Thiếu lao động nước ngoài là quản lý, chuyên gia
- Bài thuốc hay
- 03:30 - 29/04/2021
Nhu cầu quay trở lại Việt Nam làm việc của lao động nước ngoài tăng
Theo thống kê mới nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến đầu tháng 4/2021, có 101.550 lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, trong đó lao động giữ vị trí quản lý chiếm gần 12%, giám đốc điều hành hơn 8% và đông nhất là chuyên gia với 58%...
Lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam đến từ 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó phần lớn từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)…
Trong số hơn 100.000 lao động nước ngoài ở Việt Nam, số lao động thuộc diện được cấp phép lao động mới hoặc cấp lại chiếm tới hơn 93%.
Lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn hoặc các địa phương có dự án lớn với nhiều nhà thầu nước ngoài thi công như: Hà Nội hơn 4.400 người, Bắc Giang hơn 4.600 người, Long An hơn 5.600 người, Thành phố Hồ Chí Minh hơn 27.000 người…
Khảo sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình lao động nước ngoài có nhu cầu trở lại làm việc trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19 cho thấy hầu hết lao động mà các doanh nghiệp đang thiếu hụt là vị trí quản lý, chuyên gia dự án ở các công trình trọng điểm.
Tình trạng này nếu tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ, thời gian hoàn thành các hạng mục công trình, dự án trọng điểm, cấp thiết. Bên cạnh đó, việc thiếu hụt các vị trí trên sẽ dẫn đến chuyện bị ngưng việc, giãn việc ở một số vị trí khác trong doanh nghiệp, tác động tới nhiều ngành và lĩnh vực ở những công trình, dự án liên quan.
Thống kê của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cũng cho thấy, trong năm 2020, tổng số nhu cầu của các địa phương và cơ quan đại diện ngoại giao các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… đề nghị ưu tiên cho lao động nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam là hơn 20.000 lao động.
Các đề nghị cấp phép cho lao động nước ngoài nhằm phục vụ nhiều công trình trọng điểm quốc gia, dự án áp dụng công nghệ mới của nhiều tập đoàn đa quốc gia…
Trong bối cảnh đó, các cơ quan chức năng trong nước đã có nhiều nỗ lực nhằm thực hiện tốt "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Dự báo trong thời gian tới, nhu cầu quay trở lại Việt Nam làm việc của lao động nước ngoài sẽ tăng và chủ yếu là nhóm lao động kỹ thuật cao, chuyên gia có kinh nghiệm quản lý và đã được cấp phép lao động hoặc đủ điều kiện để cấp giấy phép.
5 điều kiện để người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam
Điều kiện để người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam được quy định tại Điều 151 Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:
Đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
Có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, kinh nghiệm làm việc; có đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
Không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc pháp luật Việt Nam;
Có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ các trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động quy định tại Điều 154 Bộ luật Lao động 2019 và Điều 7 Nghị định 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020.
Về điều kiện tuyển dụng, sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì Điều 152 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà thầu chỉ được tuyển dụng người lao động nước ngoài vào làm vị trí công việc quản lý, điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân trước khi tuyển dụng người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam phải giải trình nhu cầu sử dụng lao động và được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Nhà thầu trước khi tuyển và sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải kê khai cụ thể các vị trí công việc, trình độ chuyên môn, kỹ thuật, kinh nghiệm làm việc, thời gian làm việc cần sử dụng lao động nước ngoài để thực hiện gói thầu và được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.