THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 05:08

Thầy giáo có trại hươu sao lớn nhất Lâm Đồng

 

Quê Hà Tây cũ, năm 2 tuổi Lê Xuân Sinh theo gia đình vào xã Tân Hà, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) xây dựng vùng kinh tế mới. Ở vùng đất mà người dân lo làm lụng hơn lo học thì anh vẫn quyết tâm theo học hành và trở thành giáo viên dạy âm nhạc từ năm 2004. “Ngày đó khi thi đỗ vào Trường Đại học Đà Lạt ngành sư phạm, tôi nhập học mà trong lòng vừa mừng vừa lo. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ chỉ có thể cố gắng chu cấp cho tôi năm học đầu tiên. Nghĩ đến tiền ăn, tiền học phí năm hai, năm ba… tôi định bỏ học giữa chừng. Thế nhưng, khi nghĩ bố mẹ đã vất vả nuôi mình ăn học từ nhỏ, nay phải từ bỏ tôi cảm thấy rất xấu hổ nên quyết tâm học hành xong và kiếm việc làm thêm phụ gia đình” Anh Sinh tâm sự.

 

Anh Lê Xuân Sinh cạnh trang trại nuôi hươu sao lấy nhung của mình

Một lần, đến nhà người bạn chơi, thấy bạn có một cặp hươu sao, giá bán ra một cặp nhung hươu (năm 2009) là trên mười triệu đồng. Bằng con mắt nhạy cảm của một người biết kinh doanh, anh Sinh thấy có khả năng phát triển và có lợi nhuận cao từ hươu sao. Lúc đó anh mới nảy sinh ý tưởng tìm cách kinh doanh.  “Tôi đã tự trang bị vốn kiến thức về cách làm chuồng trại, chăm sóc, phòng chữa bệnh cho hươu sao. Khi thấy đủ tự tin tôi quyết tâm làm cho bằng được”. Anh Sinh nhớ lại.

Anh đã thế chấp toàn bộ đất đai của gia đình, đồng thời vay mượn thêm của họ hàng, bà con hàng xóm với số tiền hơn 360 triệu đồng. Có tiền trong tay, trước tiên anh Sinh xây dựng chuồng trại và sau một tháng anh mới tìm mua được giống hươu sao, hơn hai tháng anh mới thành thạo cách chăm sóc. Khi đó anh mới quyết định mua trước hai chục con đực và mười con cái để gầy giống. Để thu được lợi nhuận và chất lượng của nhung hươu, anh đã nghiên cứu và chăm sóc rất kỹ  cách cho ăn, nguồn thực phẩm cho hươu. Mỗi ngày, đàn hươi của anh phải có đủ từ 7 đến 10 kg thực phẩm xanh gồm cỏ bò sữa, các loại lá cà phê, lá nhãn, lá chuối, các loại rau củ quả.  Nhờ quy trình chăm sóc tốt nên cứ vào mùa xuân hươu đực cho lấy nhung. Mùa phụ tháng 5 đến tháng 6 âm lịch, hươu cho lấy thêm một lần nữa. Chỉ trong vòng 5 phút là cắt xong một cặp nhung.

 

Nhung hươu có giá trị kinh tế cao

Anh Sinh vui vẻ cho biết: “Là thầy giáo, mặc dù thu nhập tương đối ổn định, nhưng cuộc sống gia đình tôi vẫn không khá giả lên được. Tôi nghĩ  mình cần tìm hướng đi mới, đầu tư làm một việc gì đó để hỗ trợ và phát triển kinh tế gia đình. Tôi thấy mô hình nuôi hươu sao lấy nhung đem lại hiệu quả kinh tế cao, chi phí đầu tư không nhiều, việc chăn nuôi hươu có thể tận dụng được nguồn thức ăn từ nông sản của gia đình vừa dễ chăm sóc, ít dịch bệnh so với các loại vật nuôi khác. Lúc đó nhung hươu bán rất chạy trên thị trường và có giá trị kinh tế cao. ”

  Lúc đầu, khi nuôi hươu sao, anh gặp rất nhiều khó khăn, nhiều con bị bệnh, xuống cân do không phù hợp với chuồng trại mới, khí hậu. Nhờ kinh nghiệm và kiến tự học, anh Sinh liền thay đổi thức ăn bằng hỗn hợp những loại lá cây như lá cỏ voi, các loại lá tận dụng, lá ổi, lá mít… cho chúng ăn. Chỉ trong 3 ngày, đàn hươu sao của anh trở lại bình thường. Sau hơn một năm chăm sóc, những con hươu đực đã cho lộc nhung với số lượng đủ thanh toán hết khoản tiền vay mượn. Thấy rõ được lợi nhuận nên anh tiếp tục nhân rộng đàn hươu sao. 6 tháng sau anh mua thêm 60 con. Nhưng bước đột phá chỉ bắt đầu khi vào năm 2012 anh chính thức mở trang trại đầu tiên ở Thị Trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà. Cũng từ đó, thương hiệu lộc nhung “Trường Sinh Gia Bảo” đã được nhiều khách hàng từ Lâm Hà, Đơn Dương, Đức Trọng, thành phố Đà Lạt… tìm đến và đặt mua trước từ 2 - 3 tháng. Ngoài việc nuôi hươu sao đực, anh Sinh còn nuôi thêm hươu cái để sinh sản, nhân đàn. Mỗi năm, hươu sinh sản một lần, hươu cái giống chừng từ 4-6 tháng tuổi có giá khoảng 7 triệu đồng/con, hươu đực 12 triệu đồng/con. Anh Sinh cho biết: “Từ số tiền bán nhung hươu và con giống, năm 2013 lãi suất tôi thu được khoảng 500 triệu đồng, năm 2014 là 800 triệu đồng và dự tính cho đến  nay con số đặt trên một tỷ đồng. Cũng nhờ nuôi hươu sao mà gia đình tôi đã nhanh chóng thoát nghèo”.

 

Đàn hươu sao đã làm thay đổi cuộc sống của gia đình anh Sinh

Đến giữa tháng 10 này, trang trại thứ 19 của anh Sinh ra đời. Với việc chăm, nuôi thành công hươu sao lấy nhung, anh Sinh hiện nay đã có trên 300 con giống, gần 100 con đực đang thu hoạch nhung và 50 con đực cuối năm nay là thu lần đầu tiên. Hiện nay nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh cũng đang phát triển trang trại nuôi hươu sao để phát triển kinh tế từ việc nhìn thấy hiệu quả của mô hình kinh doanh của anh Sinh.

Minh Hạnh/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh