THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:45

Thế giới có gần 564,61 triệu người mắc COVID-19

Theo Worldometers, đến sáng 15/7, thế giới có gần 564,61 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,38 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Mỹ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với tổng cộng trên 90,9 triệu ca mắc, trong đó có hơn 1,047 triệu trường hợp tử vong do bệnh này.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 14/7, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43,68 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 525.500 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Chính phủ Ấn Độ thông báo, trong 75 ngày tới, tất cả những người trưởng thành sẽ được tiêm miễn phí mũi tăng cường tại các trung tâm của Chính phủ. Chiến dịch này sẽ bắt đầu vào ngày 15/7. Các quan chức y tế nhấn mạnh, động thái này nhằm tăng tỷ lệ bao phủ vaccine ngừa COVID-19 trong dân số sau khi phát hiện thêm nhiều biến thể mới. Theo thống kê, cho tới nay, chưa tới 1% trong nhóm có độ tuổi từ 18 - 59 tại Ấn Độ đã tiêm mũi tăng cường.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 674.500 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 33,07 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Một làn sóng nhiễm virus SARS-CoV-2 mới đang lan nhanh trên thế giới. Các ca nhiễm mới, chủ yếu do biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron, đã đặt ra thách thức khó khăn hơn. Nhà chức trách các nước chật vật giải quyết hậu quả kinh tế của những đợt dịch trước, vừa phải tránh gia hạn hay tái áp đặt các biện pháp hạn chế. Tổng Giám đốc WHO nhận định, các làn sóng mới một lần nữa cho thấy, dịch COVID-19 còn lâu mới kết thúc.

BA.5 được biết đến là dòng phụ của biến thể Omicron và đang gây ra làn sóng dịch COVID-19 mới trên toàn cầu. Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong tuần cuối tháng 6, số ca nhiễm BA.5 chiếm 52% số ca mới, tăng so với mức 37% trong vòng một tuần. Tại Mỹ, số ca nhiễm BA.5 chiếm đến 65%.

Chủng phụ BA.5 sẽ trở thành biến thể phổ biến ở hầu hết các nước châu Âu vào cuối tháng 7 này. Cảnh báo do Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu đưa ra. Cơ quan này cho biết, trong 3 tuần qua, số ca mắc mới và nhập viện đã tăng mạnh tại các nước EU.

Đầu tuần này, các cơ quan y tế của EU đã khuyến nghị các nước thành viên thực hiện mũi tiêm vaccine COVID-19 thứ tư cho tất cả những người trên 60 tuổi, cũng như những người dễ bị tổn thương.

Chủng phụ BA.5 sẽ trở thành biến thể phổ biến ở hầu hết các nước châu Âu. (Ảnh: AP)

Chủng phụ BA.5 sẽ trở thành biến thể phổ biến ở hầu hết các nước châu Âu. (Ảnh: AP)

 

Bộ trưởng Bộ Y tế Australia Mark Butler cảnh báo hàng, triệu người dân nước này có nguy cơ mắc COVID-19 trong những tuần tới. Gần đây, Bộ trưởng Butler đã yêu cầu người dân Australia đeo khẩu trang và làm việc tại nhà nếu có thể để kiềm chế làn sóng dịch bệnh do dòng phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron gây ra. Tính đến ngày 13/7, tại Australia có 316.574 người đang phải điều trị COVID-19 và Bộ trưởng Butler cho rằng, con số này có thể tăng hơn nữa trong những tuần tới.

Ông Butler cho biết, đây là làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron thứ 3 trong năm nay tại Australia, đồng thời cảnh báo có thể là làn sóng lây nhiễm đáng quan ngại. Theo ông, trong những tuần tới, có thể có hàng triệu người ở Australia mắc COVID-19, trong đó nhiều người sẽ tái nhiễm sau khi đã mắc bệnh trước đó trong năm nay.

Chính phủ New Zealand vào ngày 14/7 thông báo sẽ cung cấp khẩu trang và xét nghiệm kháng nguyên nhanh miễn phí nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19 và giảm áp lực lên hệ thống y tế của nước này vốn đang phải chật vật để ứng phó với làn sóng COVID-19 mới cũng như dịch cúm.

Quan chức y tế New Zealand cho rằng, có những bằng chứng cho thấy, đeo khẩu trang giúp giảm một nửa nguy cơ mắc COVID-19, đồng thời bảo vệ người dân trước bệnh cúm và các bệnh mùa Đông khác. Ngoài ra, Chính phủ New Zealand cũng sẽ cho phép các hiệu thuốc bán thuốc COVID-19 và mở rộng nhóm đối tượng được sử dụng thuốc kháng virus.

New Zealand đưa ra thông báo trên sau khi số ca COVID-19 mới tăng đáng kể tại nước này trong 2 tuần qua và giới chức y tế cảnh báo làn sóng dịch bệnh do biến thể Omicron gây ra lần này có thể nghiêm trọng hơn làn sóng trước đó. Ngày 14/7, New Zealand ghi nhận 11.698 ca nhiễm mới.

Các chuyên gia y tế Pháp vừa đưa ra cảnh báo về khả năng xảy ra đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ 7 ở nước này với các dòng phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron. Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh nước này ghi nhận hơn 127.000 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua. Hiện ở Pháp có khoảng hơn 19.000 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị, trong đó có trên 1.000 trường hợp nguy kịch.

Trước tình hình này, Cơ quan Y tế quốc gia Pháp đã khuyến nghị mở rộng đối tượng đủ điều kiện tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi nhắc lại thứ hai cho người trên 60 tuổi đã tiêm mũi nhắc lại thứ nhất từ ngày 7/4. Quốc hội Pháp cùng ngày thông qua dự luật tạm thời duy trì hệ thống giám sát và an ninh y tế trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Chính phủ Pháp khuyến cáo người dân đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng.

Một làn sóng COVID-19 mới đang lan nhanh trên khắp châu Á, khiến nhà chức trách nhiều quốc gia cảnh báo người dân cần thận trọng để ngăn dịch bệnh lây lan và tránh để hệ thống y tế bị quá tải. Các ca nhiễm mới, chủ yếu là biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron, đã đặt ra thách thức khó khăn hơn, buộc nhà chức trách các nước vừa phải chật vật giải quyết hậu quả kinh tế của những đợt dịch trước, vừa phải tránh gia hạn hay tái áp đặt các biện pháp hạn chế.

Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc cho biết nước, này đã ghi nhận 39.169 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua. Tại một cuộc họp ứng phó với dịch COVID-19, Thủ tướng Han Duck-soo cho biết, số ca mắc mới COVID-19 có thể chạm ngưỡng 200.000 trường hợp vào thời điểm giữa tháng 8 đến cuối tháng 9.

Để ứng phó với những rủi ro sức khỏe cộng đồng liên quan dịch COVID-19, Chính phủ Hàn Quốc đã mở rộng đối tượng tiêm mũi 4 vaccine COVID-19. Theo đó, những người thuộc độ tuổi 50 và người trên 18 tuổi có vấn đề về sức khỏe là những đối tượng tiếp theo đủ điều kiện để tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ tư.

Số ca mắc mới COVID-19 ở Hàn Quốc có thể lên mức 200.000 trường hợp vào giữa tháng 8 đến cuối tháng 9.(Ảnh: AP)

Số ca mắc mới COVID-19 ở Hàn Quốc có thể lên mức 200.000 trường hợp vào giữa tháng 8 đến cuối tháng 9.(Ảnh: AP)

 

Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc mở rộng quy mô chương trình tiêm mũi thứ tư vaccine COVID-19 nhằm ứng phó với làn sóng lây nhiễm thứ 7 ở nước này, trong khi tạm hoãn kế hoạch kích cầu du lịch để tập trung chống dịch Nhật Bản đang đẩy nhanh tiêm miễn phí mũi 4 vaccine ngừa COVID-19 cho người trên 60 tuổi; những người trên 18 tuổi nhưng có các bệnh lý nền

Số ca mắc mới COVID-19 của Nhật Bản vào ngày 13/7 vượt mốc 90.000 ca lần đầu tiên kể từ ngày 17/2 trong bối cảnh nước này gồng mình đối phó với một làn sóng dịch mới lần này là do biến thể phụ BA.5 của biến chủng Omicron. Ngày 14/7, Nhật Bản ghi nhận 92.507 trường hợp COVID-19 mới.

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trở lại, Bộ Y tế Malaysia đang cân nhắc khả năng tái áp đặt quy định giãn cách xã hội, hay còn gọi là Quy trình Vận hành tiêu chuẩn (SOP), trong đó có yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang trong không gian kín. Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Bộ Y tế Khairy Jamaluddin cho biết, nếu số ca mắc mới COVID-19 ở Malaysia tiếp tục tăng mạnh, Bộ này không loại trừ khả năng áp đặt trở lại việc thực thi Đạo luật Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm (Đạo luật 342).

Indonesia đang bước vào đợt lây lan dịch COVID-19 thứ tư, đây là nhận định của giới chức y tế nước này được đưa ra hôm 14/7. Số ca mắc COVID-19 mới hàng ngày của Indonesia bắt đầu tăng từ ngày 2/7. Kể từ đó, số ca mắc mới được ghi nhận theo ngày đã tăng đáng kể với hơn 3.000 ca mỗi ngày. Giới chức y tế Indonesia kêu gọi người dân cần tiếp tục tuân thủ các quy định y tế và sớm tiêm vaccine ngừa COVID-19 liều thứ 3. Dự báo số ca mắc COVID-19 mới tại Indonesia sẽ đạt đỉnh trong tháng 7 này, trong đó khoảng 81% mắc các biến thể phụ BA.4 và BA.5 của chủng Omicron.

BP (tổng hợp)

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh