CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:22

Thế giới ghi nhận trên 1,6 triệu ca mắc COVID-19 trong vòng 24 giờ qua

Theo TTXVN, số lệu từ trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 1,6 triệu ca mắc COVID-19 và trên 4.100 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã là 475,7 triệu ca, trong đó trên 6,12 triệu ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Hàn Quốc (490.881 ca), Đức (301.544 ca) và Pháp (145.560 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (499 ca), Nga (429 ca) và Đức (331 ca).

Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 81,4 triệu ca mắc COVID-19 và trên 1 triệu ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 43 triệu ca mắc và trên 516.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 29,7 triệu ca mắc và trên 657.000 ca tử vong.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Perth, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Perth, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN

VTV cũng đưa tin, sự xuất hiện của biến thể Omicron khiến số ca mắc COVID-19 tại Lào trong những ngày gần đây gia tăng nhanh chóng. Bộ Y tế Lào cho biết nước này ghi nhận tới 2.625 ca mắc mới COVID-19, đây là mức cao nhất mà Lào từng ghi nhận kể từ đầu dịch, theo đó nâng tổng số ca mắc lên 159.047 ca, trong đó có 652 ca tử vong. Bộ Y tế Lào kêu gọi người dân tiếp tục thực hiện nghiêm biện pháp phòng ngừa lây nhiễm COVID-19 và đi tiêm vaccine, không nên coi đây là căn bệnh không nghiêm trọng và có thể điều trị dễ dàng, dẫn đến việc lơ là trong các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm.

Trong khi đó, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã chỉ thị nới lỏng thủ tục nhập cảnh cho du khách nước ngoài đến nước này nhằm thúc đẩy hoạt động du lịch quốc tế, tăng vốn đầu tư nước ngoài và khôi phục việc làm trong ngành du lịch. Ngoài ra, Chính phủ Philippines cũng thông qua chương trình nghị sự chính sách 10 điểm nhằm đẩy nhanh và duy trì sự phục hồi kinh tế của đất nước sau đại dịch COVID-19. Đến nay, Philippines có hơn 3,67 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 58.281 ca tử vong. Hơn 65,2 triệu người, tức 72,49% dân số, đã được tiêm đủ liều cơ bản vaccine ngừa COVID-19 kể từ khi chương trình được triển khai từ tháng 3/2021.

Tại Nam Á, Cơ quan kiểm soát dược phẩm Ấn Độ (DCGI) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược Novavax Inc cho tuổi từ 12-17. Đây là phê duyệt đầu tiên trên thế giới cho sử dụng loại vaccine trên đối với nhóm tuổi từ 12-17.

Người dân Pháp đeo khẩu trang khi đi ra đường. (Nguồn: BBC)

Người dân Pháp đeo khẩu trang khi đi ra đường. (Nguồn: BBC)

 

Tại châu Đại Dương, người dân Australia có thể chuẩn bị tiêm mũi vaccine thứ tư trong bối cảnh biến thể phụ của Omicron đang làm tăng nhanh số ca nhiễm mới trong những ngày gần đây và việc bỏ các quy định cách ly đối với gia đình có người nhiễm có thể khiến dịch bùng phát trong thời gian tới. Nhóm Cố vấn kỹ thuật về tiêm chủng (ATAGI) của Australia có thể thông qua kế hoạch tiêm liều bổ sung, dự kiến bắt đầu từ ngày 23/3. Trong bối cảnh Australia đang dần chuyển sang chiến lược sống chung với COVID-19 và nỗ lực hồi sinh ngành du lịch, chính phủ đã quyết định bỏ yêu cầu xét nghiệm COVID-19 trước khi nhập cảnh đối với du khách quốc tế.

Tại châu Âu, Bộ Y tế Pháp ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 tăng cao nhất kể từ đầu tháng 2 vừa qua, với 180.777 ca, trong khi số ca nhập viện cũng tăng ngày thứ ba liên tiếp. Như vậy, Pháp đến nay ghi nhận tổng cộng 24,3 triệu ca mắc COVID-19 trong bối cảnh nước này đã mở cửa trở lại trường học sau 2 tuần nghỉ lễ. Số ca mắc mới trung bình trong 7 ngày cũng tăng tới gần 99.000 ca - ngưỡng được ghi nhận từ cuối tháng 12/2021 đến giữa tháng 2/2022 - do biến thể Omicron lây lan nhanh. Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Olivier Veran cho rằng xu hướng này sẽ đảo ngược vào cuối tháng này.

Đức cũng ghi nhận 250.068 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu dịch lên 19,086 triệu ca. Nước này cũng ghi nhận thêm 290 ca tử vong, theo đó tổng số ca tử vong từ đầu dịch tới nay tăng lên 127.263 ca. Hiện trên cả nước Đức có khoảng 4 triệu người đang mắc COVID-19. Làn sóng lây nhiễm COVID-19 hiện đang bùng phát mạnh ở Đức và nhiều chính trị gia Đức đã mắc bệnh, trong đó mới đây nhất là Tổng thống liên bang Đức Frank-Walter Steinmeier và Phu nhân Elke Büdenbender.

Tổng thống Frank-Walter Steinmeier có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Nguồn: dpa

Tổng thống Frank-Walter Steinmeier có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Nguồn: dpa

 

Trong khi đó, Tây Ban Nha và Gruzia thông báo nới lỏng một số hạn chế phòng chống dịch COVID-19 trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại hai quốc gia ở châu Âu này đang có tiến triển tích cực. Tại Tây Ban Nha, những người mắc COVID-19 không có biểu hiện triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ sẽ không còn phải cách ly 7 ngày. Việc xét nghiệm chẩn đoán cũng sẽ không còn bắt buộc đối với những người có thể mắc COVID-19, mà sẽ chỉ được yêu cầu thực hiện đối với những người có nguy cơ lây nhiễm cao như những người trên 60 tuổi, thai phụ hoặc những người mắc bệnh suy giảm miễn dịch.

Tại châu Mỹ, dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy số ca mắc mới COVID-19 ở nước này nhìn chung đang trên đà giảm từ mức đỉnh hồi tháng 1 vừa qua. Hiện tại cứ 3 ca mắc mới tại Mỹ có 1 ca do biến thể "Omicron tàng hình" gây ra. Người phát ngôn của Chính phủ Mỹ Jen Psaki cũng thông báo có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và do vậy không thể tháp tùng Tổng thống Joe Biden đi châu Âu từ ngày 23-25/3 như kế hoạch ban đầu. Đây là lần thứ hai bà Psaki mắc COVID-19 sau lần mắc đầu tiên vào tháng 10/2021.

Trong khi đó, số ca mắc mới tại Chile đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 2 tháng qua. Cụ thể, Chile ghi nhận 5.045 ca mắc mới và 11 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số lên 3.406.540 ca mắc và 55.976 ca tử vong. Hiện số ca mắc mới ghi nhận hàng ngày tại quốc gia Nam Mỹ này đang trên đà giảm đều đặn, với chưa tới 15.000 ca/ngày.

BP (tổng hợp)

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh