THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:21

Thị trường lao động năm 2018 theo mô hình “đối tác chiến lược kinh doanh”

 

Ông Tăng Trị Trọng, Giám đốc Kinh doanh cấp cao VietnamWorks - Navigos Group Việt Nam

 

Thưa ông, năm 2017, tập đoàn Navigos Group đã khảo sát độc lập về nguồn nhân lực thế hệ Y của Việt Nam. Đây là thế hệ mà Singapore đang đặt rất nhiều hy vọng ngay tại đất nước họ. Vậy ông có nhận xét gì về “Gen Y” ở nước ta?

Chúng tôi gọi thế hệ lứa tuối từ 20 đến 37 là thế hệ Y (sinh từ năm 1980 đến 1996). Theo khảo sát của tập đoàn Navigos Group ở Việt Nam, thế hệ gen Y  định nghĩa về “phát triển sự nghiệp” như sau: 83% nói rằng đó là việc được hoàn thiện những kỹ năng và kiến thức chuyên môn; 62% quan niệm đó là việc được thăng tiến ở công ty; 71% chia sẻ đó là việc được chủ động hơn về tài chính. Cũng theo khảo sát này, thế hệ Gen Y có xu hướng ít gắn bó hơn với doanh nghiệp, có đến 70% ứng viên cho biết họ làm việc trung bình dưới 4 năm tại một công ty. 

Đó là lý do mà tôi muốn nói rằng, khi hiểu được như vậy, người lãnh đạo cần phải học hỏi không ngừng, lắng nghe nguyện vọng của từng cá nhân, tập trung vào đào tạo phát triển, xây dựng lộ trình phát triển nghề nghiệp, tạo sân chơi bình đẳng, ghi nhận và thưởng tương xứng với mức độ hoàn thành công việc cho họ. Có làm như vậy thì năng lực của họ mới có thể phát huy tối đa được. 

Trong quá trình làm việc với họ, tôi nhận thấy họ là những người có kỳ vọng cao vào tổ chức, nhạy bén với thời đại, công nghệ và đầy sáng tạo, tham vọng.

Như vậy “Gen Y” rất quan tâm đến “phát triển sự nghiệp” và việc được thăng tiến, tuy nhiên không phải ai cũng có khả năng trở thành người lãnh đạo giỏi. Vậy ông có thể chia sẻ về chương trình đào tạo “kỹ năng lãnh đạo” do ông giảng dạy tại VietnamWorks?

Vâng, đúng vậy, tôi đã có trên 9 năm kinh nghiệm tại VietnamWorks với lĩnh vực tuyển dụng trực tuyến tại Việt Nam. Vì thế, tôi hiểu và quan tâm tới “kỹ năng lãnh đạo” của từng người được tuyển dụng, tôi muốn họ được trang bị những kỹ năng đó trước khi họ trở thành nhà lãnh đạo giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Đó là tư duy để chúng tôi thiết kế chương trình cho các khóa học này.

Khóa học thực hiện trong 5 tháng với 5 học phần nhằm giúp học viên năm các vấn đề cơ bản  như: kỹ năng lên kế hoạch bám sát vào chiến lược phát triển của công ty, đồng thời nâng cao tư duy và nhận thức về công việc của một người quản lý chuyên nghiệp; biết cách phỏng vấn thuyết phục nhằm chọn đúng người, đúng việc sao cho  phù hợp với văn hóa của doanh nghiệp; nắm rõ quy trình phát triển nhân tài cùng kiến thức, kỹ năng trong khi thực thi công việc; cách xây dựng mối quan hệ đúng đắn với nhân viên trong công việc để họ có thể tin cậy và tôn trọng mình, có được cam kết từ đôi bên, từ đó việc giám sát và đánh giá mới thật sự hiệu quả; biết cách phát huy tối đa năng lực của người nhân viên thông qua việc nắm bắt tâm lý phát triển và các phương pháp động viên tinh thần, cũng như thấu hiểu những quy luật bất biến dành cho người lãnh đạo để giúp họ xây dựng một công ty tăng trưởng và phát triển bền vững. 

Thưa ông, để DN phát triển bền vững chính là nhờ vào những người có kỹ năng lãnh đạo? Làm sao để có được đội ngũ nhân sự như vậy khi mà đến một lúc nào đó họ sẽ lại rời DN để ra đi?

Để người lãnh đạo giúp công ty tăng trưởng doanh số và lợi nhuận hàng năm, theo quan điểm của tôi, cách tối ưu nhất là thông qua công việc “phát triển nhân lực” liên tục và đều đặn ngay tại DN. Đây là một hình thức đầu tư vào con người và là hình thức sinh lợi nhiều nhất. 

Khi DN làm tốt vai trò “phát triển nhân lực” thì cái gì đến sẽ đến. Họ sẽ xây dựng được “sự tin cậy” giữa các cấp. DN sẽ có những nhân viên nhiệt huyết, tận tâm và sẽ có những khách hàng đối tác chiến lược lâu dài. Tất cả những điều này sẽ đóng góp cho sự tăng trưởng và phát triển bền vững của DN.

Ông Zig Ziglar - một người thầy vĩ đại trong lãnh vực giáo dục của Hoa Kỳ có nói: “Huấn luyện, phát triển nhân viên và nhân viên ra đi thì còn tốt hơn là giữ chân họ mà không huấn luyện phát triển họ”. Đây là câu nói mà tôi rất tâm đắc.

Năm 2017 đã kết thúc và nền kinh tế Việt Nam đã có những khởi sắc để tiếp tục thu hút nguồn vốn FDI vào VN. Thị trường tuyển dụng và xu hướng quản trị nhân sự năm 2018 sẽ như thế nào để nâng tầm con người, thưa ông?

Hiện nay ba nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore vẫn dẫn đầu về nguồn vốn FDI tại Việt Nam, nên tôi dự đoán trong năm tới, nhu cầu tuyển dụng ứng viên có kinh nghiệm và ứng viên cấp cao trong lĩnh vực sản xuất và công nghệ thông tin vẫn tiếp tục tăng cao, đặc biệt là các ứng viên biết nói tiếng Hàn, tiếng Nhật.

Trong năm 2018, về quản trị nhân sự cần phải phải đẩy mạnh hơn nữa mô hình “đối tác chiến lược kinh doanh” (Human Resource Business Partner - HRBP) bởi nó có thể dự báo và ứng phó kịp thời những sự thay đổi ngày càng nhanh chóng từ thế giới bên ngoài. Ngoài ra, nó còn giúp mọi người trong tổ chức ở các cấp độ có thể nắm bắt kiến thức và kỹ năng tối thiểu để hội nhập nhanh chóng với xu hướng thời đại kỹ thuật số hiện nay. Ngoài ra, “xây dựng văn hóa học hỏi” cũng chính là yếu tố quan trọng giúp nâng tầm vốn con người để DN phát triển bền vững.

PHƯƠNG MINH (thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh