Thẻ vàng cho con tôm, thẻ đỏ cho nhà quản lý
- Huyệt vị
- 17:37 - 26/10/2017
Mới đây nhất, ngày 23/10/2017, Liên minh châu Âu đã chính thức rút thẻ vàng với thủy sản Việt Nam, lý do là đã vi phạm các quy định trong lĩnh vực khai thác hải sản. Và nếu Việt Nam không kịp thời thay đổi thì họ sẽ chính thức rút thẻ đỏ, khi đó thủy sản nước ta sẽ chính thức bị cấm cửa vào châu Âu.
Vươn ra biển lớn, hội nhập toàn cầu rõ ràng không cho phép tồn tại kiểu sản xuất, kinh doanh bạ đâu đánh bắt đó, có gì bán nấy, thậm chí là lạm dụng chất kháng sinh, chất bảo quản, tệ hại hơn nữa là bơm tạp chất vào tôm, cá... Mà những việc đó thì ở xứ ta lại đang tồn tại như một tất yếu, một sự hiển nhiên. Những ngày này, dư luận đang hết sức bất bình khi ở Quảng Trị rất nhiều hộ đã trộn đủ thứ như đất đá, hóa chất, cành cây, nước, thạch cao, bột sắn... vào mủ cao su để bán cho các doanh nghiệp chế biến. Sự việc nghiêm trọng đến độ, theo thống kê thì cứ một tấn mủ có khoảng hai tạ tạp chất được người nông dân trộn vào.
Rõ ràng tùy tiện trong khai thác, gian dối về chất lượng sản phẩm đang là một vấn nạn cực kỳ nghiêm trọng không chỉ làm ảnh hưởng đến kinh tế mà quan trọng hơn là uy tín của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Vậy tại sao lối kinh doanh gian dối, chụp giật, chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt từ bao nhiêu năm nay vẫn tồn tại một cách ngang nhiên?
Trước hết đó là bởi lòng tham, sự thiển cận của những người trực tiếp làm ra sản phẩm, của những tư thương muốn nhanh giàu nên bất chấp thủ đoạn, mánh lới. Nhưng cái sai, cái lỗi lớn hơn, quan trọng hơn phải thuộc về các nhà quản lý, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu.
Các nhà quản lý đã buông lỏng sự kiểm tra giám sát, các cơ quan thực thi pháp luật còn nương tay và đây chính là mảnh đất màu mỡ cho sự gian dối tồn tại. Các cơ quan chức năng chưa làm tròn chức trách, nhiệm vụ của mình nên mới bị người ta rút thẻ vàng cảnh cáo. Nguyên tắc chống khai thác bất hợp pháp (IUU) mà châu Âu dựa vào để ngăn cản thủy sản Việt Nam là chương trình chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý. Chương trình này đã được công khai ban hành từ năm 2002. Nếu các cơ quan có trách nhiệm cảnh báo, nhắc nhở, có kế hoạch triển khai thực hiện thì sao có việc bị rút thẻ như trên.
Đã đến lúc, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, phải siết chặt kỷ cương, xử lý nặng tay với những hành vi sai trái. Các cơ quan quản lý cũng cần thể hiện rõ vai trò quyết định của mình không chỉ trong việc hướng dẫn, cảnh báo mà còn kịp thời ngăn chặn những lô hàng chưa đáp ứng đầy đủ các quy định của đối tác nước ngoài.
Xung quanh việc này, dư luận không chỉ lo lắng mà còn thấy nên rút thẻ đỏ cho các cơ quan liên quan đến việc xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào châu Âu.