc này cũng chỉ vì mưu sinh thường ngày, mình làm ăn đàng hoàng chân chính, không trộm cắp thì chẳng có gì phải sợ. Cũng theo lời bà chủ quán Anh Tú Béo, thì sở dĩ gia đình bà vẫn duy trì quán đến bây giờ vì quen với nghề, giờ chuyển sang nghề khác cũng khó.
Giờ đây, đi quanh làng, thay vào những căn nhà cấp 4 cũ kỹ, những quán thịt chó lợp bằng lá cọ trải dài mặt đê là những ngôi nhà tầng san sát mọc lên. Âu đây cũng là quy luật phát triển tự nhiên. Nhưng dấu tích “kinh đô thịt chó Nhật Tân” lụi tàn rồi biến mất từ lúc nào đến bây giờ nhiều người rất lấy làm lạ kỳ. Không phải vì thua lỗ mà ngược lại nhà nào cũng giàu có vì cái nghề này. Thế nhưng điều khiến chúng tôi bất ngờ, đó là sau khi bỏ nghề, những “ông chủ, bà chủ” quán thịt chó nổi tiếng ngày nào, mỗi ngày thu lãi hàng chục triệu của hơn chục năm về trước thì giờ đây không ai trở thành đại gia của làng. Thậm chí theo lời ông Phó Chủ tịch phường này thì có người còn nghèo khó hơn.
Làng Nhật Tân có vài quán thịt chó Việt Trì do người dân từ nơi khác đến mở, nhưng việc kinh doanh cũng rất ế ẩm.
“Làng thịt chó Nhật Tân” dần mất hẳn đi kèm với những câu chuyện gặp tai ương vì con chó báo oán, khiến cả làng “bỏ của chạy lấy người” nghe đến lạnh gáy. Cho dù tin hay không thì nhiều người vẫn cho đó là một phần tâm linh, là “thiện – tai” của cuộc sống. Bên cạnh đó thì thực tế rằng, không có cái gì là mãi mãi bởi quy luật cạnh tranh thị trường, khi không phát triển được ắt hẳn sẽ lụi tàn và ngược lại.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?
Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Tin nên đọc