THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 01:17

Thiết kế sách đỏ và những cơ chế phù hợp giúp phụ nữ yếu thế

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời phỏng vấn báo chí

Theo Bộ trưởng, đến thời điểm này, Diễn đàn phụ nữ và kinh tế trong APEC Việt Nam 2017 đã thành công tốt đẹp. Sau thời gian làm việc, Diễn đàn đã đạt được 3 kết quả: trước hết là Hội nghị Đối tác chính sách phụ nữ và kinh tế APEC lần thứ 2 (PPWE2) đã thành công, đưa ra những nội dung rất quan trọng. Chúng ta cũng đã thực hiện thành công Đối thoại công – tư về Phụ nữ và Kinh tế APEC. Đặc biệt là đã kết thúc thắng lợi Hội nghị cấp cao về Phụ nữ và Kinh tế.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết thêm, bên cạnh 3 sự kiện chính, chúng ta cũng đã tổ chức 7 sự kiện bên lề, đồng thời có hàng chục hoạt động trao đổi song phương liên quan đến chủ đề của diễn đàn.

Đánh giá tổng thể về Diễn đàn Đối thoại Chính sách Cấp cao về Phụ nữ và Kinh tế APEC 2017, Bộ trưởng Bộ LĐ – TB&XH cho rằng, Diễn đàn đã đạt được  3 cái thành công lớn:

Thứ nhất Hội nghị PPWE2 đã thu hút được sự quan tâm rất là rộng, sâu sắc của lực lượng diễn giả, nhiều vị quan chức cấp cao của thế giới, trong đó có bà Lakshmi Puri, Phó Tổng Giám đốc Điều hành UN Women toàn cầu, bà Victori Kwakwa, Phó Chủ tịch phụ trách Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Ngân Hàng thế giới (The World Bank), cùng các Bộ trưởng/Trưởng đoàn các nền kinh tế thành viên APEC và hơn 700 đại biểu trong đó có hơn 100 nhà đầu tư, các sáng kiến của 21 nền kinh tế. Diễn đàn diễn ra sôi động và tạo sự hứng khởi với các nền kinh tế xung quanh chủ đề chúng ta đưa ra.

Thứ hai, nước chủ nhà Việt Nam đã đưa ra được tuyên bố chung của Diễn đàn với 3 nội dung cơ bản, đó là: Thúc đẩy bình đẳng giới vì tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm;  Nâng cao tính cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ; Thu hẹp khoảng cách giới trong phát triển nguồn nhân lực.

Và thứ ba là Việt Nam đã thực hiện thành công vai trò cầu nối, trọng trách chủ nhà rất tốt; đã tạo ra được sự quan tâm thực sự cho Diễn đàn với các Bộ trưởng các nền kinh tế. Chúng ta đã đưa ra được các quyết sách mà lớn nhất ở đây chính là Tuyên bố chung để trình lên Hội nghị Thượng đỉnh các nền kinh tế APEC sẽ diễn ra vào tháng 11 năm nay tại Đà Nẵng.

Về Hội nghị Bộ trưởng diễn ra sáng 29/9, theo Bộ trưởng, các đại biểu tham dự đã đưa ra rất nhiều sáng kiến và chúng ta cũng được nghe nhiều kinh nghiệm từ các nước. Trên thực tiễn Việt Nam cũng đã lựa chọn nhiều phương án khác nhau.

Hội nghị Cấp cao đã quyết định lựa chọn chủ đề và chủ đề này sẽ xuyên suốt trong quá trình các vấn đề về phụ nữ với APEC. Đó chính là vấn đề lồng ghép giới trong hoạch định chính sách, xây dựng chính sách, tổ chức thực thi các chính sách. “Đặc biệt là trao quyền năng nhiều hơn cho phụ nữ để phụ nữ không chỉ làm chủ mà họ còn vươn lên đảm nhận vai trò dẫn dắt nhiều hơn trong vai trò là các doanh nhân, trong lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa trong thời gian tới”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Tuy nhiên bên cạnh sự tiến bộ chung về bình đẳng giới và phụ nữ với vấn đề kinh tế, Bộ trưởng cũng cho rằng chúng ta phải thừa nhận vấn đề bình đẳng giới, phụ nữ ở Việt Nam đã và đang chịu rất nhiều sức ép. Khoảng cách giữa sự tiến bộ với tuổi thọ ngày càng rõ rệt hơn.

“Chính vì vậy, khi thiết kế, xây dựng chính sách, tổ chức thực thi chính sách thì việc lồng ghép giới cũng như trao quyền năng cho phụ nữ phải căn cứ vào thực tế từng nhóm đối tượng khác nhau. Mà khi xây dựng chính sách cũng phải phân loại đối với nhóm phụ nữ vượt trội thì phải có chính sách vượt trội, đối với những nhóm phụ nữ yếu thế như: phụ nữ dân tộc, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn,…chúng ta phải thiết kế sách đỏ và có những cơ chế, điều kiện, sự hỗ trợ để cho họ không những chỉ đảm nhận được vai trò mà còn vươn lên và bớt đi khoảng cách thiệt thòi, cũng như có điều kiện để hội nhập vào các hoạt động chung của xã hội”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh