CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:24

Thí điểm kinh doanh dịch vụ sau 24h

 

Từ 1/9, Hà Nội thí điểm kinh doanh dịch vụ đến 2h sáng. Ảnh chụp tại phố Tạ Hiện. Ảnh: Như Ý.Từ 1/9, Hà Nội thí điểm kinh doanh dịch vụ đến 2h sáng. Ảnh chụp tại phố Tạ Hiện. Ảnh: Như Ý.

Nới “giới nghiêm” đến 2h sáng

Ngày 24/8, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung trực tiếp chủ trì cuộc họp với UBND quận Hoàn Kiếm và các đơn vị liên ngành để “chốt” thời điểm triển khai phố đi bộ, tại không gian văn hóa hồ Gươm, đồng thời, xem xét cho thí điểm kinh doanh dịch vụ tại một số địa điểm sau 24h trên địa bàn quận Hoàn Kiếm để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. 

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung ấn định, từ ngày 1/9, UBND quận Hoàn Kiếm sẽ tổ chức thí điểm mô hình kinh doanh sau 24h vào 3 ngày cuối tuần. Các địa điểm dịch vụ được lựa chọn bao gồm: Khách sạn có từ 3 sao trở lên, quán bar, phố ẩm thực Cấm Chỉ - chợ Đồng Xuân, các nhà hàng đặc sản. Đồng ý cho thực hiện thí điểm kinh doanh sau 24h, nhưng người đứng đầu thành phố cũng yêu cầu quận Hoàn Kiếm và các đơn vị kiên quyết không cho phép kinh doanh hàng rong, hàng ăn vặt trên vỉa hè, bởi việc này sẽ gây ra tiếng ồn và ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường xung quanh.

Song song với việc cho phép thí điểm kinh doanh sau 24h, UBND thành phố yêu cầu quận Hoàn Kiếm thực hiện nghiêm việc quản lý đối với các dịch vụ kinh doanh. Cụ thể, các nhà hàng, quán bar, khách sạn  (tối thiểu 3 sao) nếu muốn kinh doanh sau 24h phải đăng ký với UBND quận Hoàn Kiếm trước ngày 1/9. Quán bar phải đảm bảo hệ thống cách âm, phương án đảm bảo an ninh trật tự để không làm ảnh hưởng đến dân cư; phải lắp đặt wifi. Đặc biệt, tất cả các quán bar đăng ký kinh doanh sau 24h đều phải cam kết không bán rượu cho trẻ em. “Chúng ta cứ mạnh dạn thực hiện thí điểm, tôi tin chủ trương cho phép kinh doanh sau 24h sẽ thành công…”, ông Chung nói.

3 ngày cuối tuần dành cho không gian đi bộ

Cùng với việc gỡ bỏ giờ “giới nghiêm”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đồng ý giao cho quận Hoàn Kiếm tổ chức triển khai phố đi bộ ra không gian văn hóa hồ Gươm và các vùng phụ cận từ ngày 1/9. Theo đó, không gian đi bộ sẽ bao gồm các tuyến phố: Đinh Tiên Hoàng, Lê Lai, Lê Thạch, Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Tràng Tiền (đoạn từ Ngô Quyền đến Đinh Tiên Hoàng), Hàng Khay, Lê Thái Tổ (một nửa đường), Lò Sũ, Hàng Dầu, khu vực Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Trần Nguyên Hãn (từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tổ), Lương Văn Can (đoạn từ Hàng Gai đến Lê Thái Tổ), một phần phố Bảo Khánh, Tràng Thi, Hàng Trống.

Các hoạt động văn hóa thể thao sẽ được tổ chức tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, đền Bà Kiệu, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, 16 Lê Thái Tổ, tượng đài Lê Thái Tổ, cầu Thê Húc. Trong đó có các chương trình đặc sắc như: nhạc nước, ánh sáng nghệ thuật, ca trù, hát chèo, nhạc cụ dân tộc và Phố Sách tại khu vực Nguyễn Xí, Đinh Lễ.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung yêu cầu UBND quận Hoàn Kiếm, Sở Du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao và các đơn vị liên quan không chỉ tập trung phát triển dịch vụ mà phải chú trọng vào nhiệm vụ làm văn hóa ở phố đi bộ để tạo thành nét đặc trưng văn hóa riêng cho không gian đi bộ Hà Nội. Thay vì chỉ triển khai vào buổi tối ngày thứ Bảy và Chủ nhật, 10 tuyến phố đi bộ bắt đầu triển khai từ 1/9 ở khu vực hồ Gươm sẽ duy trì hoạt động liên tục, kéo dài từ 19h tối thứ Sáu đến 24h đêm Chủ nhật.

Để đáp ứng nhu cầu thông tin của du khách, UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với Công an quận Hoàn Kiếm, VNPT Hà Nội triển khai lắp đặt các điểm wifi miễn phí tại những vị trí thuận lợi xung quanh Hồ Gươm, đảm bảo việc truy cập internet của du khách được thông suốt. Việc lắp đặt wifi phải xong trước ngày 1/9.

Với mục tiêu chú trọng phát triển văn hóa, Chủ tịch thành phố giao Sở Văn hóa - Thể thao phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm lựa chọn ra một vị trí đẹp thuận lợi để nhạc công chơi đàn guitar, đàn bầu, nhạc cụ dân tộc cố định trong thời lượng khoảng 1 giờ. Chọn ra địa điểm cố định tổ chức ca nhạc trong khoảng 2 giờ ở khung thời gian thích hợp tạo thành những điểm biểu diễn nghệ thuật cố định về địa điểm - khung giờ cho du khách tìm đến thưởng thức, chứ không tổ chức biểu diễn nghệ thuật thâu đêm.

Thành phố giao Sở GTVT Hà Nội, Công an Hà Nội tổ chức phân luồng giao thông, lập các điểm trông giữ xe để người dân gửi xe thuận lợi. Tổ chức di dời bãi trông xe ở khu vực phố Đinh Tiên Hoàng (trước nhà hàng hàm cá mập) trong 3 ngày cuối tuần, lấy điểm trông xe thành bến xe điện phục vụ việc đưa đón người dân ra vào phố đi bộ.

 

Cùng với việc gỡ bỏ giờ “giới nghiêm”, việc mở rộng phố đi bộ ra không gian văn hóa Hồ Gươm và các vùng phụ cận được triển khai từ ngày 1/9. Không gian đi bộ sẽ bao gồm các tuyến phố: Đinh Tiên Hoàng, Lê Lai, Lê Thạch, Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Tràng Tiền (đoạn từ Ngô Quyền đến Đinh Tiên Hoàng), Hàng Khay, Lê Thái Tổ (một nửa đường), Lò Sũ, Hàng Dầu, khu vực Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Trần Nguyên Hãn (từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tổ), Lương Văn Can (đoạn từ Hàng Gai đến Lê Thái Tổ), một phần phố Bảo Khánh, Tràng Thi, Hàng Trống. 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh