Thị trường lao động Việt Nam tiếp tục phát triển, tỷ lệ nghèo giảm
- Bài thuốc hay
- 22:02 - 13/04/2017
Đưa ra nhận định về Việt Nam, WB đánh giá năm 2016, tăng trưởng kinh tế giảm nhẹ xuống 6,2%, trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát vừa phải và tình hình kinh tế đối ngoại vững chắc. Triển vọng trung hạn của Việt Nam được nhìn nhận theo hướng tích cực trong bối cảnh vẫn còn nhiều rủi ro trong và ngoài nước.
Việt Nam sẽ duy trì được tốc độ phát triển dài hạn nếu tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nhằm hỗ trợ cho mô hình tăng trưởng dựa vào năng suất. Tâm lý bảo hộ và những rủi ro liên quan đến các biện pháp bảo hộ ở các nền kinh tế lớn cũng là những rủi ro lớn cho nền kinh tế đã rất mở của Việt Nam.
Hoạt động kinh tế ở Việt Nam chững lại trong năm 2016. GDP ước tăng 6,2%, thấp hơn so với mức 6,8% của năm 2015. Nguyên nhân tăng chững lại trong năm qua là do sụt giảm trong các ngành nông nghiệp và khai khoáng, trong khi sản lượng chế tạo chế biến và dịch vụ tăng trưởng tốt.
Tốc độ tăng trưởng ngành nông lâm ngư nghiệp chỉ đạt 1,36%, là tốt độ thấp nhất kể từ năm 2011, phản ánh tình hình thời tiết không thuận lợi trong nửa đầu năm. Ngành công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 7,6%, thấp hơn so với 9,6% năm trước, chủ yếu do tăng trưởng âm 4% ở ngành khai khoáng.
Ngược lại, tăng trưởng ngành dịch vụ được đẩy lên gần 7% so với mức 6,3% của năm 2016 do tiêu dùng tư nhân và kết quả khả quan của ngành du lịch. Xét từ góc độ cầu, tăng trưởng mạnh chủ yếu đến từ đầu tư (đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI tăng mạnh) và tăng tiêu dùng tư nhân.
Thị trường lao động tiếp tục phát triển tạo điều kiện cải thiện tổng phúc lợi và tỷ lệ nghèo tiếp tục giảm. Gần một triệu người dân rời nông thôn để tìm kiếm việc làm, chủ yếu trong các ngành công nghiệp và xây dựng, với tốc độ tăng trưởng ngành là 7,6%so với cùng kỳ năm trước, và một phần trong các ngành dịch vụ.
Theo quan sát, tăng trưởng về việc làm ở các ngành phi nông nghiệp dự kiến sẽ bù đắp hoặc tạo ra cơ chế đối phó với suy giảm về thu nhập nông nghiệp do đợt hạn hán El Nino gây ra.
Tuy nhiên, tỷ lệ nghèo được dự báo sẽ tăng cục bộ tại các cộng đồng (đặc biệt là cộng đồng người dân tộc thiểu số), do phụ thuộc vào nông nghiệp và chưa được hội nhập nhiều về kinh tế cũng như do ảnh hưởng ô nhiễm môi trường tại các tỉnh duyên hải miền trung Việt Nam.
Theo đó, WB cho rằng, tăng trưởng kinh tế được duy trì với mức lạm phát vừa phải và tình hình kinh tế đối ngoại đang vững lên. Lạm phát sau khi giảm xuống mức kỷ lục năm 2015 đã tăng dần trở lại, chủ yếu do các đợt tăng học phí và dịch vu y tế của nhà nước, nhưng lạm phát vẫn ở mức thấp còn lạm phát chung nằm dưới chỉ tiêu chính thức là 5%.
Mặc dù môi trường kinh tế đối ngoại không thuận lợi, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (theo giá hiện hành) tăng trưởng 9% năm 2016, cao hơn hầu hết các đối thủ cạnh tranh trong khu vực.
Tăng trưởng xuất khẩu, kết hợp với nhập khẩu chững lại, dẫn đến thặng dư thương mại, khiến cho thặng dư tài khoản thanh toan vãng lai tăng từ 0,5% GDP năm 2015 lên hơn 3% năm 2016. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn là động lực chính về tăng trưởng kinh tế nói chung và xuất khẩu nói riêng của Việt Nam. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt kỷ lục năm 2016 ở mức gần 16 tỷ US$ (7,7% GDP).
Cùng với đó, WB đánh giá, tỷ giá năm qua tương đối ổn định, mặc dù đồng Việt Nam bắt đầu có hiện tượng mất giá vào cuối năm 2016. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã từng bước khôi phục được dự trữ ngoại hối, mặc dù vẫn ở mức tương đối thấp khoảng 2,8 tháng nhập khẩu vào cuối năm 2016.
"Trong bối cảnh đồng đô-la Mỹ mạnh lên và hầu hết đối tác thương mại chính của Việt Nam đều giảm mạnh tỷ giá, khả năng đồng Việt Nam tăng giá thực và khả năng ảnh hưởng tiêu cực của nó đến năng lực cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam vẫn là một quan ngại", WB nhận định.