THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:36

Thị trường lao động vùng Đông Nam Bộ kỳ vọng khởi sắc trong năm 2021

Theo Vov, 2020 là một năm đầy sóng gió với thị trường lao động cả nước, nhất là ở khu vực phát triển sôi động như Đông Nam bộ. Dịch Covid– 19 hoành hành khiến hàng ngàn công nhân ở khu vực này thất nghiệp. Bước sang năm 2021, dịch Covid-19 trên toàn thế giới vẫn diễn biến khó lường, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng khó khăn chung. Tại TP HCM, Đồng Nai và Bình Dương– nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất nhất khu vực Đông Nam Bộ với hàng triệu công nhân lao động, thị trường lao động đang ấm dần lên, kỳ vọng một năm mới khởi sắc.

Nhu cầu tuyển dụng gia tăng

Những tháng trước đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường lao động tại Đồng Nai rất trầm lắng. Nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc liên tục cắt giảm lao động khiến nhiều người mất việc làm. Thế nhưng kể từ đầu quý 4, các doanh nghiệp trên địa bàn từng bước tuyển dụng lao động trở lại, nhu cầu tuyển dụng tăng dần lên. Nhiều doanh nghiệp, ngành hàng thậm chí khó tuyển đủ nhu cầu.

Bà Trần Thị Thùy Trâm, Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Đồng Nai cho biết, thời điểm cuối năm, tại 26 sàn giao dịch của trung tâm, có 524 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng 38.223 lao động. Tuy nhiên, mới chỉ có 8.985 lao động đến tham gia tuyển dụng và chỉ gần một nửa số đó đạt yêu cầu. Thêm vào đó, khi dịch bệnh được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp mở rộng sản xuất, tìm được các đơn hàng xuất khẩu năm 2021, có nhu cầu tuyển số lượng lao động lớn...nên tuyển dụng gặp nhiều khó khăn.

Cũng theo bà Trần Thị Thùy Trâm, hiện lực lượng lao động phổ thông không đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp: "Nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp tập trung vào nhóm lao động sơ cấp và lao động phổ thông, thuộc nhóm ngành giày da, dệt nhuộm, may, thiết kế thời trang. Nhóm ngành thu hút các lao động có trình độ từ trung cấp, công nhân kỹ thuật có trình độ cao đẳng đại học trở lên là thuộc nhóm tài chính ngân hàng, kế toán kiểm toán, thống kê, nhóm cơ khí, công nghệ lắp ráp ô tô".

Thị trường lao động vùng Đông Nam Bộ kỳ vọng khởi sắc trong năm 2021 - Ảnh 1.

Phương thức tuyển dụng online tạo điều kiện cho công nhân hiểu rõ công việc hơn và giảm đi lại

Tại TPHCM, dự kiến năm 2021 thị trường lao động của TP có 280.000– 300.000 chỗ làm, trong đó có 140.000 chỗ việc làm mới. Nhu cầu nhân lực tập trung ở các ngành như kinh doanh- thương mại chiếm 20,16%, điện tử- công nghệ thông tin chiếm 11%; dịch vụ - phục vụ chiếm 7,25%; cơ khí - tự động hóa chiếm 5,6%...tổng nhu cầu. Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM cũng đã khảo sát cụ thể yêu cầu nhân lực của các doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp cần: 85,8% lao động qua đào tạo; 25,21% lao động có trình độ sơ cấp nghề và công nhân kỹ thuật lành nghề; 21,3% trình độ Trung cấp chiếm; 18% trình độ Cao đẳng chiếm 18%, và 21,29% trình độ Đại học trở lên.

Chú trọng lao động có tay nghề

Theo Tiến sĩ Đỗ Thanh Vân, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, số liệu trên cho thấy các doanh nghiệp đang quan tâm đến thao tác, kỹ năng làm việc của người lao động là chính chứ không phải là trình độ học vấn. Đặc biệt, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng cho năm 2021 thì đều tăng cường tuyển dụng ngay từ cuối năm 2020 và lấy đó là một yếu tố đánh giá lao động: "Tuyển dụng lao động cuối năm là đánh giá được thái độ nghề nghiệp của người lao động. Đó là yếu tố doanh nghiệp rất cần, bên cạnh kỹ năng nghề nghiệp, năng suất lao động, và họ chấm những người đó làm việc lâu dài, đó là cầu nối, là nền tảng. Doanh nghiệp họ có mong muốn đối với người đến làm việc là thái độ nghề nghiệp, kỷ luật lao động, kỹ năng làm việc nhóm".

Tại Bình Dương, dịch Covid đã khiến hơn 530.000 lượt người lao động làm việc tại các doanh nghiệp bị mất việc, nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động… Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 9 và quý 4/2020, tình hình sản xuất, kinh doanh đã có chuyển biến tích cực, các doanh nghiệp đã sử dụng nhiều giải pháp để duy trì việc làm, đảm bảo thu nhập cho người lao động và giữ chân người lao động. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã có những đơn hàng mới cần tuyển dụng lao động với số lượng lớn. Theo số liệu của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, đến nay có 7.865 lượt doanh nghiệp với nhu cầu tuyển dụng hơn 146.730 vị trí.

Thị trường lao động vùng Đông Nam Bộ kỳ vọng khởi sắc trong năm 2021 - Ảnh 3.

Việt Nam có cơ hội bứt phá đi lên và thoát cảnh gia công.

Còn tờ Vietnamnet cho hay, triển vọng 2021 tươi sáng hơn khi phần lớn các dự báo cho rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ tăng gấp đôi so với 2020.

Theo WB, kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng khoảng 6,8% trong năm 2021 và sẽ ổn định quanh mức 6,5% các năm tiếp theo. Trước đó, ADB cũng dự báo tăng trưởng trong năm 2021 của Việt Nam là 6,1%. IMF dự báo 6,4%.

Trong 2020, kinh tế Việt Nam ghi nhận khá nhiều điểm sáng như tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lập kỷ lục mới; xuất siêu cao kỷ lục 19,1 tỷ USD. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện rõ rệt, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt mức cao nhất kể từ năm 2011.

Trên thực tế, đại dịch khiến nền kinh tế Việt Nam chao đảo, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Tuy nhiên, trong nguy có cơ, "sau cơn mưa trời lại sáng". Sau khi chạm đáy, nền kinh tế sẽ theo chiều đi lên.

Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (KBC), nhờ kiểm soát tốt đại dịch mà nền kinh tế Việt Nam đạt được tăng trưởng dương, đặc biệt quý IV tăng trưởng mạnh. Uy tín của Việt Nam được nâng lên. Các nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam.

HOÀNG MINH (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh