THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:02

Thế giới có hơn 140,4 triệu người mắc Covid-19

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong ngày 16/4, có tới 116 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca Covid-19 mới; 105 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng mạnh trở lại.

Thế giới có trên 140,4 triệu người mắc COVID-19 - Ảnh 1.

Thế giới có trên 140,4 triệu người mắc COVID-19

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch Covid-19 vẫn là Mỹ với trên 32,2 triệu ca mắc và hơn 579.600 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 66.500 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Sau Mỹ là Ấn Độ với 14.382.582 ca mắc và 174.699 ca tử vong. Số liệu của Bộ Y tế Ấn Độ công bố ngày 16/4 cho thấy, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 217.353 ca mắc Covid-19, mức tăng kỷ lục lần thứ 8 trong 9 ngày qua.

Trong bối cảnh đó, tốc độ tiêm phòng Covid-19 hằng ngày tại Ấn Độ đang bị chậm dần do nguồn cung vaccine hạn chế và lệnh cấm xuất khẩu nguyên liệu của Mỹ. Hiện nước này chỉ còn khoảng 30 triệu liều vaccine, đủ tiêm cho 10 ngày.

Đứng thứ 3 về số ca mắc Covid-19 trên thế giới là Brazil với 13.758.093 ca, trong đó có 365.954 ca tử vong. Hiện các bệnh viện công ở bang Sao Paulo - một trong những địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, đang thiếu hụt thuốc men cũng như vật tư y tế cho thủ thuật đặt ống nội khí quản trong điều trị các bệnh nhân Covid-19.

Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận hơn 74.300 ca mắc Covid-19 mới, nâng tổng số người nhiễm lên trên 13,8 triệu trường hợp. Đến nay, hơn 368.700 bệnh nhân Covid-19 đã không qua khỏi ở quốc gia này…

Tại châu Âu, Đức đang chật vật ứng phó với làn sóng lây nhiễm thứ ba. Ngày 16/4, Thủ tướng Angela Merkel cảnh báo tình hình dịch bệnh trong nước đang "rất nghiêm trọng" khi số bệnh nhân phải chăm sóc tích cực đã tăng mạnh ở mức cao nhất kể từ ngày 22/1 vừa qua. Bà kêu gọi Quốc hội Đức phê chuẩn dự luật sửa đổi Luật Phòng, chống lây nhiễm để có thể siết chặt các biện phòng dịch một cách thống nhất trên cả nước.

Trong khi đó, một số quốc gia khác ở châu Âu lại đang nới lỏng các biện pháp hạn chế sau khi tình hình dịch bệnh có sự cải thiện. Cụ thể, Bồ Đào Nha có kế hoạch nối lại các chuyến bay tới Anh và Brazil trong giai đoạn 3 của việc nới lỏng các hạn chế, từ ngày 19/4.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, tỷ lệ nhiễm Covid-19 toàn cầu sắp đạt tới mức cao nhất kể từ khi bùng phát dịch. Số ca nhiễm mới hàng tuần đã tăng gần gấp đôi trên toàn cầu trong 2 tháng trở lại đây. Tình trạng này là do sự kết hợp của các biến thể virus có khả năng lây lan nhanh, sự gia tăng tiếp xúc xã hội, việc nới lỏng quá sớm các biện pháp phòng dịch, tình trạng người dân mệt mỏi sau thời gian dài căng thẳng, cũng như các chiến dịch tiêm chủng chưa có hiệu quả cao và thiếu công bằng.

Còn tại Đông Nam Á, theo thống kê của trang worldometers.info, tính đến ngày 16/4, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 20.598 ca mắc bệnh Covid-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 63.700 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 4 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì Covid-19 là Philippines, Indonesia, Campuchia và Malaysia.

Indonesia vẫn là ổ dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này ghi nhận tổng số ca bệnh cao nhất khu vực.

THÀNH NAM (Tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh