CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 12:01

Thị trường lao động: Nông, ngư nghiệp “khát” nhân lực

Năm 2015, lực lượng lao động (từ 15 tuổi trở lên) của cả nước là 54,6 triệu người. Số Lao động (15 tuổi trở lên) có việc làm ước tính 53,5 triệu người, trong đó lao động ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 42,3%,  ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 24,3% và ngành thương mại và dịch vụ chiếm 33,4%. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 2,18%. Tỷ lệ qua đào tạo chung là 51,6% trong đó, lao động qua đào tạo có bằng/chứng chỉ đạt gần 21%. Tỷ trọng lao động làm công hưởng lương trong tổng việc làm tiếp tục tăng, đạt gần 41% năm 2015. Tỷ trọng lao động tự làm và lao động gia đình không hưởng lương có xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn chiếm tỷ trọng cao, khoảng 57% năm 2015.  

Nhìn chung, qui mô lao động của Việt Nam khá lớn, chất lượng lao động của Việt Nam đang dần được cải thiện. Việc làm chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng việc làm năng suất thấp trong khu vực nông nghiệp và tăng tỷ trọng việc làm trong các ngành công nghiệp và dịch vụ. Việc làm phát triển theo hướng bền vững, tỷ trọng lao động làm công hưởng lương trong tổng việc làm liên tục tăng. Tuy nhiên, thị trường lao động còn tồn tại một số bất cập như: Cung lao động lớn hơn cầu lao động; chất lượng lao động chưa hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp; tỷ lệ thất nghiệp đang có xu hướng gia tăng đối với số lao động có có trình độ cao,...

Ngành nông nghiệp hiện có nhu cầu lớn về nhân lực.

Một số nguyên nhân lý giải cho những tồn tại của thị trường lao động có thể kể đến như: Cơ cấu ngành đào tạo và chất lượng đào tạo chưa phù hợp và chưa bắt kịp xu thế sử dụng lao động của doanh nghiệp; lao động phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn trong thị trường lao động; hệ thống thông tin thị trường lao động chưa phản ánh khách quan, kịp thời sự biến động của thị trường lao động; công tác dự báo trung và ngắn hạn về thị trường lao động còn hạn chế... Trong thời gian tới nếu không cải thiện những vấn đề nêu trên và có những giải pháp đồng bộ từ phía các nhà quản lý, cơ sở đào tạo thì lao động Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm và sẽ càng khó khăn hơn trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với khu vực và quốc tế.

Theo số liệu tính toán từ kết quả Điều tra lao động và nhu cầu sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp năm 2015 (Bộ LĐ-TB&XH), dự kiến số lao động làm việc trong doanh nghiệp đến thời điểm tháng 12/2016 khoảng gần 13 triệu người. Nhu cầu sử dụng lao động (tổng số lao động) trong các loại hình doanh nghiệp tập trung chủ yếu ở nhóm lao động trình độ thấp và một tỷ lệ nhỏ lao động có trình độ cao, số lao động có trình độ bậc trung ít có nhu cầu sử dụng. Cụ thể, nhu cầu sử dụng lao động trong từng mức trình độ cụ thể như sau: Lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật chiếm 33%; công nhân kỹ thuật không có bằng nghề, chứng chỉ nghề chiếm 18,7%;  sơ cấp nghề, chứng chỉ nghề hoặc chứng nhận học nghề ngắn hạn (từ 3 tháng đến dưới 12 tháng) chiếm 7%;  bằng nghề dài hạn, trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp chiếm 12,5%; cao đẳng nghề, cao đẳng chuyên nghiệp chiếm 9,4%; đại học trở lên chiếm 19% và chứng chỉ, chứng nhận học nghề ngắn hạn (dưới 3 tháng) chiếm 0.6%.

Theo các nhóm ngành kinh tế, nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có nhu cầu sử dụng lao động lớn nhất ở 3 nhóm trình độ gồm: Nhóm lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật (chiếm 32,6%), chứng chỉ, chứng nhận học nghề ngắn hạn dưới 3 tháng (chiếm 19,2%) và Công nhân kỹ thuật không có bằng nghề/chứng chỉ nghề (chiếm 14,2%); còn lại 34% nhu cầu là đối với các nhóm lao động qua đào tạo có bằng cấp/ chứng chỉ các loại khác. Nhóm ngành công nghiệp và xây dựng có nhu cầu sử dụng nhóm lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao nhất (39,1%), tiếp đến là nhóm công nhân kỹ thuật không có bằng nghề/chứng chỉ nghề (22,9%), nhóm lao động có trình độ đại học trở lên (11,6%) và còn lại 26,4% nhu cầu đối với lao động thuộc các loại đào tạo nghề và chuyên nghiệp khác. Nhóm ngành thương mại và dịch vụ, sử dụng các nhóm có trình độ cao nhiều hơn trong đó: Đại học trở lên (32,3%), cao đẳng chuyên nghiệp (11,4%); không có trình độ chuyên môn kỹ thuật (16,9%) và còn lại 39,4% nhu cầu đối với các lao động khác.

Như vậy, có thể thấy ở các ngành kinh tế, nhu cầu sử dụng lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật là khá lớn, điều này ảnh hưởng đến vấn đề nâng cao năng suất lao động hoặc tăng cường sử dụng lao động chất lượng cao trong tương lai.

Cũng theo kết quả khác từ cuộc điều tra trên, dự kiến đến 31/12/2016 các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng tăng thêm so với năm 2015 gần 530.000 lao động, trong đó nhu cầu lao động của các doanh nghiệp ngành công nghiệp và dịch vụ chiếm 76,8%, tiếp đến là ngành dịch vụ 21,3% và ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản là 1,8%. Trong tổng số nhu cầu tuyển dụng tăng thêm, nhóm lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật chiếm 56,8%; tiếp đó là công nhân kỹ thuật không có bằng nghề, chứng chỉ nghề 14,1%; đại học trở lên 12,8%; cao đẳng chuyên nghiệp là 5,8%; còn khoảng 10% có nhu cầu lao động qua đào tạo nghề các cấp.

 Có thể thấy, nhu cầu tuyển dụng lao động từ trường nghề còn ở mức khiêm tốn và có sự khác biệt trong việc tuyển dụng lao động ở các mức trình độ ở mỗi ngành. Cụ thể như ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản các doanh nghiệp chủ yếu có nhu cầu tuyển thêm lao động phổ thông, lao động có chứng chỉ, chứng nhận học nghề ngắn hạn (dưới 3 tháng); lao động có trình độ sơ cấp nghề, chứng chỉ học nghề hoặc chứng nhận học nghề ngắn hạn (từ 3 tháng đến dưới 12 tháng).

VL/Lao động và /xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh