Thị trường logistics: Phí dịch vụ cao gấp 2 lần các nước phát triển
- Huyệt vị
- 13:15 - 27/11/2020
Sáng 26/11, tại Hà Nội đã khai mạc Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020 do Bộ Công Thương tổ chức.
Đây là sự kiện lớn thường niên về ngành dịch vụ logistics, thu hút sự quan tâm của hơn 50 tổ chức quốc tế, hơn 500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, sản xuất, xuất nhập khẩu và các bộ, ngành liên quan.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tham dự sự kiện.
Kiến nghị Chính phủ cho phép hình thức kinh doanh đại lý hải quan
Phát biểu tại diễn đàn Logistic Việt Nam 2020 do UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ Công thương và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ bày tỏ vinh dự khi lần thứ 2 Hà Nội được chọn là địa phương tổ chức diễn đàn logistic.
Qua 8 năm tổ chức, diễn đàn logistic Việt Nam đã trở thành sự kiện uy tín, tập hợp đông đảo các doanh nghiệp dịch vụ logistic cũng như các đơn vị liên quan. Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, năm nay, việc diễn đàn lựa chọn chủ đề “Cắt giảm chi phí logistic…” rất thiết thực, thời sự.
Hiện tại, ngành logistic Việt Nam đứng thứ 3 Đông Nam Á, với quy mô 40-42 tỷ USD. Tuy nhiên, chi phí logistic còn cao. Đối với Hà Nội, các doanh nghiệp logistic mới đáp ứng 25% nhu cầu của thành phố.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, trong năm 2020, chỉ số phát triển công nghiệp của Hà Nội ước tăng 4,7%; tổng mức bán lẻ hàng hóa hóa ước tăng trên 10%; GRDP ước tăng trên 4% và thu ngân sách dự kiến đạt trên 280 nghìn tỷ đồng.
Đây là mức tăng cao hơn so với bình quân cả nước, nhất là trong bối cảnh tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Với mục tiêu đến năm 2025 xây dựng Hà Nội là trung tâm lớn về giao thương của cả nước và khu vực, Hà Nội đã đề ra nhiều giải pháp nhằm quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ, trong đó có hạ tầng logistic.
Tại diễn đàn, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nêu 7 đề xuất, trong đó nhấn mạnh đến việc cần tiếp tục nâng cao chất lượng quản lý hành chính công, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục xuyên biên giới.
Đặc biệt, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cũng kiến nghị Chính phủ cho phép hình thức kinh doanh đại lý hải quan để chuyên nghiệp hóa dịch vụ thông quan, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Hà Nội sẵn sàng phối hợp với Bộ Công Thương để đăng ký thử nghiệm mô hình này trên địa bàn thành phố.
Phí "không chính thức" trong TTHC đẩy chi phí logistics tăng
Cho biết, chi phí dịch vụ logistic tại Việt Nam hiện cao hơn rất nhiều các nước trong khu vực Asean như: Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu rõ, trong đó, chi phí vận tải tương đương 30-40% giá thành sản phẩm.
Theo người đứng đầu VCCI, tỷ lệ này ở các quốc gia khác chỉ khoảng 15%. Điều này làm giảm đáng kể khả năng cạnh tranh hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong bối cảnh ngành logistics chịu tác động lớn từ dịch COVID-19.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chi phí logistics cao tập trung vào các nguyên nhân: Cơ hở hạ tầng còn điểm nghẽn, sự kết nối của doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài còn khá lỏng lẻo và gánh nặng thủ tục hành chính.
“Đáng chú ý, chi phí không chính thức trong khâu thủ tục hành chính vẫn còn phổ biến đã góp phần khiến chi phí logistics tăng lên”, ông Lộc nói.
Theo Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Ông Tuấn Anh nhận định, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFA và sắp tới là RCEP sẽ tác động tích cực đối với việc cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, doanh nghiệp và của nền kinh tế.
Có được điều này, theo ông Tuấn Anh, nhờ vào việc tiếp cận thị trường xuất khẩu có sự ưu đãi về thuế quan, tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại, giảm được chi phí các yếu tố đầu vào bởi được chuyển giao công nghệ và nhập khẩu các yếu tố đầu vào rẻ hơn theo các điều kiện ưu đãi.
Tuy vậy, những thách thức đặt ra cũng rất lớn khi doanh nghiệp phải cạnh tranh với các đối thủ gay gắt hơn. Dẫn chứng là EU vốn rất mạnh về logistics với các công ty đa quốc gia, các đội tàu lớn hiện đại, chiếm thị phần đáng kể trên thị trường logistics thế giới.
"Hiện nhiều doanh nghiệp logistics mạnh của EU đã có hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, dù mức mở cửa theo WTO còn rất hạn chế. Do đó với các hiệp định tự do, các cam kết mở cửa mạnh hơn, cạnh tranh từ các doanh nghiệp này với doanh nghiệp Việt Nam dự báo sẽ còn lớn hơn nữa", Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh.
Riêng đối với dịch vụ logistics, các hiệp định này có thể tác động tới triển vọng phát triển ở hai góc độ: Cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực vận tải và phục vụ vận tải; cam kết trong các lĩnh vực ảnh hưởng đến dung lượng thị trường dịch vụ logistics trên các góc độ quy mô do tăng nguồn cầu dịch vụ, chất lượng dịch vụ, nhu cầu mở rộng công suất, đầu tư và thực hiện dịch vụ.