Thị trường lao động phục hồi, đời sống người lao động tăng lên
- Bài thuốc hay
- 11:59 - 05/04/2022
Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đánh giá cao sự tăng trưởng của nền kinh tế, trong đó là sự khởi sắc của sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp nặng, công nghiệp chế tạo. Sản xuất nông nghiệp thuận lợi hơn, nhất là cây trồng và phục hồi chăn nuôi.
Theo Bộ trưởng, thời gian qua, các chính sách an sinh được triển khai rất tích cực, chủ động, có hiệu quả. Cụ thể, đến cuối tháng 3/2022, thực hiện các nghị quyết số 68/NQ-CP, 116/NQ-CP và 126/NQ-CP của Chính phủ, Trung ương và các địa phương đã dành tổng kinh phí 80.397 tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ trên 728 nghìn lượt người sử dụng lao động và trên 49 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác. Riêng gói hỗ trợ cho vay vốn trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất, đến ngày 25/3/2022 đã giải ngân được 4.633 tỷ đồng (đạt 62% kế hoạch).
Thông tin về việc Thường vụ Quốc hội đã đồng ý nới trần làm thêm của người lao động trong tháng và trong năm. Cụ thể, người lao động được làm thêm từ 40 giờ/tháng lên 60 giờ/tháng và 200 giờ trong một năm lên 300 giờ, Bộ trưởng nhận định, đây là chính sách rất phù hợp tình hình hiện nay, nhằm tháo gỡ khó khăn cho người lao động và người sử dụng lao động.
Đối với gói phục hồi theo NQ 43/2022 của Quốc hội và NQ số 11/NQ-CP của Chính phủ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã cùng chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai rất nhanh chính sách này. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 08/2022 hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động để phục hồi sản xuất, góp phần giữ chân người lao động và hỗ trợ người lao động quay trở lại. Từ ngày 1/4, các đơn vị đã tập trung triển khai gói hỗ trợ có quy mô 6.600 tỷ đồng này.
Điều đáng mừng nhất theo tư lệnh ngành LĐ-TB&XH hiện nay là thị trường lao động phục hồi rất nhanh chóng. Cụ thể, cho đến hết Quý I/2022, tỷ lệ thất nghiệp là 2,46%; thiếu việc làm tạm thời ở khu vực đô thị, thành thị là 3,01%. So với mặt bằng chung trong khu vực, đây là tỷ lệ tốt.
Trong quý I/2022, dù có nhiều khó khăn nhưng thu nhập bình quân của người lao động là 7,3 triệu đồng. "So với mức bình quân lương tối thiểu vùng là 3,7 triệu đồng và 4,5 triệu đồng là cao gấp đôi. Với sự phục hồi việc làm như vậy, đời sống của công nhân, người lao động đã được tăng lên", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.
Tại phiên họp, Bộ trưởng đề nghị Chính phủ quan tâm hơn đến doanh nghiệp vừa và nhỏ vì đây là lực lượng làm ra sản phẩm rất lớn, giải quyết nhiều việc làm, nhưng đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.
Người đứng đầu ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đề nghị Chính phủ cho phép tổ chức diễn đàn với quy mô quốc gia về lao động, việc làm trong Quý II/2022; từ đó giải quyết những vấn đề căn cơ về chính sách, về lực lượng lao động, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời tránh tình trạng chắp nối như hiện nay, dẫn tới hiệu quả lao động không cao.
Liên quan đến sự phục hồi của thị trường lao đông, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, Chính phủ đã triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030, Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động, tập trung vào các hoạt động hỗ trợ người lao động quay trở lại nơi làm việc, cho vay giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển thị trường lao động. Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, thị trường lao động được phục hồi, số lao động quay trở lại làm việc sau tết chiếm tỷ lệ cao, nhiều tỉnh đạt trên 90%.
Chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 giúp cho thị trường lao động quý I/2022 có nhiều tín hiệu khởi sắc. Lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động đều giảm so với quý trước, tuy vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng mức độ giảm dần.