THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:56

Hỗ trợ đồng bào Chăm xóa nghèo từ nghề dệt lụa, thổ cẩm

 

Tân Châu là điểm đầu nguồn của sông Tiền khi chảy vào Việt Nam, có đường biên giới dài 6,33 km, tiếp giáp với tỉnh Candan của Cămpuchia, có cửa khẩu quốc tế đường sông Vĩnh Xương, người dân hai bên vùng biên nơi đây đã có truyền thống giao lưu buôn bán với nhau từ lâu đời. Đó cũng là một trong những ưu thế về phát triển kinh tế thương mại của thị xã Tân Châu, đang được chính quyền địa phương đầu tư khai thác, phát triển với nhiều chính sách, dự án thiết thực.Trong đó có chính sách ưu đãi đặc biệt là hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài vào khu thương mại công nghiệp Tân Châu được miễn thuế nhập khẩu; các hàng hóa xuất khẩu được miễn thuế xuất khẩu, không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt…

 Chợ Tân Châu được xây dựng khang trang là trung buôn bán sỉ và lẻ nhiều mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu, xuất khẩu và miễn thuế tiêu thụ đặc biệt

Chính vì thế Tân Châu được đánh giá có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế không chỉ riêng An Giang mà còn cho cả khu vực ĐBSCL. Những năm qua bên cạnh nguồn vốn từ trung ương, các Chương trình 134, 135 thì tỉnh đã chi nguồn ngân sách địa phương, để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng: Đường giao thông, trường học, cơ sở dạy nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.

Du khách nước ngoài đến thị xã Tân Châu ngày một đông và họ rất yêu thích sản phẩm lụa tơ tằm, gấm mỹ a, thổ cẩm của đồng bào Chăm nơi đây.

Bằng nhiều hình thức gắn kết tiềm năng sẵn có với phát triển du lịch trong vùng đồng bào tại các xóm Chăm xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, cái nôi của làng dệt thổ cẩm nổi tiếng, đã duy trì “Trung tâm thông tin du lịch cộng đồng”, tạo điều kiện để giới thiệu và giải quyết đầu ra cho sản phẩm, góp phần duy trì hoạt động phát triển tiềm năng của làng nghề dệt thổ cẩm nổi tiếng, qua đó tạo việc làm, tăng thu nhập mang tính ổn định bền vững cho người lao động.

  Sản phẩm và thương hiệu lụa tơ tằm, gấm mỹ a, thổ cẩm Tân Châu của đồng bào Chăm vẫn luôn giữ được bản sắc truyền thống dân tộc vì  vẫn chủ yếu là thao tác thủ công tỷ mẩn từng công đoạn sản xuất

Đồng thời tỉnh còn triển khai Đề án “Phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp”, trong đó phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ cải tiến kỹ thuật cho các khung dệt để đảm bảo thao tác nhanh, tăng năng  suất lên gấp 3 lần so với trước đây, mà vẫn giữ được bản sắc độc đáo truyền thống của thổ cẩm Chăm. Đề án đã đầu tư được 100 máy thêu và khung dệt, góp phần làm phong phú thêm sản phẩm trang phục Hồi Giáo, áo thêu, đồ cúng Bakana, khăn rua Mattơra, khăn thuôl…có họa tiết, hoa văn độc đáo, được khách hàng ưa chuộng, đưa sản phẩm sang vùng Trung Đông, Pháp, Mỹ…Điểm nổi bật của các dòng sản phẩm làn ra hết sức sắc sảo, bóng, màu sắc đẹp tự nhiên vì đều được nhuộm từ màu của mủ cây, vỏ cây, trái cây khiến du khách nước ngoài rất ưa thích.

Hầu hết những người phụ nữ Chăm ở Tân Châu khi đến tuổi trưởng thành đều biết ươm tơ, dệt lụa và dệt thổ cẩm một cách thuần thục

Trải qua bao thăng trầm, ngày nay làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm Chăm ở Tân Châu, đã trở thành Hợp tác xã (HTX) Dệt thêu Châu Giang, với hơn 70 lao động có việc làm và thu nhập ổn định.

Hiện nay tất cả các công đoạn dệt lụa, gấm mỹ a, thổ cẩm đều vẫn được làm bằng thủ công, nhưng các khung dệt đã được cải tiến, đảm bảo thao tác nhanh hơn, năng suất tăng gấp 3 lần và vẫn đảm bảo chất lượng truyền thống

Từ năm 2007, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho thương hiệu “thổ cẩm Chăm An Giang”, tạo điều kiện cho sản phẩm của HTX phát triển, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế. Song song với các chính sách, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế, thì những chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế, văn hóa xã hội cũng được quan tâm và triển khai đồng bộ.

Công đoạn nhuộm màu và phơi lụa cũng là một trong những công đoạn rất quan trọng, có tính quyết định đến độ bền của màu sắc và độ bóng của tấm lụa

Hiện nay tỉnh đã áp dụng chính sách miễn học phí cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi và trợ cấp 1 lần với số tiền 140.000đ/tháng/học sinh. Các trường có học sinh dân tộc Chăm theo học còn đưa vào chương trình giảng dạy tiếng Chăm, để các em không quên tiếng mẹ đẻ. An Giang đã xây dựng trường nội trú dân tộc Chăm, Khmer tại 2 thị xã Tân Châu, Châu Đốc, với tổng kinh phí đầu tư hàng trăm tỷ đồng từ nguồn trung ương cùng ngân sách tỉnh, tạo điều kiện để cho con em đồng bào Chăm, Khmer đến trường học tập, góp phần đào tạo nguồn nhân lực ở địa phương và khu vực ĐBSCL..

Lương Định/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh