CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:25

Thiếu hiểu biết pháp luật, nhiều phụ nữ mất quyền đứng tên sổ đỏ

 

Khảo sát 864 cặp vợ chồng ở hai tỉnh Long An và Hưng Yên do Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) thực hiện năm 2014 cho thấy, chỉ 1% các mảnh đất được đăng ký với tên cả hai vợ chồng ở Long An. Hơn 70% được đăng ký dưới tên người nam giới, hoặc một mình hoặc với những người nam giới khác trong gia đình. Từ 22-26% các mảnh đất được đăng ký dưới tên phụ nữ, hoặc một mình hoặc với những người phụ nữ khác trong gia đình. Ở Hưng Yên, tỷ lệ này là 35 - 53% và 9%.

Bà Phạm Thị Minh Hằng, Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED) cho biết, ở Việt Nam, sau khi ly hôn, người phụ nữ rơi vào tình cảnh trắng tay khá phổ biến. Với những tài sản lớn như đất đai, nhà cửa, người phụ nữ thường không có tên trong các giấy tờ sở hữu. Do văn hóa truyền thống, sau khi lập gia đình, người phụ nữ thường ở và sinh hoạt chung với gia đình chồng nên người đứng tên trong giấy tờ đất đai vẫn là bố mẹ chồng. Trong trường hợp ở riêng, cặp vợ chồng trẻ thường ở mảnh đất do gia đình chồng chia cho. Gia đình người phụ nữ cũng ít khi chia tài sản đất đai cho con gái với suy nghĩ “con gái là con người ta”. Bản thân phụ nữ cũng thường nhường lại quyền sở hữu tài sản, đất đai cho anh em trai của mình vì cho rằng họ mới là người phụng dưỡng bố mẹ khi về già. Do vậy, thực tế đa số họ hầu như không nắm quyền sở hữu đất đai, đến khi xảy ra ly hôn thì nhiều phụ nữ rơi vào cảnh không chốn nương thân.

 

 

Nhằm thúc đẩy nhận thức về quyền tiếp cận đất đai cho phụ nữ Việt Nam, từ tháng 10/2014 đến tháng 11/2016, Dự án “Tăng cường Tiếp cận Đất đai cho Phụ nữ” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ và được triển khai bởi Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu về Phụ nữ (ICRW) và Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) đã thực hiện trên địa bàn các xã Long Sơn, Tân Ân (huyện Cần Đước, tỉnh Long An) và xã Nhân Hòa, Dương Quang (huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên).

Sau gian thực hiện dự án, trên 2.800 người được tình nguyện viên hỗ trợ, tư vấn thông tin pháp luật, trong đó hơn 1.300 ca thành công. Ngoài ra, các tổ chức ở địa phương được nâng cao năng lực về sử dụng thông tin và vận động bình đẳng giới trong thực thi pháp luật, tình nguyện viên được bồi dưỡng kỹ năng truyền thông, tổ chức hoạt động tuyên truyền, nâng cao kiến thức pháp luật.

Tại Hội nghị tổng kết dự án “Tăng cường tiếp cận đất đai cho phụ nữ Việt Nam” TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng ISDS nhận định, các cụ vẫn có câu “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, việc tăng cường tiếp cận đất đai cho phụ nữ không chỉ để “phòng thân” mà ngay khi gia đình ấm êm thì việc phụ nữ không đứng tên trong sổ đỏ nhà ở, đất đai thì bản thân họ cũng không có quyền quyết định trong việc xây hay mua nhà, cho thuê đất hay đi thuê đất”...

Chị T.L.N ở Long An chia sẻ: “Sau khi tham gia Dự án, em đã biết mình có quyền sở hữu tài sản ngang với chồng. Như sổ đỏ thửa đất vợ chồng mua sau khi cưới thì phải đăng ký cả tên chồng, tên vợ. Vì vậy, em bảo chồng sửa lại đăng ký. Hồi đầu, chồng em phản đối dữ lắm vì nghĩ không cần thiết. Nhưng em rất quyết tâm, sau đó anh ấy cũng chịu”.

"Việc phụ nữ và nam giới Việt Nam thiếu nhận thức về các quy định pháp luật liên quan đến quyền sở hữu cũng như thiếu các nguồn lực để thực thi quyền sở hữu của phụ nữ ở cấp tỉnh thường cản trở tiếp cận quyền sử dụng đất. Dự án này giúp Việt Nam nhận ra khoảng cách giữa luật pháp và việc thực thi, đồng thời thúc đẩy tiếp cận của phụ nữ đối với đất đai và các cơ hội kinh tế đi kèm", Giám đốc Phái đoàn USAID Việt Nam Joakim Parker cho biết.

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh