THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:22

Thiếu trường mầm non tại các KCN: Công nhân lo lắng chỗ học cho con

 

Thấp thỏm lo âu

Dù được làm việc tại khu công nghiệp (KCN) có quy mô lớn và hiện đại nhất Hà Nội, nhưng cuộc sống của những công nhân KCN Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) vẫn còn rất nhiều vất vả. Lương thấp, chỗ ở phải đi thuê, thiếu thốn tiện nghi sinh hoạt, an ninh trật tự không bảo đảm. Nhưng khổ nhất vẫn là việc không biết gửi con ở đâu để yên tâm đi làm. Muốn gửi con vào trường công lập nhưng không được nhận vì không có hộ khẩu, gửi ở những cở sở tư thục thì không yên tâm.

Anh Lê Văn Tiến và chị Đỗ Thị Mai công nhân trong KCN Bắc Thăng Long thuê trọ tại thôn Bầu, xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) cưới nhau 4 năm, hai vợ chồng mới sinh được một bé trai nên anh chị “nâng như nâng trứng”. Khi cậu con trai được 18 tháng, dù rất thương con nhưng anh, chị vẫn phải gửi con để đi làm. Tìm và nhờ các kiểu, nhưng chẳng có cách nào đưa con vào gửi được ở trường mầm non công lập, chị Mai phải gửi con vào một cơ sở trông trẻ tư thục.  Được vài hôm, đêm về thấy con quấy khóc bất thường và hay giật mình. Lo ngại chỗ đang gửi không an toàn, chị đã về Thái Nguyên đón mẹ đẻ ra trông giúp.

 

 

Cách dãy nhà chị thuê trọ là một khu gần 20 phòng tiếp nối nhau cũng có ba em nhỏ không được đến trường. Bà Hồ Thị Hà, quê ở Đô Lương (Nghệ An) ra trông cháu cho con đi làm công nhân, bộc bạch: "Tôi bảo vợ chồng nó gửi con về lúc cháu 16 tháng. Được một tháng, nó bảo nhớ không chịu được. Với lại con vẫn còn bú, thiếu mẹ tội nghiệp. Thế là tôi phải theo ra đây trông cháu. Chúng nó tìm mãi chỗ trông con rồi nhưng để tìm được nơi tin tưởng thì hiếm quá".

Cùng nỗi niềm, chị Nguyễn Thị Huyền (công nhân Cty Panasonic), nói: "Con tôi đang học tại một trường mầm non tư thục ở thôn Bầu học phí là 1,2 triệu đồng/tháng cộng với tiền ăn là gần 2 triệu. Thời gian qua báo, đài có nêu những vụ bạo hành trẻ ở các cơ sở mầm non tư thục khiến vợ chồng tôi rất lo lắng cho sự an toàn của con. Nhưng vì điều kiện, hoàn cảnh không có cách nào khác, con còn nhỏ không thể gửi về quê cho ông bà được”.

Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đông Anh (Hà Nội) Đinh Thị Hương cho biết: KCN Bắc Thăng Long hiện có khoảng 3.847 trẻ, số trẻ đang được đi học là 1.782 trẻ, trong đó hơn hai phần ba số trẻ học ở các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Nguyên nhân là KCN chưa có trường mầm non riêng cho con công nhân, hệ thống trường công lập trên địa bàn lại không đáp ứng được yêu cầu do số lượng trẻ là con công nhân tăng cao.

Thiếu nguồn lực, quỹ đất

Theo số liệu thống kê, hiện nay có khoảng hơn hai triệu công nhân làm việc trong các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) trong đó 60 đến 70% là lao động nữ. Với các lao động nhập cư, điều lo lắng nhất chính là tìm nơi để gửi con em mình, nhất là trẻ ở độ tuổi nhà trẻ, mầm non. Trong khi số lượng trường mầm non công lập đã hiếm và chủ yếu đáp ứng nhu cầu cho người dân địa phương thì hệ thống trường mầm non ngoài công lập lại rất mỏng. Số liệu từ Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD-ĐT) cho biết, tính đến nay, cả nước có 1.736 trường mầm non ngoài công lập và hơn 16 nghìn nhóm trẻ mầm non tư thục. Ít vậy nhưng còn phân bổ lệch khi mà chỉ có hơn 110 trường ngoài công lập tại khu vực có các KCN, chiếm khoảng 7,5%.

 

 

Để tháo gỡ khó khăn cho tình trạng trên, ngày 20/3/2014 Chính phủ đã ban hành Quyết định 404/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở KCN, KCX đến năm 2020” (Đề án 404). Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện. Mục tiêu đặt ra rất nhân văn, đến năm 2020, 80% cán bộ, giáo viên, bảo mẫu của các nhóm trẻ tư thục thuộc Đề án sẽ được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ; 70% trẻ dưới 36 tháng tuổi được gửi tại các nhóm trẻ được quản lý và bảo đảm chất lượng; 500 nhóm trẻ độc lập tư thục được hỗ trợ kiện toàn, xây dựng và phát triển…

Tuy nhiên, khi thực thi lại gặp nhiều khó khăn. Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng Ban Gia đình xã hội (Hội LHPN Việt Nam) cho biết, theo khảo sát của Hội LHPN Việt Nam chỉ có 20% số trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, mầm non được gửi an toàn, còn 80% các em phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Vì nguồn lực có hạn nên Hội dự kiến mỗi tỉnh sẽ thực hiện triển khai thành công cho 5 nhóm/năm. Nhiều địa phương khi triển khai Đề án 404 còn gặp phải khó khăn về quỹ đất do sự thiếu thống nhất trong hệ thống văn bản liên quan đến đất đai trong KCN, KCX. Ngoài ra, nguồn giáo viên cũng rất khan hiếm.

Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Giáo dục Mầm non (Bộ GD-ĐT) chia sẻ: Vướng mắc nhất trong thực hiện Đề án 404 của Chính phủ về “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến 2020”, chính là sự thiếu hụt về quỹ đất và kinh phí triển khai. Để giải quyết tình trạng này, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ  kiến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc sửa đổi các quy định hiện hành về quy hoạch KCN, KCX để có được quỹ đất hợp lý cho các nhà trẻ, trường mầm non. Đồng thời, kiến nghị đưa các em thuộc khu vực này vào nhóm trẻ em thiệt thòi. 

Việc xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo cho con công nhân lao động đang là nhu cầu thật sự bức thiết. Có nhà trẻ, mẫu giáo an toàn cho các con không chỉ đem đến sự yên tâm cho người lao động, cho sự phát triển của doanh nghiệp, mà còn góp phần bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực tương lai của đất nước. Để giải quyết vấn đề này, không thể chỉ trông chờ vào Nhà nước mà cần sự chung tay của các doanh nghiệp và xã hội. 

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh