THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:59

Thế hệ hôm nay lát một viên đá trên con đường lịch sử hướng đến thịnh vượng

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu, giải trình các chất vấn của đại biểu chiều 1/11

 

Chiều 1/11, cuối phiên chất vấn kéo dài 3 ngày (từ 30/10 đến 1/11), vào lúc 15h50 đến 16h35, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian phát biểu, giải trình các chất vấn của đại biểu Quốc hội. Cuối cùng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết thúc.

Đầu tiên, Thủ tướng cảm ơn sự tín nhiệm của các Đại biểu Quốc hội dành cho Thủ tướng cũng như các thành viên Chính phủ. “Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội, dù tín nhiệm cao hay tín nhiệm thấp đều có chung ý nghĩa thôi thúc Chính phủ trong việc thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ phát triển đất nước còn rất nhiều thách thức ở phía trước”, Thủ tướng nói.

Đến năm 2045, quy mô GDP ước đạt khoảng 2.500 tỷ USD

Thủ tướng nhìn nhận, với tốc độ tăng trưởng tương tự như mức tăng trung bình của 3 thập niên qua thì đến năm 2045, quy mô GDP nước ta ước tính sẽ đạt mức khoảng 2.500 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng gần 18.000 USD.

Mục tiêu này, theo người đứng đầu Chính phủ là một thách thức rất lớn, “vì khi thu nhập ngày càng cao, việc đạt thêm % tăng trưởng sẽ càng khó khăn hơn. Nhưng chúng ta và các thế hệ tiếp theo phải luôn nuôi dưỡng khát vọng và không ngừng phấn đấu nhằm hiện thực hóa mục tiêu này”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

“Thế hệ chúng ta hôm nay cần ý thức sâu sắc trách nhiệm nặng nề, đó là lát một viên đá trên con đường lịch sử hướng đến sự thịnh vượng cho dân tộc”, Thủ tướng nhấn mạnh thêm.

Theo đó, Thủ tướng cho rằng, nhiệm vụ đặt ra đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đổi mới tư duy, cách nghĩ cách làm, tạo quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện tốt mọi chủ trương đường lối của Đảng.

Điều này càng trở nên cấp bách khi cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt, nền kinh tế chúng ta đã và đang hội nhập sâu rộng ở mức độ chưa từng có vào kinh tế khu vực và toàn cầu, Việt Nam đã ký kết 12 Hiệp định thương mại tự do và 4 Hiệp định đang trong tiến trình đàm phán, ký kết.

Khi xã hội khá giả hơn, nhu cầu không chỉ là “ăn ngon mặc đẹp”, mà còn là không gian phát triển ngày càng rộng mở hơn, hội nhập hơn với xu thế tiến bộ toàn cầu.

Ông cho rằng mục tiêu duy nhất là đưa con người vào trọng tâm của quá trình phát triển. Phát triển bền vững trên ba trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường, đảm bảo mọi thành viên trong xã hội có thể tham gia đóng góp và hưởng lợi tương xứng từ tăng trưởng, không để ai bị bỏ lại phía sau, đó là nền tảng của phát triển bao trùm.

Các thành viên Chính phủ bên hành lang Quốc hội. Trong ảnh: Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đang trao đổi cùng Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Tân Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng giữa "vòng vây" của báo chí

 

Nắm bắt xu thế công nghệ và chuyển động của thế giới toàn cầu hóa

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, nhiệm vụ phát triển đặt ra cho Việt Nam trong 5 - 10 năm tới và xa hơn đòi hỏi chúng ta phải nắm bắt những xu thế công nghệ và chuyển động của thế giới toàn cầu hóa mà chúng ta đang phải đối mặt.

Thủ tướng nhìn nhận, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đem đến cho chúng ta khả năng đi tắt đón đầu và cả nguy cơ bị bỏ lại phía sau nếu chúng ta không biết nắm bắt cơ hội hoặc bàng quan vô cảm trước các chuyển động xu thế công nghệ và tiến trình toàn cầu hóa.

Một trong những mục tiêu kiến tạo - phát triển của Chính phủ chính là thúc đẩy sự kết nối tự nhiên giữa các thành phần và khu vực trong toàn bộ nền kinh tế, cùng nhau hướng tới sự cân bằng và thống nhất trong đa dạng.

“Chính Phủ xem đây là một trong những chìa khóa giúp tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế trước mọi biến động, hướng tới mục tiêu xây dựng một nền kinh tế tự cường, thịnh vượng trong kỷ nguyên toàn cầu hóa”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng nhắc đến câu nói: “Một đàn chim muốn bay nhanh không chỉ do con chim đầu đàn quyết định mà còn phụ thuộc vào con chim cuối đàn”. Tuy nhiên, ông cho rằng “đàn chim sẽ bay nhanh hơn rất nhiều nếu mọi con chim cuối đàn đều có chung khát vọng, vượt lên chính mình, bay nhanh hơn nữa để có cơ hội gia nhập vào nhóm đầu đàn”.

Thủ tướng cho rằng nếu tất cả 63 tỉnh thành, những người ngồi đây, cùng toàn bộ hệ thống chính trị cùng chung khát vọng đó, trong mọi hoàn cảnh trên từng chặng đường phát triển của đất nước thì chắc chắn Việt Nam sẽ tiến một bước rất dài đến con đường thịnh vượng, sánh vai được với các cường quốc năm châu như mong ước của Bác Hồ năm xưa.

Thủ tướng cũng nhắc lại câu nói của anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo đã chỉ ra chân lý là phải khoan thư sức dân thì đất nước mới mạnh, mới sâu rễ bền gốc. Để khoan thư sức dân, ông cho rằng các ngành, các cấp phải nêu gương trong việc tiết kiệm công quỹ, quyết liệt chống tiêu cực, lãng phí.

Không chỉ vậy, mọi người, đặc biệt là cấp lãnh đạo phải là những tấm gương về tinh thần làm việc tận tụy, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả, vì lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng cho biết dân số Việt Nam dự báo sẽ đạt 96.963.958 người vào đầu năm 2019. Ông cho rằng nói đến con số lẻ để hiểu và đặt sự lưu tâm đến từng người dân, không để bất kỳ ai bị bỏ sót hay cảm thấy bị bỏ sót trong các chính sách phát triển.

9 trọng tâm thời gian tới

Để kết thúc bài trình bày, người đứng đầu Chính phủ cảm ơn các đại biểu về những ý kiến thảo luận, chất vấn đã giúp Chính phủ nhận diện rõ nét hơn những hạn chế, bất cập, trên cơ sở đó đề ra chương trình hành động và giải pháp sát thực tiễn để giải quyết những vấn đề đang đặt ra. 

"Như phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong lễ nhậm chức: Tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn, không được quá say sưa với thắng lợi, càng không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế", Thủ tướng viện dẫn và "đề nghị tất cả chúng ta hãy cùng nhau tập trung sức lực, làm thật tốt những nhiệm vụ trong những tháng còn lại của năm 2018 cũng như thời gian còn lại của nhiệm kỳ này". 

Và cuối cùng, Thủ tướng điểm nhanh một số trọng tâm mà Chính phủ sẽ triển khai, gồm:

Thứ nhất, kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia, an ninh tiền tệ, an ninh lương thực, an ninh truyền thống và phi truyền thống.

Thứ hai, quyết liệt tái cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thứ ba, thực hiện nghiêm túc kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020, sử dụng ngân sách hiệu quả, chống thất thu.

Thứ tư, thực hiện mạnh mẽ 3 đột phá chiến lược, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải chiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh.

Thứ năm, ưu tiên phát triển bền vững văn hóa, xã hội, y tế, đầu tư phát triển giáo dục theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế.

Thứ sáu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, xử lý nghiêm những vụ án tham nhũng.

Thứ bảy, tăng cường quốc phòng an ninh, đảm bảo độc lập, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững sự ổn định chính trị - xã hội và môi trường hòa bình để phát triển đất nước.

Thứ tám, nâng cao hiệu quả đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước.

Thứ chín, nỗ lực hết sức nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế tinh gọn và hiệu quả, xứng đáng với niềm tin của nhân dân và Quốc hội.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh