THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:19

Nhiều người cao tuổi muốn được nuôi dưỡng ở cơ sở bảo trợ của Nhà nước

Một góc Trung tâm ND&CC DVCTXH Thừa Thiên Huế

Sáng 31/8, Sở LĐ – TB&XH Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định của UBND tỉnh này về quy định tập trung người lang thang trên địa bàn vào nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe ông Trần Quốc Hùng- Giám đốc Trung tâm ND&CC DVCTXH thông qua Đề án chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi tự nguyện, tự đóng góp kinh phí vào sống tại Trung tâm.

Theo đó, ngày 3/8 vừa qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có Quyết định số 55/QĐ – UBND thay thế cho Quyết định 1298/QĐ – UBND ngày 2/6/2008 về việc tập trung nuôi dưỡng người lang thang xin ăn, cơ nhỡ, người tâm thần lang thang trên địa bàn tỉnh. Đối tượng áp dụng là người lang thang xin ăn; người tâm thần lang thang; người dẫn dắt trẻ em; người khuyết tật hoặc mang theo trẻ em; người khuyết tật đeo bám chèo kéo người đi đường, khách du lịch và các đối tượng xã hội khác.

Được biết hiện nay, Trung tâm ND&CC DVCTXH Thừa Thiên Huế đang quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng khoảng 100 đối tượng các loại. Bên cạnh đó, từ năm 2012 đến nay, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh cũng đã tiếp nhận 121 người tâm thần lang thang vào nuôi dưỡng tại Trung tâm.

Các đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội đang được quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng tại Trung tâm ND&CC DVCTXH

Hiện nay, do sự tác động của nền kinh tế thị trường, nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế cũng có nhu cầu, nguyện vọng đưa người thân cao tuổi vào sinh sống tại các cơ sở bảo trợ của Nhà nước. Nhiều người cao tuổi muốn có cuộc sống tự do hơn, thoải mái hơn, chưa muốn làm phiền đến con cái hoặc người thân,…

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có khoảng 250.000 đối tượng cần hỗ trợ, giúp đỡ của các dịch vụ công tác xã hội, trong đó: khoảng 115.000 người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên); khoảng 29.000 người khuyết tật và nhiều nhóm đối tượng khác. Vì vậy, việc triển khai dự án chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi tự nguyện đóng góp kinh phí ở thời điểm này là cần thiết và phù hợp.

Trên thực tế, hiện nay đã có nhiều cơ sở bảo trợ xã hội ở các tỉnh thành như: Hà Nội, Hà Giang, Bắc Giang, Thái Bình, Hà Nam, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hà Tĩnh,…đã và đang tiếp nhận nuôi dưỡng đối tượng tự nguyện. Từ kết quả của các địa phương đang triển khai mô hình đã góp phần làm giảm gánh nặng và sức ép cho xã hội; góp phần làm cho xã hội văn minh hơn, công bằng hơn, trật tự xã hội tốt hơn.

Ông Trần Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm ND&CC DVCTXH Thừa Thiên Huế cho biết, Đề án được tiến hành qua 2 giai đoạn. Đối tượng áp dụng là người cao tuổi không thuộc đối tượng bảo trợ xã hội. Từ tháng 7/2017, Trung tâm tổ chức thí điểm nuôi dưỡng đối tượng tự nguyện; tổng số đối tượng thí điểm dự kiến là 10 người. Mục tiêu của Đề án là từng bước hình thành mô hình cung cấp dịch vụ chăm sóc thay thế và đẩy mạnh xã hội hóa chăm sóc các đối tượng yếu thế.

“Khi tham gia Đề án, các đối tượng sẽ được đảm bảo tất cả các quyền lợi theo đúng chế độ, như: đảm bảo về tính mạng, tài sản; được quản lý, chăm sóc theo chế độ của Trung tâm; được hưởng lợi các dịch vụ về y tế, văn hóa và các tiện ích xã hội khác,…”, ông Hùng khẳng định.

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh