CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 10:46

Chư Sê (Gia Lai): Vay tiền bằng "sổ đỏ”, dân nghèo mất cả đất lẫn nhà

Bỗng dưng mất đất

Sau đợt hạn hán nhiều bà con trên địa bàn Gia Lai trắng tay, thiếu vốn nên đành cầm cố sổ đỏ để vay tiền tái đầu tư. Tại một xã nghèo, Hbông (huyện Chư Sê, Gia Lai) nhiều bà con người đồng bào dân tộc thiểu số đang phải “lao đao” vì cầm sổ đỏ vay tiền mà bị lừa sang tên cho người khác lúc nào cũng không biết.

 Lợi dụng sự thiếu hiểu biết, trình độ dân trí thấp và đặc biệt là nhiều người không biết chữ của bà con, nên các đối tượng đã rủ rê, mời chào người dân thế chấp sổ đỏ để vay tiền, với lãi xuất thấp. Vì không có vốn làm ăn, nên nhiều người dân đã sẵn sàng giao sổ đỏ để được vay tiền khoản tiền để đầu tái đầu tư sau hạn. Sau khi hai bên thỏa thuận mức vay, các đối tượng đã đưa người vay lên các phòng công chứng để lăn tay vào bản hợp đồng để sang nhượng toàn bộ diện tích đất mà người dân vẫn không hề hay biết.

Gặp chúng tôi, ông Kpă La (làng Kte2) nghẹn ngào nói : “Vì thiếu vốn làm ăn nên mình vay của bà Thu 65 triệu đồng, với lãi suất 0,9%/tháng, sau 5 năm sẽ trả. Đổi lại, mình thế chấp sổ đỏ toàn bộ đất ở và nông nghiệp với hơn 1,5ha. Sau đó, bà Thu cho xe chở vợ chồng mình lên phòng công chứng lăn tay vào giấy. Mình cứ tưởng lăn tay là để làm giấy vay nợ, chứ có biết là hợp đồng chuyển nhượng gì đâu. Mình vay xong, bà Thu hứa sau khi trả đủ tiền sẽ đưa lại sổ đỏ cho mình, chứ không có giấy tờ gì chứng minh cả… Giờ mảnh đất đó mình vẫn đang trồng mì và sắn, khi nghe nhiều người bị lừa mình lên hỏi mới biết mình cũng bị lừa kí vào giấy sang nhường quyền sử dụng đất…”. Hiện tại gia đình ông Kpă La đang sống trong căn nhà sàn nhỏ tuềnh toàng, trống trải chỉ treo vài bộ áo quần ố màu, sờn cũ, giá trị nhất là mảnh đất nuôi sống cả gia đình bao nhiêu thế hệ. Sống trên mảnh đất không còn mang tên mình, cả gia đình ông Kpă La chung nỗi lo bị đuổi ra khỏi nhà lúc nào.

Chị Ksor Hpyar-vợ ông Kpă Lah (làng Kte 2)-một trong số nạn nhân bị lừa vay vốn sang nhượng bìa đỏ.

Ngay cạnh nhà ông Kpă La là nhà anh Rmah Ưih (làng Kte2), anh Ưih cũng đã xác nhận, anh cũng vừa giao bìa đỏ với toàn bộ các thửa đất với diện tích hơn 3,2 ha để vay của bà Thu 40 triệu đồng, lãi suất 0,9/tháng. Khi biết mình bị rơi vào bẫy của bọn lừa đảo, anh Ưih chán nản, hay uống rượi, anh nói: “Mình có biết đâu, thấy họ vay dễ mình cũng muốn vay ít tiền về làm lại cái sân để có nơi phơi lúa. Để vay được tiền mình đưa sổ đỏ cho bà Thu, rồi bà bắt cả 2 vợ chồng lên phòng công chứng trên thị trấn lăn tay. Mình không thông thạo chữ nên mình chẳng biết tờ giấy viết gì trong đó. Mình cứ nghĩ đây là thủ tục giống như vay ngân hàng…”

Khi chúng tôi điều tra và xác nhận thông tin thì phần lớn người dân không tin rằng bà Thu đã lừa mình làm thủ tục sang nhượng quyền sử dụng đất cho người khác. Họ một mực khẳng định chỉ vay tiền của bà Thu theo kiểu thế chấp bìa đỏ. Cũng là một nạn nhân của bà Thu, ông Rmah Thân nói “Với 3 ha đất của ông hiện nay nếu bán với giá thấp nhất cũng được trên 600 triệu đồng thì không việc gì ông “bán” cho bà Thu với giá 100 triệu đồng…” Tương tự, hơn 3 ha đất của ông Rmah Ưih cũng chỉ “đổi” được 40 triệu đồng…Tuy vậy, dù đất đã không còn thuộc quyền sở hữu của những người dân này nhưng họ vẫn phải… nai lưng ra trả lãi vay cho bà Thu theo mức lãi suất cam kết 0,9%/tháng.

Anh Rmah Thân (làng Kte 1) bị lừa bán 3,2 ha đất chỉ với giá 70 triệu đồng.

Khi nghe chúng tôi hỏi, ông Ksor Jao (trú tại làng Kte2, xã Hbông) vẫn còn chưa tin nổi là mình vừa lấy lại được sổ đỏ – đây là trường hợp duy nhất trong hàng chục hộ dân bị lừa lấy lại được sổ đỏ. Do không thành thạo tiếng Việt nên con gái ông là chị Siu Hpet cho chúng tôi biết: Gia đình vừa vay tiền, nghe mọi người đồn thổi là bị lừa nên đã kịp thời lên Công an xã trình báo. Rất may, sau khi trả lại đủ 70 triệu đồng, bố chị đã được nhận lại sổ đỏ.

Lật tẩy chiêu thức lừa đảo

Sau khi nhận được phản án của người dân, các lực lượng chức năng đã vào cuộc để làm rõ vấn đề. Theo biên bản làm việc của Công an xã Hbông với những hộ dân này và bà Nguyễn Thị Thu. Theo đó các người bị hại đều khai nhận là nhờ bà Thu vay tiền ngân hàng, khi nhận tiền họ có yêu cầu bà Thu đưa xem giấy vay ngân hàng nhưng bà này không đưa mà chỉ đưa giấy viết tay xác nhận có giữ bìa đỏ của họ. quá bức xúc về chiêu lừa đão của bà Thau, các hộ dân này cũng yêu cầu Công an xã làm rõ các bìa đỏ của họ đang ở đâu.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đoàn Văn Tùng - Chủ tịch UBND xã Hbông cho biết, UBND xã có nhận được đơn tố cáo của các hộ dân nói mình bị lừa khi vay tiền của bà Nguyễn Thị Thu, yêu cầu bà Thu trả lại sổ đỏ. Nhận được đơn và nhận thấy có dấu hiệu của lừa đảo, UBND xã đã chỉ đạo công an vào cuộc, xác minh. Sau khi xác minh của công an xã, thì chỉ có 4 trường hợp vay tiền, thế chấp bìa đỏ của bà Thu. Khi chúng tôi cho ông Tùng biết, con số người dân tham gia vay tiền bà Thu lớn hơn rất nhiều thì ông hết sức bất ngờ…”

Theo ông Trịnh Xuân Đạt - Phó Giám đốc phụ trách Văn phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất huyện Chư Sê cho biết: “Từ đầu 2016, trên địa bàn xã Hbông, nhiều hộ người dân tộc thiểu số đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất một phần hoặc toàn bộ diện tích đất cho người khác. Tổng hợp sơ bộ có đến 16 trường hợp, trong số này có 12 hộ dân đã thực hiện việc chuyển nhượng sang tên cho người khác. Trong đó, có 2 bộ sang nhượng cho bà Thu. Sau khi có văn bản của UBND xã Hbông đề nghị dừng sang nhượng đất liên quan đến bà Thu nên các cơ quan tạm thời đình chỉ. Tuy nhiên, sau này có nhiều hồ sơ giao dịch chuyển nhượng đất liên quan đến xã H’bông, vì hồ sơ hợp lệ nên chúng tôi không làm khác được.

Người dân đã kéo nhau lên UBND xã trình báo.

Khi chúng tôi làm việc với tại Văn phòng công chứng huyện Chư Sê và Văn Phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất của huyện, các bìa đỏ mà các hộ dân giao bà Thu đã được chuyển nhượng cho người khác. Đặc biệt phần lớn trong số đó là sang nhượng cho bà Thu và người nhà. Nhiều bìa đỏ sau khi được sang nhượng đã được cầm cố để vay tiền.

Theo Đại tá Đỗ Ngọc Viên-Trưởng Công an huyện Chư Sê cho biết: “Khi nhận được thông tin, chúng tôi đã tiến hành điều tra và xác minh vụ việc. Trên cơ sở nội dung người dân và phóng viên đã phản ánh, mở rộng nhiều nội dung liên quan đến vụ việc này, chúng tôi đang điều tra để xác định bản chất là mua bán hay lừa đảo”.

NGỌC ANH-LÊ NHUẬN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh