THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 01:23

Lao động ngành may: Còn thiếu kỹ năng và tính chuyên nghiệp

Có chưa đến một nửa thí sinh đạt trình độ kỹ năng bậc 2/5

Kỳ thi đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia về may công nghiệp tổ chức tại Đà Nẵng đã quy tụ nhiều thí sinh là các cựu sinh viên, thợ may tại các cơ sở đào tạo nghề, các doanh nghiệp không chỉ trên địa bàn Đà Nẵng mà còn ở nhiều các tỉnh lân cận.

Tại kỳ thi, các thí sinh đã được thử thách tay nghề bằng việc phải trải qua 2 phần thi bao gồm cả lý thuyết và thực hành.

Đối với phần lý thuyết, các thí sinh sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm trên máy tính, còn phần thực hành, mỗi thí sinh phải tự mình thực hiện cắt may hoàn chỉnh một chiếc áo và chi tiết túi của một chiếc quần short.

Lần đâu tiên tham gia một kỳ thi đánh giá kỹ năng nghề, Lương Thị Xuân Yến, cựu sinh viên tốt nghiệp ngành may thời trang tại Trường cao đẳng nghề Đà Nẵng, quê Quảng Nam chia sẻ “Mình yêu thích nghề may từ nhỏ, sau khi ra trường mình về quê làm việc theo đúng chuyên ngành đã học với tất cả niềm đam mê. Thế nhưng, thực sự chỉ qua cuộc thử thách này, mình mới nhận ra đối với nghề may như mình nếu chỉ lành nghề thôi thì đúng là chưa đủ”   

 Chỉ có 13/35 thí sinh tham dự kỳ thi đạt trình độ kỹ năng bậc 2/5 nghề may công nghiệp, một kết quả được cho là khá thấp. Đáng nói, trong số những thí sinh không đạt trình độ kỹ năng nghề bậc 2/5 nghề may công nghiệp, có không ít em đã có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại các doanh nghiệp.

Lý giải về điều này, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Trưởng khoa May & Thiết kế thời trang Trường cao đẳng Nghề Đà Nẵng, thành viên ban giám khảo cho rằng: “Với đặc thù may công nghiệp, nhiều khi các em tuy làm việc lâu năm, có nhiều kinh nghiệm thực tế nhưng là kinh nghiệm về một khâu nào đó chứ không trực tiếp sản xuất tất cả các chi tiết của một chiếc áo hay quần, nên khi dự thi không thể hoàn thành tốt bài kiểm của mình”.

 Bên cạnh yếu tố về tay nghề, áp lực về thời gian cũng khiến nhiều thí sinh có kết quả không như mong đợi. Nguyễn Thị Trang, Đà Nẵng là một thí sinh như vậy. “Làm ở công ty, em chỉ chuyên phụ trách một công đoạn nhưng  ở đây bài thi đòi hỏi phải hoàn thành cả một sản phẩm hoàn chỉnh. Mặc dù em có thể làm hết được nhưng do áp lực thời gian khiến em hơi lúng túng nên chưa hoàn thành được phần thi.” Trang giãi bày. 

Tính chuyến nghiệp đi đôi với hiệu quả công việc

Tính chuyên nghiệp đi đôi với hiệu quả công việc

          Một thực tế, có không ít doanh nghiệp tuyển dụng lao động về vẫn chấp nhận đào tạo lại mới đưa vào sản xuất, một phần vì lao động được tuyển dụng tay nghề quá yếu, phần vì doanh nghiệp ưu tiên tuyển lao động phổ thông vì đằng nào cũng phải đào tạo lại, dẫn đến có khá nhiều công nhân dù làm việc lâu năm những chưa được đào tạo bài bản.

Theo ông Cao Quang Đại, Vụ trưởng vụ Kỹ năng nghề,(Tổng cục Dạy nghề) thì hiện nay hầu hết các công nhân đều thiếu kỹ năng và tính chuyên nghiệp trong nghề mình đang làm. Vì thiếu chuyên nghiệp nên họ sẽ dễ gặp khó khăn và ít có cơ hội hơn, nhất là trong vấn đề tìm kiếm việc làm mới.

Ông Đại cũng cho rằng “Khi đã có sự chuyên nghiệp thì người công nhân bất kể được chuyển sang đơn vị nào cũng có thể làm và bắt kịp công việc nhanh chóng. Do vậy, kỳ thi đánh giá kỹ năng nghề quốc gia lần này tại Đà Nẵng, phần nào giúp người lao động có thể xem lại mình thiếu những gì, cần bổ sung gì để hoàn thiện hơn tay nghề của mình.”

Thiếu chuyên nghiệp cũng đồng nghĩa với hiệu quả của công việc thấp, năng suất lao động giảm, thu nhập của người công nhân vì thế cũng bị kéo xuống. Bởi hiện nay, đa số các doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc thì hiệu quả công việc luôn đi đôi với chế độ đãi ngộ.

Được biết, hiện nhiều doanh nghiệp ở Đà Nẵng luôn có một bộ phận kỹ thuật đánh giá tay nghề. Trong đó, hầu hết những lao động đã qua đào tạo bài bản đều có mức lương cao hơn và mức lương này cũng được điều chỉnh cho phù hợp hơn thông qua các kỳ thi nâng bậc tay nghề.

 


Bùi Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh