Thầy thuốc của những người yếu thế
- Dược liệu
- 08:23 - 12/12/2021
Chuyện của bác sĩ Hải
Mấy đứa trẻ đang vui đùa ở sân, thấy mẹ Hải đến, chúng khoanh tay lễ phép đồng thanh:
- Con chào mẹ Hải.
- Mẹ chào các con.
"Cứ đến khu nuôi dạy trẻ, các con cứ ríu ra ríu rít như thế không yêu sao được? Với tôi, mỗi ngày đến cơ quan không chỉ để hoàn thành công việc được giao mà còn như về ngôi nhà thứ hai của mình. Ở đó, có 80 con, 89 cụ, không ít các cụ hàng ngày vẫn thân thiết gọi tôi là con", bác sĩ Trần Thị Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội III Hà Nội vừa dẫn chúng tôi xuống thăm các cháu nhỏ đang được nuôi dưỡng tại đây, vừa kể.
Tốt nghiệp học Đại học Y Thái Bình, với tình yêu trẻ, cô đăng ký học định hướng chuyên khoa Nhi và về công tác tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi thuộc ngành LĐ-TB&XH. Giống như nhiều bác sĩ trẻ khác luôn nghĩ, ra trường sẽ vào làm việc tại các bệnh viện với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, có những đồng nghiệp giỏi và thường xuyên được học hỏi để cập nhật những phương pháp cứu người mới trên thế giới. Lúc nhận công việc cô đã có ý định lùi bước. Thế nhưng khi được Giám đốc Trung tâm dẫn xuống gặp những đứa trẻ mồ côi, suy dinh dưỡng đang được chăm sóc tại đây và nói: "Giới thiệu với các con, đây là mẹ Hải. Từ nay, mẹ Hải sẽ là người dạy dỗ và chăm sóc các con". Những đứa trẻ cùng đồng thanh: "Con chào mẹ Hải ạ".
“Một sinh viên trẻ mới ra trường bỗng có hàng chục đứa trẻ gọi mình là mẹ tôi thấy xúc động vô cùng. Nhìn ánh mắt háo hức của những đứa trẻ ốm o vì suy dinh dưỡng lúc đó tôi có cảm giác như có một luồng điện chạy qua. Và tôi quyết định ở lại, đồng hành cùng các con và gắn bó với ngành từ đó", bác sĩ Hải nhớ lại.
Sau một thời gian, bác sĩ Hải được điều chuyển nhận công tác tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội số II (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội), rồi điều động về công tác tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số III Hà Nội cho đến nay. Trang thiết bị y tế chưa được trang bị đầy đủ; Định mức kinh phí còn khiêm tốn trong khi 100% các cụ có bệnh nền phải thường xuyên phải điều trị. Hiện có 22 cụ yếu phải chăm sóc đặc biệt, nhiều trẻ sơ sinh yếu phải chăm sóc đặc biệt của chuyên môn y tế. Nếu thường xuyên chuyển nguồn kinh phí được cấp không thể đáp ứng; nhân viên y tế phải đi theo phục vụ. Vì thế, đội ngũ y bác sĩ Trung tâm phải thường xuyên cập nhật những kiến thức mới để điều trị và xin các nhà tài trợ các loại tân dược. Ở Trung tâm, bác sĩ vừa là khám điều trị, ra y lệnh và đồng thời cũng là người thực hiện y lệnh. Các y bác sỹ của Trung tâm tự tay bóc từng viên thuốc đưa cho bệnh nhân, pha sữa bê tận giường động viên bệnh nhân uống… Không chỉ là bác sĩ điều trị bệnh mà còn là người chia sẻ tâm tư, nguyện vọng với các cụ, động viên các con như những người thân yêu trong gia đình.
27 năm công tác trong ngành LĐ-TB&XH, từng trải qua nhiều đơn vị, vị trí công tác nhưng bác sĩ Hải vẫn giữ nguyên tình yêu nghề, gắn bó với ngành. Chị bảo: "Những người sống tại Trung tâm là những người có hoàn cảnh đặc biệt rất đáng thương. Từ các cụ già cho đến các cháu nhỏ, họ rất cần sự sẻ chia, yêu thương của mình. Phải thật sự tâm huyết, yêu nghề có tình thương với những người yếu thế thì mới có thể gắn bó với nghề".
…Và rất nhiều tấm gương thầm lặng luôn coi bệnh nhân như người thân
12 năm công tác tại Trung tâm Bảo trợ số III Hà Nội, điều dưỡng Đỗ Kim Oanh luôn nhận được sự tin yêu của các cụ già, em nhỏ. Chị bảo, các nhân viên điều dưỡng ở đây không ai quản ngại khó khăn, vất vả để chăm sóc các cụ, các cháu từng bữa ăn, giấc ngủ, vệ sinh cá nhân. Đặc biệt, đối với những cụ yếu không thể tự phục vụ hay các cháu sơ sinh càng nhận được sự quan tâm, chăm sóc của cán bộ nhân viên. "Tôi được phân công phụ trách khu B3, nơi có 13 cụ sinh sống. Tôi thuộc lòng tính cách, sở thích của từng cụ, có cụ thích dịu dàng, có cụ thích hài hước. Tôi luôn sẻ chia, coi các cụ như ông, bà của mình để các cụ vơi đi nỗi cô quạnh tuổi già", chị Oanh chia sẻ.
Bác sĩ Bùi Đức Thành, Phó trưởng Phòng Y tế - Phục hồi sức khỏe (Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 Hà Nội) gắn bó 15 năm trong ngành LĐ-TB&XH. Anh bảo: "Các bác sĩ được làm việc tại bệnh viện cảm giác được tôn vinh hơn, còn chúng tôi hàng ngày thầm lặng làm đúng chuyên môn của mình. Cũng có những lúc không khỏi chạnh lòng nhưng đã gắn bó với nghề nên chưa một lần có ý định thay đổi đơn vị công tác…".
Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 Hà Nội đang điều trị cai nghiện cho 360 học viên. Bác sĩ Thành cho biết, hầu hết những học viên đến đây dù thuộc nhóm bắt buộc hay tự nguyện đều mang tâm trạng "ép buộc" nên không hợp tác với bác sĩ để khám, chữa bệnh. Trong khi đó, có không ít người lại giả vờ bệnh để đối phó với các y lệnh của bác sĩ. Những người nghiện ma túy khi vào thường rối loạn tinh thần. Có rất nhiều học viên mắc bệnh mãn tính, có HIV, viêm gan C nên các y bác sĩ khá vất vả.
Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An là mô hình phục hồi chức năng toàn diện cả về thể chất và tinh thần cho bệnh nhân. Gắn bó 20 năm với ngành LĐ-TB&XH, bác sĩ Nguyễn Ngọc Tân, Phó giám đốc Trung tâm phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An (Bộ LĐ-TB&XH) trải lòng: "Nếu không có tình yêu nghề, nhiệt huyết và sự cảm thông với những khó khăn, thiệt thòi của những mảnh đời kém may mắn thì sẽ không thể gắn lâu dài với nghề. Chăm sóc những bệnh nhân của mình để thấy, mình may mắn hơn rất nhiều và càng phải cố gắng hơn rất nhiều…". Bởi theo bác sĩ Tân, Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An là mô hình phục hồi chức năng toàn diện cả về thể chất và tinh thần cho bệnh nhân. Quá trình phục hồi chức năng cho các bệnh nhân rất lâu nên đòi hỏi cán bộ y tế phải kiên trì. Nhiều người khuyết tật sau thời gian được phục hồi chức năng đã tiến bộ rõ rệt. Bên cạnh đó, Trung tâm giáo dục hòa nhập cho trên 120 học sinh khuyết tật về trí tuệ, điếc câm… giúp các em phát huy năng lực bản thân để hòa nhập cộng đồng.
Y sĩ Nguyễn Thị Hương, Phó phòng Y tế, Trung tâm chăm sóc và nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội nhiều năm gắn bó với Trung tâm. Cô cho biết: "Trung tâm đang nuôi dưỡng, điều trị cho 585 bệnh nhân. Các bệnh nhân điều trị ở đây đều rất đặc biệt. Vì thế, các cán bộ Trung tâm luôn đồng cảm, chia sẻ, thương yêu các bệnh nhân như các thành viên trong gia đình. Cũng có những bệnh nhân khi đã được điều trị tỉnh táo, họ gọi các cán bộ Trung tâm là con khiến ai cũng xúc động, coi họ như những người thân trong gia đình".
Đội ngũ y bác sĩ trong ngành LĐ-TB&XH vẫn đang hàng ngày thầm lặng điều trị, chăm sóc những đối tượng yếu thế. Họ góp phần động viên, giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn tìm lại được niềm vui để có ngay mai tươi đẹp hơn…