Thị trường xuất khẩu gạo vẫn bó hẹp dù lượng doanh nghiệp tăng mạnh
- Huyệt vị
- 13:28 - 25/06/2019
Các nước nhập khẩu gạo lớn giảm nhu cầu
Ngày 24/6 tại TP.HCM, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị sơ kết tình hình xuất khẩu (XK) gạo 6 tháng đầu năm 2019, và bàn giải pháp thúc đẩy xuất khẩu các tháng cuối năm do Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chủ trì.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2019 gặp nhiều diễn biến bất lợi về thị trường.
Xuất khẩu gạo sang các thị trường truyền thống tiếp tục được dự báo gặp khó khăn.
Ngoại trừ thị trường Philippines, các thị trường nhập khẩu gạo lớn, truyền thống như Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh đều đồng loạt giảm nhập khẩu trong nửa đầu năm nay và dự báo sẽ tiếp diễn cả năm 2019 với những lý do khác nhau như tồn kho vụ cũ cao ở Trung Quốc, năm bầu cử ở Indonesia hay khôi phục sản xuất sau lũ lụt ở Bangladesh.
Sự sụt giảm nhập khẩu cùng lúc từ 3 thị trường khiến kết quả xuất khẩu gạo sang 3 nước xuất khẩu hàng đầu là Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam đều khá ảm đạm. Đối với Việt Nam, cùng kỳ 5 tháng 2018 xuất khẩu sang 3 thị trường trên đạt 1,44 triệu tấn thì con số năm 2019 chỉ là 239 nghìn tấn.
Cần có cơ chế tài chính cho ngành lúa gạo
Tại hội nghị, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, khu vực ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa Hè thu 2019, và có những khó khăn tương đối trong vấn đề tiêu thụ lúa gạo. Trước đây, chúng ta có hợp đồng tập trung dẫn dắt thị trường đặc biệt là cho vụ Đông Xuân và sau đó là dẫn dắt cho vụ Hè Thu để có sự giao thoa giữa hai vụ lúa này. Tuy nhiên, vụ Đông Xuân năm nay thiếu hợp đồng tập trung lớn. Có nhiều doanh nghiệp địa phương còn bị động, chưa đa dạng hóa được thị trường mặc dù số lượng doanh nghiệp có tăng mạnh.
Trong những năm vừa qua các nước đều thay đổi phương thức nhập khẩu và có 3 xu hướng: Thuế hóa mặt hàng gạo; Thay đổi phương thức nhập khẩu gạo, cho phép nhiều nguồn cung tham gia các đấu thầu mở quốc tế (G2P) đảm bảo cạnh tranh hơn; Nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất trong nước hướng đến tự chủ về lương thực.
Trước thực tế này, Bộ Công Thương đã tham mưu đề xuất với Chính phủ xử lý cơ chế hợp đồng tập trung như thế nào cho phù hợp và theo NĐ 107/2018/NĐ-CP, gần như tự do hóa các thị trường và chỉ chỉ định các doanh nghiệp đầu mối theo các MOU theo thỏa thuận giữa Chính phủ với Chính phủ, khi mà nước nhập khẩu có yêu cầu.
Hiện nay, giá lúa IR 50404 tại ruộng ở tỉnh Đồng Tháp là 3.800 đồng/kg, giảm 1.500 đồng/kg so với cùng kỳ 2018.
Trước tình hình trên, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, trong ngắn hạn, cần có một cơ chế nào đó để hỗ trợ cho các doanh nghiệp có thể thu mua một lượng lúa hàng hóa lớn cho nông dân. Không chỉ chúng ta mà tất cả các nước từ Thái Lan đến Ấn Độ khi vào vụ với một lượng lúa hàng hóa lớn như vậy dứt khoát phải có một lượng tiền lớn để cho doanh nghiệp vay thu mua lúa.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Công Thương đề nghị Bộ NN-PTNT phối hợp, xây dựng một cơ chế tài chính thường xuyên hơn, bền vững hơn trình Chính phủ để các địa phương khi vào vụ biết lấy tiền ở đâu để mua lúa cho nông dân. Điều quan trọng nhất là trong 6 tháng cuối năm này, Bộ Công Thương cần đề ra một kế hoạch tổng thể hơn cho ngành lúa gạo Việt Nam.
“Bên cạnh đó, phải coi trọng kết nối cung cầu, các doanh nghiệp đặc biệt là Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cần xem xét các giải pháp về kết nối cung cầu, nếu kết nối được với 2 hoặc 3 nhà phân phối lớn trên thị trường toàn cầu sẽ rất tốt vì nhu cầu nhập khẩu gạo hàng năm của họ rất lớn. Kế đến là liên kết quản trị, các doanh nghiệp hết sức chú trọng về năng lực sản xuất, năng lực chế biến và năng lực kiểm soát chất lượng hạt gạo”, Thứ trưởng Khánh nói.