Thêm 9 dự án đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc
- Huyệt vị
- 04:43 - 21/12/2016
9 dự án bao gồm: Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở công nghệ cao cho Trung tâm Giám sát mạng quốc gia; Dự án Khu các trung tâm nghiên cứu, phát triển và ứng dụng chuyển giao công nghệ thuộc Viện Ứng dụng công nghệ; Dự án Trụ sở Chi cục Hải quan Hà Tây; Dự án Nhà máy công nghệ cao SDS; Dự án Đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu phần mềm thuộc Khu công nghệ cao Hòa Lạc; Dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ và giới thiệu sản phẩm HHPD; Dự án Trung tâm Nghiên cứu, thiết kế và sản xuất cơ khí chính xác; Dự án Nhà máy cơ khí công nghệ cao HTMP; Dự án Đầu tư Nhà máy sản xuất thiết bị điện tử thông minh...
Ký kết các Dự án
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc tiếp tục tập trung vào việc cải thiện môi trường đầu tư, chuyên nghiệp hóa đội ngũ, sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế chính sách đặc thù cho Khu CNC Hòa Lạc… để Khu CNC Hòa Lạc trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư công nghệ cao trong nước và nước ngoài.
Bộ trưởng cho rằng, để trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư công nghệ cao trong nước và nước ngoài, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cần tiếp tục tập trung vào cải thiện môi trường đầu tư, chuyên nghiệp hóa đội ngũ, sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế chính sách đặc thù cho Khu CNC Hòa Lạc.
Để hỗ trợ cho sự phát triển của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Bộ trưởng khẳng định sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương cập nhật, điều chỉnh và định hướng các chính sách, văn bản cho phù hợp với tình hình thực tế và xu hướng phát triển của công nghệ.
Về phía UBND thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, Hà Nội đang chuyển mạnh cơ cấu công nghiệp sang ưu tiên phát triển công nghệ cao. Vì vậy Khu CNC Hòa Lạc là một địa bàn trọng điểm phát triển công nghệ cao của Thủ đô.
Theo Chủ tịch Nguyễn Doãn Toản, Hà Nội đang nỗ lực tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo cơ chế ưu đãi đầu tư. Ông cũng khẳng định, các nhà đầu tư đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc được hưởng các chính sách hỗ trợ của Hà Nội cho phát triển công nghệ cao.
Năm 2016 đánh dấu bước chuyển mình của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, chuyển sang giai đoạn tập trung thu hút đầu tư công nghệ cao và phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, hướng tới mục tiêu phát triển thành một thành phố khoa học và công nghệ, một đô thị sinh thái và thông minh, trở thành một yếu tố quan trọng để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế khu vực và cả nước với vai trò là đầu mối tiếp nhận chuyển giao và tiến tới sáng tạo các công nghệ mới.
Trong năm 2016, Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 09 dự án trong lĩnh vực sản xuất, nghiên cứu công nghệ cao, cung cấp dịch vụ,... với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4.330 tỷ đồng (tương đương 200 triệu USD) trên tổng diện tích 15,23 ha, nâng tổng số số dự án tại Khu CNC Hòa Lạc lên con số 78 với tổng vốn đầu tư đăng ký 60.019 tỷ đồng (tương đương khoảng 3 tỷ USD) trên tổng diện tích 348 ha, trong đó có 36 dự án đang hoạt động với trên 10.000 người đang làm việc và học tập trong Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Nhiều trường đại học và viện nghiên cứu với quy mô lớn, theo mô hình tiên tiến được Chính phủ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp hỗ trợ đã và đang được triển khai xây dựng tại đây. Các dự án của các doanh nghiệp công nghệ cao của nước ngoài và các Tập đoàn lớn trong nước (như VNPT, Viettel,....) đã đi vào hoạt động và đã có những đóng góp đáng kể vào phát triển nền kinh tế đất nước.
Đây là những kết quả ban đầu đáng khích lệ để xây dựng và phát triển Khu CNC Hòa Lạc trên cơ sở 4 nền tảng của một khu vực phát triển kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo.
Với những tiền đề đó, Khu CNC Hòa Lạc được kỳ vọng sẽ là một yếu tố quan trọng để xây dựng và phát triển nền kinh tế quốc gia dựa trên đổi mới và sáng tạo, là tiền đề quan trọng để Việt Nam bắt đầu tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cuộc cách mạng công nghiệp của trí tuệ nhân tạo (AI), in 3D, công nghệ tự động thế hệ mới (xe tự lái, tự động hóa mức độ cao,…), năng lượng mới, công nghệ ảo và Internet vạn vật (IoT).