Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn tạo cơ hội cho phụ nữ phát triển
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 00:42 - 05/03/2016
Tham dự Diễn đàn có: Chủ tịch Uỷ ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền; Phó Chủ tịch Uỷ ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm; Điều phối viên thường trú của Liên Hợp quốc tại Việt Nam Pratibha Mehta cùng hơn 100 đại biểu đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các cơ quan của Liên hợp quốc, Tổ chức phi chính phủ…
Nhiều thay đổi về nhận thức
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm tới công tác bình đẳng giới và bảo đảm quyền con người của phụ nữ và trẻ em gái trong những năm qua. Từ năm 2010 đến nay đã có 40 đạo luật được lồng ghép giới, hàng loạt các văn bản dưới luật được xây dựng đảm bảo xem xét đến yếu tố giới. Đồng thời, công tác tổ chức thực hiện Chiến lược, Chương trình quốc gia về bình đẳng giới từ cấp trung ương đến địa phương được đánh giá tốt.
Đoàn chủ tọa Diễn đàn
Một số chính sách nổi bật về bình đẳng giới mới được ban hành như: hỗ trợ phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số; Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu “Giảm khoảng cách giới và nâng cao vị thế của phụ nữ trong một số lĩnh vực, ngành, vùng, địa phương có bất bình đẳng giới hoặc có nguy cơ bất bình đẳng giới cao, góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020”. Đặc biệt lần đầu tiên Việt Nam đã có “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới” từ ngày 15/11 đến 15/12 hằng năm; Đề án “Giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình tại khu vực nông thôn Việt Nam giai đoạn 2015 - 2020”; Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025”.
Với hệ thống pháp lý ngày càng hoàn thiện, nhận thức xã hội về bình đẳng giới được nâng cao, việc thực hiện pháp luật bình đẳng giới và các cam kết quốc tế như Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ (CEDAW), Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, bên cạnh những thành tựu trên, việc triển khai công tác bình đẳng giới vẫn còn những khó khăn, thách như: Tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái chưa giảm và có chiều hướng diễn biến phức tạp. Chỉ số chênh lệch giới tính khi sinh vẫn tiềm ẩn nhiều vấn đề xã hội liên quan. Tác động của biến đổi khí hậu đối với cuộc sống của cả nam giới và phụ nữ. Ở một số vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, phụ nữ và trẻ em gái còn bị ràng buộc bởi phong tục tập quán lạc hậu…
Sẽ đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu
Tại Diễn đàn, chuyên gia Chương trình của Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) Nguyễn Phương Ly cho rằng, mặc dù Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về bình đẳng giới trong lao động, việc làm, tuy nhiên trong thực tế lao động nữ làm công ăn lương chỉ chiếm 30,6% trong tổng số lao động nữ, trong khi đó ở nam giới con số này là 40%. Phụ nữ chủ yếu tập trung làm các công việc được trả lương thấp, công việc chất lượng thấp và được trả lương ít hơn nam giới có cùng công việc có giá trị tương đương. Thiếu sự công bằng trong độ tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái diễn biến phức tạp, tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo và quản lý ở Việt Nam còn thấp, chưa tương xứng với lực lượng và sự đóng góp của lao động nữ…
Trao đổi về vấn đề tuổi nghỉ hưu của nữ, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về lao động, cũng như là cơ quan trình Bộ luật Lao động, trong đó có quy định về độ tuổi nghỉ hưu theo chế độ bảo hiểm, Bộ đã đề nghị đối với phụ nữ có tuổi nghỉ hưu như nam giới, trừ những nhóm phụ nữ ở những hoàn cảnh cụ thể, đặc biệt thì có thể được quyền nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn khoảng 5 tuổi. Tuy nhiên, theo ý kiến chung tại Việt Nam nên Quốc hội đã quyết định như hiện nay.
Nhưng những vấn đề trước mắt để giải quyết đối với số nữ làm việc trong những điều kiện thuận lợi như ở cơ quan hành chính, sự nghiệp… Bộ LĐ –TB&XH sẽ tiếp tục có đề án để trình. Theo đó, số lao động nữ này sẽ được nghỉ hưu bằng độ tuổi nam giới ở độ tuổi 60.
Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh: “ Bình đẳng giới là một vấn đề liên quan đến chính trị và chỉ có thể đạt được khi những cam kết và hành động của các nhà lãnh đạo cấp cao. Vào ngày 27/9/2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã cam kết Việt Nam sẽ nỗ lực thực hiện mọi biện pháp để xoá bỏ khoảng cách giới trong tất cả các lĩnh vực. Tôi hy vọng rằng nhiều nguồn lực hơn sẽ được phân bổ và gia tăng gấp đôi các nỗ lực để thực hiện Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới và Chương trình hành động Quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020”.
Kết thúc Diễn đàn, Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam và đại diện của Liên hợp quốc đã cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình thúc đẩy bình đẳng giới để đảm bảo một xã hội công bằng cho phụ nữ và trẻ em gái. Bình đẳng thực chất sẽ mang lại một tương lai bền vững cho Việt Nam.
Một số kết quả nổi bật về bình đẳng giới trong các lĩnh vực: Trong lĩnh vực chính trị, có 3 thành viên của Bộ Chính trị là nữ và chiếm 15,78%, tỷ lệ nữ trong chi bộ cơ sở nhiệm kỳ 2015-2020 đạt 19,69%. Đây sẽ là nguồn cán bộ tiềm năng tham gia vào đợt bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021; Trong lĩnh vực lao động- việc làm, lao động nữ vẫn duy trì ở mức đạt 48,3% trong tổng số lực lượng lao động cả nước, tỷ lệ phụ nữ tham gia điều hành, quản lý doanh nghiệp đạt 24,9%. Trong lĩnh vực y tế, Liên Hợp quốc ghi nhận Việt Nam có tốc độ giảm tử vong mẹ nhanh so với các nước trong khu vực, tỷ lệ tử vong mẹ đã giảm hơn 3 lần từ 233/100.000 trẻ đẻ sống vào năm 1990 xuống còn 59/100.000 vào năm 2014 và ước năm 2015 là 58,3/100.000.
|