CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:10

Thi vị cánh diều

Diều cho cuộc sống thi vị, cho bàn tay lao động hăng say

Theo câu thơ "Lòng quê gửi tiếng sáo diều/ Ai ơi, hãy đợi những chiều gió lên", tôi tìm về làng Yên Ngô, xã An Bình (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh), một vùng quê thanh bình, yên ả với thú chơi xuân độc đáo thả diều. Ông Nguyễn Hữu An hồi tưởng ngày thành lập câu lạc bộ (CLB) Diều sáo An Bình: "Thú chơi diều đã có từ lâu đời. Nhưng ngày thành lập CLB là 30/4/1975. Đó là ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong niềm vui chung, những người con của An Bình muốn tạo thêm một thú chơi giản dị nơi quê hương. Khi đó chỉ có 12 người tham gia, nhưng đến giờ khá đông đảo".

Ông An cho biết thêm, đến nay hội viên của CLB Diều sáo An Bình đã lên đến hơn 40 người. Trẻ tuổi nhất là 18 và cao tuổi cũng đã 88. Người đi trước gìn giữ và truyền lại cho thế hệ trẻ những điều tốt đẹp, tình đoàn kết. Thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước chơi diều bằng niềm đam mê, tạo sự gắn bó giữa các thế hệ trong xã.

Thi vị cánh diều - Ảnh 1.

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Kiêm nói về cái hay của sáo diều.

Ông Trần Văn Mau bộc bạch: "Những chiếc diều sáo luôn thu hút bọn trẻ chăn trâu ngày xưa. Khi bố tôi đi thả diều là một lũ trẻ theo sau đầy háo hức. Tôi say mê diều từ khi học lớp 1, thường tự làm ra những cánh diều nhỏ được buộc bằng dây gai. Lớn lên tôi càng đam mê với thú vui thả diều, bởi nó làm cho cuộc sống tôi thư thái. Nhiều người già mê diều đến nỗi đi làm đồng cũng phải dẫn theo con diều thả lên trời. Như thể diều làm cho cuộc sống thi vị, cổ vũ cho đôi bàn tay làm việc hăng say hơn. Để làm tăng thêm niềm vui xuân, thú thả diều xuân cũng được duy trì. Có thể nói là ăn tết bằng… diều".

Còn nhớ, người tạo nên thương hiệu diều An Bình là cụ Nguyễn Xuân Thào, với con diều sải cánh dài bằng ba gian nhà và tiếng sáo khiến cả làng quên ngủ vì… quá hay. Vậy chiếc diều này có ý nghĩa gì với làng Yên Ngô, xã An Bình? Người dân cho biết, cụ Thào đã không còn nhưng là người có công đưa tiếng diều sáo của An Bình vang xa. Đặc biệt, nhiều khách thập phương đã tìm đến An Phú và biết đến vùng quê thuần nông này nhiều hơn nhờ con diều lớn. Năm đó, làng có một đám cưới nhưng không may trời mưa, cụ Thào lấy diều che đủ chỗ cho ba bếp đun bên dưới. Sau này, các ông Nguyễn Bá Phước, Nguyễn Xuân Tịnh, Trần Văn Mau, Nguyễn Hữu An, Nguyễn Hữu Trại… tích cực phát huy truyền thống, đưa phong trào của xã phát triển. Năm nào CLB Diều sáo An Bình cũng tổ chức cuộc thi, thu hút nhiều hội viên tham gia, thúc đẩy phong trào của các xã lân cận, khiến những ngày cao điểm, cả một vùng trời Thuận Thành sặc sỡ.

Cách tỉnh Bắc Ninh không xa là xã Song Vân (huyện Tân Yên, Bắc Giang), nơi có nhiều người mê diều và làm nên bản sắc của vùng quê. Điều đáng nói, các lão nông ở Song Vân không chỉ mê diều mà còn mê thơ. Thơ và diều bổ trợ cho nhau và cùng làm nên mùa xuân đẹp. Theo nghệ nhân Ngô Văn Bội, Chủ nhiệm CLB Diều Song Vân, mùa xuân và mùa hè là lúc phong trào thả diều lên cao nhất, bởi lúc này mùa vụ đã xong, hơn nữa cũng là khi gió đẹp kéo về nên thích hợp thả diều. Mùa xuân, gió thường hiền hòa cũng là thời điểm dễ thả diều. Chỉ ra phía cánh đồng, nơi có một số thanh niên, trẻ em thảnh thơi chơi diều, ông Bội bảo: "Tháng Giêng ngắm trẻ thả diều/Lòng nghe sống lại ít nhiều tuổi thơ".

Thi vị cánh diều - Ảnh 2.

Ngày xuân của CLB Diều sáo Sáo Đền xã Song An, huyện Vũ Thư (Thái Bình).

Di sản văn hóa, di sản tâm hồn

Thái Bình cũng là mảnh đất mê sáo diều, bởi nơi đây có nhiều cánh đồng "thẳng cánh cò bay", cũng là địa phương có nhiều CLB diều, nhưng nổi tiếng nhất là CLB Diều sáo Sáo Đền, xã Song An, huyện Vũ Thư. Mới đây nhất, đầu tháng 11/2020, người dân đã vui mừng đón bằng chứng nhận "Tục chơi diều sáo trong lễ hội Sáo Đền" là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.Tục chơi diều sáo được thực hành trong lễ hội Sáo Đền từ ngày 22 đến 28/3 (âm lịch), chính hội là ngày 24 đến 26/3. Lễ hội có các nghi thức như tắm tượng, rước kiệu ngài Đô đài lực sĩ Đại tướng quân Nguyễn Tất Ứng từ đền Đồng Quàn (xã Minh Quang) về cáo yết Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao, giỗ Thánh Mẫu (xã Song An) rồi sau đó thi diều và các trò diễn: Cờ tướng, kéo co, bắt vịt, đi cầu ngô, đập niêu đất, tổ tôm, chọi gà...

Nhà nghiên cứu văn hóa Dương Anh đã viết: "Tục chơi diều sáo ở Song An trải qua gần 600 năm, có giá trị lịch sử sâu sắc bởi nó chứa đựng những câu chuyện lịch sử về một thời kỳ dựng nước và giữ nước của nhà hậu Lê ở trấn Sơn Nam Hạ. Đó là những phút thăng hoa của người dân lao động, là ý chí vượt lên mọi gian lao thử thách".Những ngôi làng ven sông Hồng, đặc biệt người dân Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng (TP.Hà Nội) có một niềm say mê diều và thường xuyên tổ chức hội thi hoành tráng. Đây được công nhận là làng diều truyền thống độc đáo, địa chỉ văn hóa dân gian của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam và thu hút nhiều nhà nghiên cứu quốc tế, khách tham quan trong nước và thế giới. Thú chơi ấy được gìn giữ bởi những người nông dân chân lấm tay bùn, vừa làm ruộng vừa chơi diều.

Thi vị cánh diều - Ảnh 3.

Diều làng Yên Ngô, xã An Bình (Bắc Ninh).

Ở làng Bá Dương Nội có rất nhiều người chơi diều giỏi. Trong đó nổi tiếng nhất là Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Hữu Kiêm, con của Nghệ nhân quá cố Nguyễn Hữu Ngọ. Từ nhỏ ông Kiêm đã thừa hưởng tình yêu diều từ bố và thường tìm tre gọt sáo. Lớn lên, ông công tác trong ngành điện lực, có điều kiện đi nhiều địa phương và mỗi nơi ông đều để ý đến thú chơi diều ở các làng nổi tiếng như ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình, Thừa Thiên Huế… Ông Kiêm bảo, nhiều chuyên gia nước ngoài đã tìm đến để nghiên cứu diều sáo Việt Nam. Họ ghi nhận không nước nào trên thế giới ngoài Việt Nam có diều kèm theo sáo. Sáo đôi thường sinh ra tiếng du dương lúc trầm lúc bổng mà các nghệ nhân gọi là "mẹ gọi con thưa", hai tiếng hòa vào nhau, đổ hồi êm ái. Theo ông Kiêm, vùng đồng bằng Bắc bộ có nhiều làng chơi diều sáo nhưng không ở đâu âm thanh tiếng sáo hay như ở Bá Dương Nội. Để tạo ra hợp âm của hai sáo không phải ai cũng làm được.

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Hữu Kiêm là người có công đưa tiếng sáo diều Bá Dương Nội ra quốc tế nhằm giúp cho nhiều nước biết đến văn hóa diều Việt Nam. Khởi đầu từ năm 2007 CLB diều Bá Dương Nội tham dự Festival Diều quốc tế Vũng Tàu. Sau đó được Hiệp hội diều Đông Nam Á biết đến, các nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm tìm đến làng nhiều hơn. Đặc biệt, vợ ông Kiêm đã cùng đón tiếp các đoàn khách đến nhà. Từ đó diều sáo Việt Nam đã có cơ hội ngân nga ở bầu trời quốc tế. Việc ông Kiêm được mời tham dự các Festival tại Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, Pháp, Campuchia… chứng tỏ sự lan tỏa của một thương hiệu. Năm 2012 ông Kiêm mang diều đi trình diễn ở Liên hoan Diều quốc tế tại Pháp, có sự tham gia của 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. "Ở "trời Tây" cánh diều Việt Nam hợp gió, diều lên cao, sáo kêu hay không thể tưởng tượng được. Trong 50 đoàn tham dự thì chỉ diều Việt Nam có âm thanh du dương, lạ tai. Nhiều người ở cách nơi diễn ra cuộc thi 4km cũng tìm đến xem vì tiếng sáo diều", ông Kiêm tự hào khoe.

Tham quan nhiều làng diều, chứng kiến nhiều cuộc thi, biểu diễn và cả những công đoạn làm sáo diều, tôi ngộ ra một triết lý: Thú chơi diều sáo đã thể hiện được tình yêu quê hương, đất nước, yêu cuộc sống của người dân. Mùa xuân tìm về những vùng quê bình dị, nơi người dân cứ ngơi việc ruộng đồng là tìm đến diều sáo. Đó là một trải nghiệm thú vị trong miền di sản, hiểu hơn tâm hồn người nông dân tài hoa, chịu thương chịu khó, yêu đời.

Nguyễn Văn Học

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh