THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:03

Thầy giáo tí hon miệt mài dạy nghề cho người khuyết tật

Bén duyên với nghề thầy giáo 

Lần đầu tiên liên hệ thầy giáo Nguyễn Văn Hùng tôi đã nhầm người bên kia đầu dây là một bạn gái. Sau đó, thầy Hùng cũng nói rất nhiều người đã nhầm như vậy, đối với thầy đó là chuyện bình thường. Mặc dù đã ngoài 30 tuổi nhưng thầy Hùng vẫn giữ nguyên hình hài và giọng nói của một đứa trẻ. 

Sinh ra trong một gia đình làm nông ở Nam Đàn, Nghệ An, cuộc sống của Hùng diễn ra như bao bạn bè cùng trang lứa khác. Nhưng đến khi 7 tuổi, mọi người mới phát hiện ra Hùng bị thiếu hoocmon tăng trưởng. Học cấp 2, cấp 3 là những năm tháng gian truân, khó khăn nhất của Hùng vì luôn phải sống trong sự kì thị của bạn bè cùng trường. Nhưng có lẽ, cuộc đời không bất công với ai, cũng không ưu ái ai tất cả, bù lại thân thể nhỏ bé kia là một ý chí vươn lên phi thường.

Thầy giáo tí hon Nguyễn Văn Hùng trong lớp học CNTT miễn phí cho NKT 


Vượt qua mặc cảm bản thân, anh Hùng sau khi học hết cấp 3 ở quê, quyết định vào Đồng Nai học Trung cấp Kĩ thuật tin học. Sau khi tốt nghiệp, anh Hùng ra Hà Nội làm việc tại mảng thiết kế đồ họa cho trung tâm nghị lực sống do cố hiệp sĩ Công Hùng sáng lập.

Kể về quá trình giảng dạy ở Hà Nội, anh Hùng chia sẻ: “Những ngày đầu đứng lớp, lúc nào cũng lo lắng, tự hỏi không biết các kĩ năng, kiến thức của mình có giúp được các bạn không. Được các anh chị động viên, sau một thời gian giảng dạy, các bạn tiếp thu rất tốt, từ đó mình tự tin hơn trong công tác đào tạo”.

Gần 3 năm qua, lớp học của thầy giáo tí hon Nguyễn Văn Hùng (tại Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) là mái nhà giúp cho nhiều bạn người khuyết tật (NKT) có tay nghề, có việc làm và tự lập trong cuộc sống.

CNTT mở ra nhiều cơ hội cho NKT

Bước vào lớp của thầy Hùng khó có thể nhận ra đâu là học viên, đâu là thầy giáo bởi thầy giáo lại có thể trạng, cân nặng bé nhất lớp. Nhưng ấn tượng đầu tiên với người đối diện là thầy Hùng tuy thân hình nhỏ nhưng lại vô cùng nhanh nhẹn. Thầy Hùng đến từng bàn học hướng dẫn các bạn học viên trong lớp với giọng nói nhỏ nhẹ, truyền cảm.

Điều đặn các ngày trong tuần thầy Hùng lại có mặt để hướng dẫn các bạn NKT học CNTT


Kể về lớp học đặc biệt ở trung tâm, thầy Hùng cho biết, các bạn đến với lớp học đều là người khuyết tật và có hoàn cảnh khó khăn. Hàng năm trung tâm đào tạo tối thiểu 60 học viên chia làm hai đợt, mỗi một khóa kéo dài 6 tháng, các bạn sẽ được đào tạo tin học văn phòng, photoshop, tiếng anh, kỹ năng mềm…

Vốn cũng là NKT nên thầy giáo Hùng hiểu rất rõ những khó khăn của các bạn; hiểu được điểm mạnh điểm yếu của từng người. Theo thầy giáo Hùng chia sẻ: “Các bạn NKT đến với trung tâm đều có điểm chung là rất tự ti. Chính vì thế, dạy các bạn về chuyên môn thì dễ, động viên các bạn vượt qua được mặc cảm mới là điều khó khăn”.

Tại trung tâm của thầy Hùng, các học viên đều không phải đóng học phí. Họ sống chung như một gia đình; sau buổi học mỗi người một việc từ nấu ăn, giặt đồ, dọn dẹp… Chi phí sinh hoạt, thuê phòng đều được mọi người tự nguyện san sẻ với nhau. Tại trung tâm có một văn hóa trong học tập là những người biết rồi thì chỉ lại cho những người chưa biết, các bạn tự kèm cặp nhau học tập.

Thầy giáo Hùng tận tình chỉ bảo cho các bạn học viên NKT


Nếu các bạn cứ sợ đi học, sợ không có việc làm, thì rất khó khăn cho các bạn, bởi thực chất những người bình thường đi học đại học còn nguy cơ thất nghiệp cao. Vì vậy mà bản thân NKT muốn có được công việc ổn định thì phải trang bị cho mình một cái nghề. Phải chủ động học hỏi từ những người xung quanh. Hiện nay có rất nhiều người đang giang rộng cánh tay giúp đỡ các bạn, nhưng họ không biết giúp như thế nào nếu như bạn không có nghề trong tay, thầy giáo Hùng chia sẻ.

Nguyễn Văn Dư, 28 tuổi quê Thanh Hóa - thành viên của lớp học ca 1 của thầy giáo Nguyễn Văn Hùng, mắc chứng bệnh lùn tuyến Yên, chia sẻ: “Lần đầu tiên chạm tay vào bàn phím, em đã nghĩ đây là thứ sẽ thay đổi cuộc đời mình. Ngày đầu làm quen với máy tính, mày mò học thuộc bàn phím không ít lần em cảm thấy bất lực trước những thao tác phức tạp, nhưng sau được sự hướng dẫn của thầy và các bạn nên cũng quen dần và say mê với nó. Đi học có nhiều bạn cùng hoàn cảnh giống mình, nên cũng mình cùng tự tin hơn”.

Sùng A Dì và các học viên trong lớp coi CNTT là cơ hội để thay đổi cuộc đời


Còn đối với Sùng A Dì người dân tộc Hmông (Mù Cang Chải, Yên Bái) theo học CNTT không chỉ làm đam mê mà nó là cơ hội giúp anh thay đổi cuộc đời. A Dì cho biết, sau nhiều năm đi làm nhận thấy bản thân chịu nhiều thiệt thòi, do sức khỏe yếu hơn người bình thường nên anh quyết tâm tìm kiếm một công việc phù hợp hơn với sức khỏe của mình. Qua bạn bè và qua thông tin trên mạng, A Dì biết được trung tâm Nghị lực sống, đang dạy tin học miễn phí cho NKT nên quyết định ra Hà Nội học nghề.

"Mình là NKT nên tiếp cận CNTT khó khăn hơn người thường. Chính vì vậy, mà quyết tâm cũng phải cao hơn rất nhiều. Mình chỉ mong sau khi học xong có thể tìm kiếm được một công việc ổn định tự chăm lo cho bản thân, mình không còn là gánh nặng của gia đình”, A Dì bộc bạch.

Nguyễn Văn Dư và Sùng A Dì chỉ là hai trong số hàng trăm học viên đã tìm lại được niềm tin, động lực và cơ hội thay đổi cuộc đời khi đến với lớp học của thầy giáo tí hon Nguyễn Văn Hùng. Tuy nhiên, thầy giáo Hùng vẫn còn cảm thấy những việc mình làm là chưa đủ, thấy bản thân phải cố gắng hơn nữa, có vậy mới giúp đỡ được tất cả mọi người. “Mong muốn lớn nhất của mình sau này là khi đã tích cóp được một số vốn sẽ mở một trung tâm dạy CNTT tại quê nhà. Như vậy, sẽ giúp được nhiều hơn nữa những bạn NKT không có điều kiện đi học, tiếp cận với CNTT” - thầy giáo Hùng chia sẻ.

TUẤN ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh