THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:05

Thầy trò “Đường Tăng” dự đám tang ở Bình Phước

.

Bộ phim "Tây Du Ký" nổi tiếng gần 30 năm nay của Trung Quốc, chỉ cần nhắc đến là trong tiềm thức của bất cứ ai, già hay trẻ đều hình dung được các nhân vật chính, thậm chí cả yêu ma như Ngưu ma vương, hay Bạch cốt tinh…

Nội dung phim xoay quanh việc 4 thầy trò Đường Tăng, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng cùng vượt qua chặng đường nhiều khổ ải, kiếp nạn để đến được Tây Thiên thỉnh kinh.

Liệu có phải do bộ phim quá nổi tiếng nên nó ngấm quá sâu vào máu người Việt mình? Để rồi trong một đám tang tại Bình Phước, người ta thuê những diễn viên diễn y hệt các vai đó, cốt truyện gần giống như thế để mong tiễn đưa người trong quan tài về Tây Thiên miền cực lạc giống như trong phim?

Được biết, giá thuê dàn diễn viên '4 thầy trò Đường Tăng' phục vụ trong đám tang có giá từ 3 - 5 triệu đồng.

'Phú quý sinh lễ nghĩa", tang gia có điều kiện có thể tổ chức tang lễ theo nhiều cách khác nhau như thuê thuê kèn trống, làm hàng trăm mâm cỗ… nhưng với việc thuê 'thầy trò Đường Tăng' múa gậy, vác hành lý hệt như trong phim lại nhận được những ý kiến trái chiều của những người xung quanh.

Ngay sau khi xuất hiện trên mạng xã hội, nhiều ý kiến bình luận không đồng tình, họ cho rằng đám tang như thế là 'phản cảm', 'làm màu',  'mất an toàn giao thông vì người đi đường hiếu kì đứng xem gây tắc nghẽn'…

Một bạn đọc phản hồi trên mạng xã hội rằng: 'Ở đây thầy trò đường tăng vi hành như vậy vừa mang yếu tố triết lý phật giáo, đồng thời cũng mang yếu tố hài, không biết có phù hợp đám tang hay không? Khi gia đình đang buồn rầu như vậy, có đau khổ như vậy có cái gì đó gợi cho ta điều không hợp lý cho lắm'.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, tổ chức đám tang như thế nào là quyền của gia đình họ.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh, chuyên gia văn hóa dân gian nhận định, quan niệm của người dân là người chết sẽ đi về cõi Phật nhưng việc lồng ghép cả nhân vật trong phim vào đám tang là điều bất hợp lý:

Hình ảnh thầy trò "Đường tăng" xuất hiện trong một đám tang ở Bình Phước đang gây xôn xao dư luận

'Việc thầy trò Đường Tăng đi lấy kinh mà lại đem vào đám tang thì về mặt hình thức gợi cho ta một điều gì đó không hợp lý lắm.

Trong quan niệm của dân gian người chết thì sẽ về cõi phật, đưa hình ảnh này vào trong đám tang là một trường hợp hy hữu và khẳng định rằng nó không có trong văn hóa truyền thống của chúng ta'.

Cũng theo Giáo sư Thịnh, từ  xưa Việt Nam vốn tiếp nhận nhiều nét văn hóa của Trung Quốc hoặc các nước khác để làm phong phú cho truyền thống văn hóa dân tộc mình.

Tuy nhiên, cần phải biết chọn lọc những nền văn hóa lành mạnh, phù hợp từng hoàn cảnh. Ông cho biết sự việc 'thầy trò Đường Tăng' dẫn đầu đám tang ở Bình Phước cũng không phải là ngoại lệ:

'Đây là do tiếp nhận văn hóa của chúng ta với bên ngoài, cái tiếp nhận này có gì phản cảm, cái gì hợp lý thì cần phải tiếp tục tìm hiểu.

Tất nhiên văn hóa không phải đứng một chỗ mà cần tìm tòi, đưa yếu tố mới vào nhưng yếu tố mới đó có thỏa mãn, đáp ứng được nhu cầu của con người hay không? Đó lại là một vấn đề khác'.

Ai cũng có quyền theo đuổi ý nghĩa tâm linh để mưu cầu sự thanh thản trong cuộc sống.

Tuy vậy, cần phải dựa trên nét văn hóa của dân tộc, chứ không phải mượn văn hóa ngoại lai từ một bộ phim giả tưởng của nước ngoài để áp dụng cho bản thân và gia đình mình.

Trong khi đó đám tang vốn là chuyện buồn của gia đình, vì vậy theo truyền thống cần tránh những tiếng ồn ào náo nhiệt để người chết được ra đi thanh thản.

Nghĩa tử là nghĩa tận, vậy nên nhiều người quan niệm rằng việc cuối cùng gia đình có thể làm cho người đã khuất là tổ chức tang lễ sao cho người nằm đó có thể mỉm cười khi sang thế giới bên kia.

Tuy nhiên người chết rồi liệu còn 'nhìn' thấy tang lễ của mình và người thân liệu có thấu được tâm nguyện của người đã mất?

Có thể nói rằng, việc tổ chức tang lễ hoàn toàn do ý chủ quan, thậm chí là 'sở thích' của người còn sống.

Có những trường hợp đau lòng bởi khi còn trên dương gian thì người đó bị con cháu, người thân đối xử tệ bạc.

Nhưng đến khi khuất núi thì lại được tổ chức một đám tang linh đình chỉ để con cháu 'không cảm thấy mất mặt với hàng xóm'.

Nhiều người đều đồng quan điểm khi cho rằng, phong tục vùng miền mỗi nơi khác nhau, tự do tín ngưỡng vốn được pháp luật tôn trọng, tuy nhiên tất cả cần phải nằm trong khuân khổ văn hóa dân tộc.

Dù có bao biện rằng, bỏ chút tiền để người đã khuất có thể vui vẻ ngậm cười nơi chín suối nhưng cũng không nên cách tân thái quá khiến người xung quanh hiểu lầm rằng chính người còn sống đang mượn đám tang để tự mua vui, khoe mẽ, khuyết trương  tính sĩ diện của bản thân mình.

Bởi lẽ, một số người sau khi được biết thông tin về một số tang lễ làm rầm rộ và phô trương quá mức lại liên tưởng đến tác phẩm 'Hạnh phúc một tang gia' một thời.

Theo Đất việt

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh