THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:22

Thị trường lao động Việt Nam trước tác động của công nghệ hiện đại

Thứ trưởng  Đào Hồng Lan chủ trì hội thảo

Đến dự và chủ trì hội thảo có bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH; ông David Lamotte, Phó Giám đốc ILO khu vực châu Á - Thái Bình Dương; ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Theo các nghiên cứu gần đây, quá trình đổi mới công nghệ của một quốc gia phụ thuộc vào 2 yếu tố chính: năng lực của các doanh nghiệp trong nước đầu tư đổi mới, ứng dụng công nghệ và khả năng của quốc gia trong việc tận dụng các hiệu ứng lan tỏa của đầu tư nước ngoài. Để đạt được điều này, ngoài chính sách công nghiệp, chính sách công nghệ thì đầu tư vào vốn nhân lực có vai trò hết sức quan trọng, bởi hiệu ứng lan tỏa FDI được thực hiện chủ yếu thông qua liên kết sản xuất với các doanh nghiệp trong nước, qua đào tạo lao động.

Trên thực tế, đến năm 2016, trong tổng số 54,36 triệu lao động Việt Nam, chỉ có 11,21 triệu (20,6%) đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ. Như vậy, cả nước vẫn còn trên 43,15 triệu người chưa qua đào tạo. Hơn nữa chất lượng lao động có sự chênh lệch vùng miền rõ rệt, cơ cấu lao động qua đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu thực tế, chưa cân đối giữa các ngành đào tạo, lao động kỹ thuật cao còn thấp...

Theo một nghiên cứu do ILO công bố mới đây, trong hai thập kỷ tới, khoảng 56% số người lao động tại 5 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, có nguy cơ mất việc vì robot, đặc biệt là ngành may mặc. Nếu không kịp thời trang bị thêm kỹ năng, kiến thức, nhiều công nhân sẽ có nguy cơ thất nghiệp vì robot. Nghiên cứu của ILO chỉ ra riêng dệt may, da giày hiện đang là các ngành thâm dụng lao động nhiều nhất tại các quốc gia như Indonesia, Việt Nam và Campuchia, trong đó 86% công nhân ngành dệt may của Việt Nam, 64% của Indonesia và 88% công nhân của Campuchia sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm của xu hướng tự động hóa.

Thế giới đứng trước cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 và Chính phủ các nước, trong đó có Việt Nam, cũng đang nỗ lực với các chính sách phúc lợi, đào tạo, chuyển hướng cho một bộ phận bị mất việc do áp dụng công nghệ mới. Bộ LĐ-TB & XH cũng đã đề ra hai giải pháp tổng thể để đối phó với thực trạng này. Đầu tiên là tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực gắn với chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh các sản phẩm có hàm lượng tri thức, giá trị gia tăng cao thay vì các sản phẩm, các ngành sản xuất thâm dụng lao động; Kế đến là chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ làm nơi thu hút phần lớn lực lượng lao động hỗ trợ các ngành sản xuất chính, nơi công nghệ sản xuất được tự động hóa ngày càng cao. Nhưng quan trọng hơn là sự tự thân vận động của người lao động, không ngừng nâng cao kỹ năng nghề nghiệp để có thể thay đổi hoặc tìm việc làm mới.

“Công nghệ liên tục thay đổi, cập nhật, điều này có thể tạo ra việc làm mới nhưng cũng có thể xóa bỏ một số loại hình công việc. Mức độ một cá nhân có thể được hoặc mất do công nghệ và tự động hóa phụ thuộc rất lớn vào cấp độ kỹ năng của họ cũng như là việc cá nhân đó bổ sung hay thay thế cho máy móc”, Phó Giám đốc ILO khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhận định.

Và cũng theo ông David Lamotte, trong bối cảnh này, sự tập trung ưu tiên vào kỹ năng nghề và lực lượng lao động ở Việt Nam là điều cần thiết. Điều này liên quan đến sự phối hợp giữa các nhà hoạch định chính sách, người sử dụng lao động và các cơ sở đào tạo để hiện đại hóa hệ thống phát triển kỹ năng nghề nhằm đón đầu những xu hướng đang thay đổi tại nơi làm việc và những đổi mới công nghệ. Khuyến khích thế hệ trẻ đam mê theo học các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật đều quan trọng, đặc biệt là nữ giới, bởi phụ nữ dễ bị nguy cơ mất việc hơn nam giới khi tự động hóa trở nên phổ biến hơn trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Hội thảo thu hút đông đảo các chuyên gia trong và ngoài nước

Tại buổi đối thoại chính sách, các đại biểu tập trung thảo luận để tìm ra câu trả lời cho các vấn đề: đâu là những tác động của cuộc cách mạng công nghệ tới thị trường lao động Việt Nam? Cơ hội và thách thức? Liệu các bên liên quan tại Việt Nam có nhận thức được điều này và đã chuẩn bị như thế nào? Người lao động cần phải chuẩn bị những gì để đáp ứng yêu cầu của các nhà tuyển dụng? Xu hướng trong khu vực và kinh nghiệm của các nước trước những thay đổi đó? Vai trò của các đối tác xã hội, hế thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, các hiệp hội ngành nghề?

THIỀU VĂN LÝ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh